Thứ Tư, 4/12/2024
Hiệu quả từ mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững ở Quảng Bình

Du khách tham quan trải nghiệm ở bản Còi Đá (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy)


Để cụ thể hóa việc xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững, Sở đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị du lịch thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực du lịch, nhất là công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn, giải quyết rác thải nhựa; hưởng ứng ngày môi trường thế giới; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; niêm yết giá và bán đúng giá… Trên cơ sở đó, tập trung quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ làm công tác du lịch, du khách và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội thông qua các phóng sự chuyên đề, bài viết, các clip quảng bá về du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh.

Mặt khác, Sở Du lịch Quảng Bình chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho hướng dẫn viên, cộng đồng về phát triển du lịch như: kỹ năng tiếng Anh du lịch; kiến thức buồng, bàn, lễ tân, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lái xe, đội thuyền tại các địa bàn như thị trấn Phong Nha, các xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy)... Trong đó, lồng ghép các nội dung về tâm lý khách du lịch, kỹ năng giao tiếp, định hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách. Từ đội ngũ phục vụ du lịch này đã hướng dẫn, khuyến cáo du khách và nhân dân cùng nâng cao nhận thức và thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch tại các điểm đến và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh.

Một trong những nội dung trọng tâm để triển khai mô hình “Dân vận khéo” xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững được Sở tập trung chỉ đạo là định hướng phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch cộng đồng. Đây không chỉ là hoạt động thiết thực nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân các địa bàn mà còn là kênh quan trọng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đông đảo nhân dân trong công tác gìn giữ, xây dựng môi trường du lịch.

Thời gian qua, Sở đã quan tâm nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, triển khai các sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng. Trong đó triển khai và ứng dụng có hiệu quả Đề tài khoa học “Nghiên cứu hiệu quả và tiềm năng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng” vào thực tiễn phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp nghiên cứu để bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người góp phần hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người, tiêu biểu như lễ hội đập trống của người Ma coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), lễ hội trỉa lúa (lấp lỗ) của người Bru-Vân kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)… Mặt khác, thường xuyên tổ chức các chương trình khảo sát, học tập các mô hình phát triển du lịch cộng đồng mang tính bền vững trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch trong tỉnh. Đến nay, các loại hình homestay”, “farmstay” trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Sở Du lịch cũng đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để công tác thẩm định các dự án đầu tư về du lịch, đánh giá hiệu quả những tác động, ảnh hưởng của dự án đến vệ sinh, môi trường, tài nguyên, quản lý đảm bảo an ninh du lịch, an toàn thực phẩm… Đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, góp phần đảm bảo môi trường du lịch văn minh, thân thiện, bền vững. Đáng chú ý trong thời gian qua, Sở đã triển khai có hiệu quả các mô hình đảm bảo môi trường xã hội cho phát triển du lịch, trong đó nổi bật là mô hình đường dây nóng hỗ trợ thông tin du khách cần, kết hợp với các lực lượng chuyên trách để hỗ trợ về an toàn an ninh, hỗ trợ đặt phòng, tư vấn điểm đến phù hợp cho du khách… Công tác biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân kinh doanh du lịch có những hoạt động hiệu quả về xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững cũng được Sở chú trọng.

Với sự chỉ đạo thường xuyên, triển khai cụ thể các nội dung, quy trình, huy động sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp nên việc thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện, bền vững của Sở Du lịch đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch ngày càng được nâng lên rõ rệt. Ý thức chấp hành các biện pháp về bảo vệ môi trường sinh thái của các doanh nghiệp du lịch được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 507 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 03 khách sạn 5 sao, 06 khách sạn 4 sao, 11 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 2 sao, 31 khách sạn 1 sao; 36 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm. Nhiều cơ sở lưu trú đã sử dụng các trang thiết bị thân thiện với môi trường như lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời, sản phẩm làm sạch và tiết kiệm nguồn nước; sử dụng chai nước thủy tinh thay thế chai nhựa, sử dụng bát đũa từ dừa, phân loại nguồn rác thải. Hầu hết các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều có biển chỉ dẫn, khu vực bãi đổ xe được bố trí phù hợp, nhà vệ sinh đáp ứng theo quy định. Riêng đối với các sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm, khám phá văn hóa cộng đồng địa phương đều sử dụng nhà vệ sinh di động, chất thải được xử lý bằng hệ thống ủ vi sinh tự nhiên và đem ra khỏi chương trình du lịch sau khi kết thúc tour.

Một trong những đơn vị hoạt động tích cực trong xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện, bền vững trên địa bàn tỉnh là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chua Me Đất (Oxalis). Đây là một trong những công ty đi đầu trong việc khai thác các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm. Công ty đã luôn chấp hành và thực hiện tốt các giải pháp về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện và phát triển bền vững bằng những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể như: sử dụng một lối mòn, khu cắm trại trong hang; khuyến khích, vận động hạn chế sử dụng các hóa chất trong sinh hoạt đối với du khách và cộng đồng dân cư; các chất thải trong lịch trình tham quan của du khách đều được mang ra khỏi rừng và xử lý đúng nơi quy định….

Việc triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững của Sở Du lịch thực sự tạo được hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng du lịch và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng môi trường thân thiện, bền vững trên từng lĩnh vực hoạt động của ngành du lịch và các địa bàn trong tỉnh đã hình thành và phát triển, như: mô hình“Thanh niên tình nguyện hỗ trợ khách du lịch”; mô hình “homestay - tìm hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa” tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bảng; mô hình “khách sạn xanh”; mô hình du lịch sinh thái,v.v… Từ đó góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu của du lịch tỉnh, khẳng định Quảng Bình là điểm đến an toàn, thân thiện, có môi trường sinh thái tự nhiên hấp dẫn, độc đáo và khác biệt, luôn thu hút và hấp dẫn du khách tham quan. Đó chính là thành công, hiệu quả từ mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - thân thiện - bền vững của Sở Du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Cái Thị Thùy Giang

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất