Thấm
nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”,
thời gian qua, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền
huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai nhiều mô hình dân
vận thiết thực, hiệu quả. Những mô hình này đang có sức lan tỏa sâu
rộng, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, góp phần thúc đẩy sự phát
triển kinh tế-xã hội của địa phương.
|
Đại diện lãnh đạo xã Xuân Trạch bàn giao công trình thắp sáng đường quê cho bản Rào Con
(thị trấn Phong Nha, Bố Trạch).
|
Những công trình “ý Đảng, lòng dân”
Theo chân đoàn công tác của Ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch, chúng tôi đến thăm bản Rào Con (thị trấn Phong Nha). Đường vào Rào Con đang được đầu tư đổ bê tông, tạo thuận lợi cho bà con trong việc đi lại. Tuy vậy, nơi đây vẫn chưa có điện lưới, sóng điện thoại, 100% hộ nghèo…
Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch Cao Thế Vĩnh cho biết: “Thực hiện mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản”, xã Xuân Trạch được phân công giúp đỡ bản Rào Con. Trước những khó khăn của bản, xã đã huy động nguồn lực lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, trị giá 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc…”.
Tại lễ bàn giao công trình, Trưởng bản Rào Con Hồ Văn Kiên chia sẻ: “Hệ thống đèn đường sẽ tạo thuận lợi cho chúng tôi trong đời sống sinh hoạt. Bà con dân bản rất phấn khởi và mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền”.
Là địa phương được phân công giúp đỡ bản Cờ Đỏ (xã Thượng Trạch), thị trấn Hoàn Lão đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con về những nội dung cần giúp đỡ. Bí thư Đảng bộ thị trấn Hoàn Lão Phạm Đình Dũng cho biết: “Dựa trên tình hình thực tế của bản Cờ Đỏ, thị trấn Hoàn Lão quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung cho bà con. Công trình đã được đưa vào sử dụng từ tháng 10/2022, có trị giá khoảng 100 triệu đồng. Dự kiến, thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục giúp đỡ bản Cờ Đỏ tu sửa các thiết chế văn hóa, vệ sinh môi trường; hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… với kinh phí khoảng 130-150 triệu đồng/năm”.
Đó là những công trình ý nghĩa từ mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” được triển khai trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch đã thực hiện mô hình “Đồng hành cùng giáo dân xây dựng xứ, họ đạo bình yên, văn minh”. 14 phòng, ban, đơn vị thuộc UBND huyện được phân công nhận giúp đỡ 11 giáo xứ, 19 giáo họ trên địa bàn huyện. Nhằm mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình triển khai, các phòng, ban, đơn vị đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế của địa bàn để nắm được nhu cầu, từ đó xây dựng lộ trình đồng hành phù hợp.
Thôn Thanh Hải (xã Thanh Trạch) hiện có 217 hộ, gần 950 khẩu, trong đó có 176 hộ đồng bào công giáo. Với những nghề chính, như: Khai thác, chế biến thủy hải sản, xuất khẩu lao động..., đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm. Thôn luôn duy trì danh hiệu làng văn hóa. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch đã khảo sát để đầu tư làm hệ thống điện chiếu sáng trục đường vào giáo xứ Thanh Hải. Phòng cũng lên kế hoạch hướng dẫn xã Thanh Trạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới thông minh…
Góp phần xây dựng và phát triển quê hương
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Quốc Hạnh cho biết, các mô hình "dân vận khéo": “Mỗi xã giúp mỗi bản”, “Đồng hành cùng giáo dân xây dựng xứ, họ đạo bình yên, văn minh” có 4 nội dung cụ thể, gồm: Đồng hành cùng bà con phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức các hoạt động văn hóa-xã hội, thể dục thể thao, du lịch, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân bản địa; giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới, vùng có đạo; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua thời gian triển khai thực hiện, mô hình "Đồng hành cùng giáo dân xây dựng xứ, họ đạo bình yên, văn minh” đã phát huy tác dụng tích cực, rõ nét trong thực tiễn đời sống. Các cơ quan đã phối hợp cùng địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, giáo dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của mô hình. Nhờ đó, đồng bào các tôn giáo đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua, yêu nước, “sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”; phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.
Từ khi triển khai thực hiện (tháng 6/2022) đến nay, mô hình “Mỗi xã giúp mỗi bản” đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 22 xã, thị trấn đã tiến hành khảo sát, triển khai thực hiện mô hình ở 22 bản, với nguồn kinh phí thực hiện trên 3,1 tỷ đồng. Chính việc thực hiện mô hình bước đầu đã góp phần động viên các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế-văn hóa xã hội, các phong trào thi đua, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước tại địa phương; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bố Trạch Trần Văn Thăng cho biết, các mô hình "dân vận khéo" được triển khai thời gian qua trên địa bàn huyện bước đầu đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nhằm góp phần thúc đẩy sự thành công của các mô hình, để nghị quyết của các cấp ủy đảng thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đề án “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận; huy động mọi nguồn lực phát triển vùng đồng bào DTTS huyện Bố Trạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Các xã, thị trấn, đơn vị trong quá trình thực hiện hỗ trợ các mô hình, nên khảo sát thực tế để có những giải pháp, phần việc phù hợp với thực tiễn. Mặt trận và các đoàn thể huyện quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai các mô hình, phần việc cụ thể tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, vùng có đông tín đồ tôn giáo theo hướng cụ thể, thiết thực hơn. Ban Dân vận Huyện ủy tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình, hướng dẫn các xã, thị trấn, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình; tổng hợp báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Huyện ủy; đề xuất khen thưởng, nhân rộng điển hình.
“Việc triển khai các mô hình "dân vận khéo" trên địa bàn huyện Bố Trạch đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương. Những kết quả bước đầu từ việc thực hiện mô hình đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các bản làng, thôn xóm, tác động, làm chuyển biến nhận thức của bà con bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động được nguồn lực xã hội hóa để thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện nguồn ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn. Có thể thấy, “Mỗi xã giúp mỗi bản”, “Đồng hành cùng giáo dân xây dựng xứ, họ đạo bình yên, văn minh” là những mô hình "dân vận khéo" hiệu quả, đang đi đúng hướng”, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Lê Công Toán chia sẻ.
|
(baoquangbinh.vn)