Thứ Sáu, 13/9/2024
Phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chung sức xây dựng quê hương Đồng Khởi

Việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với việc tiếp tục phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đạt kết quả tốt, thực hiện đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai các công trình, dự án trọng điểm… Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo có bước cải thiện, giảm bớt khó khăn; tạo tiền đề cho tỉnh tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội trong những năm tiếp theo, hướng tới mục tiêu đưa Bến Tre trở thành địa phương phát triển khá trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Kết quả chung của tỉnh đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, then chốt của công tác dân vận trong hệ thống chính trị; có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, tập hợp và phát huy nguồn lực to lớn trong các tầng lớp nhân dân; trong đó, không thể không nhắc đến hiệu quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, đã góp phần to lớn vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Xác định công tác dân vận luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng; đặc biệt trong tình hình hiện nay, sự đồng thuận của nhân dân chính là thước đo hiệu quả công tác dân vận, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, trong đó trọng tâm là Quyết định số 306-QĐ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị để cụ thể hóa thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh...

 Hằng năm, trên cơ sở đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành chương trình công tác dân vận để định hướng chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận của hệ thống chính trị. Năm 2022, chương trình công tác dân vận của Tỉnh ủy chọn chủ đề “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân”. Qua đó, cùng với thực hiện tốt “Dân vận khéo” mà trong thời gian ngắn Bến Tre đã vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, khởi công nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, tiêu biểu là dự án cầu Rạch Miễu 2, hiện tỉnh đang phối hợp tập trung triển khai xây dựng, đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công các gói thầu đạt trên 85%.

Đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Trung ương phát động thực hiện từ năm 2009, sau 12 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, phong trào thật sự trở thành một trong những phương thức dân vận đạt hiệu quả cao. Qua quá trình xây dựng và hoàn thành mỗi mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần to lớn trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở từng cấp, trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc… Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo được sự đồng thuận của người dân, từ đó đã phát huy sức sáng tạo, huy động nguồn lực to lớn trong dân góp phần thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng giao thông nông thôn và các công trình, dự án địa phương. Ở Bến Tre, hiện nay hầu hết những tuyến đường giao thông nông thôn được khang trang, xanh, sạch đẹp, an toàn đều do làm “Dân vận khéo” mà xây dựng nên.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn còn một số hạn chế. Việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở một số nơi còn dàn trải, theo lối mòn, ít có mô hình đột phá vào những lĩnh vực mới, khó. Việc nhân rộng những mô hình hiệu quả còn hạn chế. Quy trình thủ tục còn rườm rà, nguồn kinh phí cho công tác khen thưởng hạn hẹp, việc tuyên dương các điển hình cá nhân còn ít... Những hạn chế trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thường xuyên, thông qua việc tổ chức các cuộc tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến từ cơ sở và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới cơ bản mang lại hiệu quả rõ nét trong phong trào. 

Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Quy chế dân chủ và phong trào thi đua “Dân vận khéo” để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Chỉ đạo ban hành Hướng dẫn về nội dung, tiêu chí, hồ sơ trong việc xây dựng và kiểm tra, công nhận mô hình, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” theo hướng cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; mở Chuyên mục “Dân vận khéo” trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mỗi tháng 01 lần; xây dựng Kế hoạch xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những chủ trương, định hướng quan trọng của tỉnh trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đã mang lại hiệu quả tích cực.


 Hội Cựu thanh niên xung phong xã Mỹ Hòa (huyện Ba Tri)
chăm chút công trình tuyến đường xanh - sạch - đẹp

Một trong những điểm mới của tỉnh là thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện phong trào này. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng Bộ thủ tục hành chính về xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh, gồm 04 quy trình, 05 biểu mẫu ngắn gọn, dễ thực hiện và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, triển khai thí điểm trong toàn tỉnh từ tháng 10/2022; qua đó, góp phần giảm tải các thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, để khách quan và thực chất trong việc xét công nhận các mô hình, điển hình cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo tỉnh đã thành lập 03 Hội đồng thẩm định riêng trên từng lĩnh vực như kinh tế - xã hội, an ninh trật tự - dân vận chính quyền, tôn giáo. Hằng năm, sau khi các cấp đi khảo sát, đánh giá tổng hợp gửi về cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Dân vận Tỉnh ủy thẩm định bước đầu, trình ra Hội đồng thẩm định cho ý kiến từng mô hình; sau đó trình Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh ký quyết định công nhận. Ban Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và giới thiệu, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”.

Đồng thời, hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy cấp nguồn kinh phí hoạt động riêng cho Ban Chỉ đạo, trong đó có kinh phí khen thưởng các mô hình, điển hình tiêu biểu; đề nghị UBND tỉnh khen thưởng vào dịp sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm. Ban Chỉ đạo sau mỗi năm công nhận, khen thưởng sẽ chọn những mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa cao, ban hành văn bản giới thiệu (có kèm theo các giải pháp thực hiện của mô hình) để nhân rộng ra toàn tỉnh. Đồng thời để giới thiệu các mô hình, điển hình các cấp, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ký kết chương trình phối hợp với Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh Truyền hình Bến Tre đã giới thiệu các gương điển hình qua chuyên mục “Dân vận khéo” được phát sóng vào thứ bảy, tuần thứ ba mỗi tháng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát triển rộng khắp và duy trì thành một trong những phong trào thi đua quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” được tỉnh chỉ đạo phát động trong nhiều năm qua. Mỗi năm, trung bình có từ 120 - 150 mô hình được công nhận đạt tiêu chí cấp tỉnh, 300 mô hình đạt tiêu chí cấp huyện và khoảng 300 mô hình cấp xã.

Có thể nói, bằng sự quyết tâm đổi mới với nhiều giải pháp tích cực, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại tỉnh Bến Tre đã được nâng cao về chất lượng và không ngừng nhân rộng trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt đã gắn chặt với phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát huy được vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và nhân dân chung sức thực hiện có hiệu quả.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng cường nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tiếp tục nâng chất phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hướng vào giải quyết được những vấn đề mới, khó, bức xúc, với quan điểm “lấy sức dân để giải quyết những vấn đề của dân”; từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tục thực hiện đúng Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về nội dung, tiêu chí, hồ sơ trong việc xây dựng và kiểm tra, công nhận mô hình, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” và Bộ thủ tục hành chính về xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cấp tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình vận động người dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện và địa phương; xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, gia đình hạnh phúc tiến bộ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy; các hoạt động đa dạng hóa các loại hình tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy cộng đồng tham gia thực hiện đạt hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh…

Ba là, quan tâm việc nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả, kể cả các mô hình đã công nhận cấp huyện, cấp tỉnh những năm trước (đặc biệt các mô hình có tính bền vững, sức lan tỏa và khả năng nhân rộng cao, hướng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu, các chương trình trọng tâm được xác định trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra); xây dựng, phát hiện các nhân tố điển hình “Dân vận khéo” là những cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận (các tổ trưởng, trưởng các chi hội, chi đoàn..), các cá nhân có uy tín trong cộng đồng được nhân dân tín nhiệm, noi gương để giới thiệu biểu dương, công nhận các cấp.

Bốn là, tổ chức nhiều cuộc thi, tọa đàm, giao lưu với các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn chặt phong trào này với các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; đặc biệt là phong trào thi đua "Đồng Khởi mới" do Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động, giai đoạn 2020 - 2025./.

Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất