|
Lực lượng vũ trang huyện Mù Cang Chải giúp người dân xã Chế Cu Nha khai hoang ruộng bậc thang.
|
Cán bộ đi đầu nêu gương
Hình ảnh các đồng chí cán bộ, đảng viên thuộc các sở, ban, ngành, địa phương quần xắn cao, tay cầm cuốc nhễ nhại mồ hôi giúp dân làm đường giao thông nông thôn, dọn vệ sinh môi trường, làm căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế... đã không còn xa lạ với người dân ở Mù Cang Chải. Những việc làm đó có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến gần dân hơn.
Giờ đây, ông Mùa Chở Giá, người dân tộc Mông, ở bản Mồ Dề, xã Mồ Dề được sống trong ngôi nhà mới, thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Ông Giá kể: “Ngôi nhà cũ của tôi được làm cách đây hơn 40 năm nên xuống cấp trầm trọng. Cả nhà 8 người sinh sống trong ngôi nhà cũ nắng xiên, mưa dột khiến tôi rất lo lắng. Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên dù mong muốn tôi cũng không có điều kiện sửa lại. Một ngày, Trưởng bản Vàng A Nú đến thông báo gia đình tôi thuộc diện được hỗ trợ xây dựng lại nhà, không những vậy, gia đình tôi còn được lãnh đạo xã, huyện đến làm giúp. Thực sự, khi được thông báo như vậy, tôi nghĩ chắc gì cán bộ đã đến, bởi năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng chưa bao giờ tôi được tiếp xúc, nói chuyện với cán bộ cấp huyện. Tuy nhiên, ngày làm nhà mới, hơn 30 cán bộ huyện, xã đã xuống giúp gia đình, người thì dỡ mái, người thì bê cột... Người dân làm gì, cán bộ làm đó, tham gia rất tích cực và hăng hái, vì vậy chỉ sau hơn một tháng, ngôi nhà mới của gia đình tôi đã hoàn thành. Gia đình tôi cảm ơn cán bộ nhiều lắm”.
Những hoàn cảnh khó khăn được cán bộ, đảng viên giúp đỡ xây lại nhà như ông Mùa Chở Giá trong gần 4 năm qua ở Mù Cang Chải có rất nhiều. Như trường hợp gia đình anh Giàng A Tồng ở bản Púng Luông, xã Púng Luông. Đã bao năm qua, 5 người trong gia đình anh sinh sống trong ngôi nhà nằm ở chênh vênh vách núi. Qua mấy mùa mưa bão, khu vực xung quanh ngôi nhà bị sạt lở, vô cùng nguy hiểm. Nhưng do khó khăn, không có điều kiện chuyển đến nơi ở an toàn, gia đình anh Tồng vẫn phải ở trong ngôi nhà mà có thể bị dòng nước lũ cuốn đi bất cứ lúc nào. Biết được hoàn cảnh gia đình anh Tồng, trưởng bản Púng Luông đã báo cáo và đề nghị xã hỗ trợ gia đình anh chuyển đến nơi ở an toàn hơn. Chỉ hơn một tháng sau, ngôi nhà mới của gia đình anh Tồng đã hoàn thành nhờ sự hỗ trợ của cán bộ, đảng viên thực hiện Phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân”.
Cùng đồng chí Thào A Páo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông đến thăm ngôi nhà mới của gia đình anh Giàng A Tồng, chúng tôi mới cảm nhận được những cố gắng, nỗ lực của cán bộ khi giúp gia đình anh chuyển đến nơi an toàn. Để đến được nhà anh Tồng, chúng tôi phải lội qua suối, những thửa ruộng bậc thang và vượt qua con dốc cao, đường đất trơn trượt. Trong ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, anh Giàng A Tồng cảm động chia sẻ: “Hôm chuyển về nhà mới là một ngày không quên đối với vợ chồng tôi. Hơn 100 cán bộ xã, huyện và người dân trong bản đến giúp. Mỗi người một việc, người bê cột, người dỡ mái, vận chuyển lên địa điểm nhà mới của tôi trên đồi cao, đi lại toàn bằng đường đất dốc đứng, rất vất vả. Gian nan là vậy nhưng các cán bộ đều tập trung làm việc và động viên vợ chồng tôi để công việc được thuận lợi”.
Có thể nói, những việc làm cụ thể, hành động thiết thực, tinh thần làm việc đi đầu nêu gương của cán bộ chính là yếu tố làm nên thành công của mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”. “Trước hết cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện mô hình gắn với tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân theo phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”. Qua đó tạo sự gắn bó chặt chẽ, thân thiết, gần gũi giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, xây dựng được hình ảnh đẹp của người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân, gần dân, sâu sát với cơ sở, được nhân dân tin tưởng”, đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải chia sẻ.
Từ khi trở thành phong trào, tỉnh Yên Bái đã phân công mỗi đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành sẽ phụ trách một xã để thực hiện Chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân” và tham gia sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Như đồng chí Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch được phân công phụ trách xã Dế Xu Phình, một xã khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Qua tham gia sinh hoạt chi bộ và khảo sát thực tế, đồng chí Bình đã tham mưu cùng Ðảng ủy xã xây dựng kế hoạch, giải pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp để hỗ trợ các hộ nghèo đặc biệt khó khăn xóa nhà dột nát. Đồng chí Chang Pàng Rùa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Dế Xu Phình cho biết: “Trong quá trình tham gia phụ trách xã Dế Xu Phình, đồng chí Lê Thị Thanh Bình rất trách nhiệm với công việc. Bên cạnh những công việc đã đăng ký giúp dân, đồng chí Bình còn thường xuyên kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã”.
Tạo cú hích đột phá giảm nghèo
Để “Ngày cuối tuần cùng dân” đạt hiệu quả thiết thực, đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản đã nỗ lực rất nhiều. Trong quá trình thực hiện phong trào, họ chính là “bệ đỡ” giúp cuộc sống của người dân ngày càng đi lên.
Đồng chí Hảng A Ký, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Mù Cang Chải, người được phân công phụ trách xã Chế Tạo, chia sẻ: “Nhờ có Chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân” mà những cán bộ như chúng tôi đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân nhiều hơn. Trước đây, trong các cuộc họp, đa số cán bộ chỉ nghe báo cáo một chiều, nhưng giờ đây, mỗi tháng hai lần, vào những ngày cuối tuần, chúng tôi đến gặp người dân trực tiếp, nghe họ trình bày nguyện vọng, khó khăn, để từ đó có hướng giải quyết mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dân”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Chế Tạo là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mù Cang Chải. Hiện nay, cả xã có 6 bản thì có đến 4 bản chưa có điện lưới quốc gia, đường sá đi lại cách trở, đất canh tác rất ít nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bao quanh xã là rừng nên từ bao đời nay, việc lấn chiếm đất rừng để làm nương là khó tránh khỏi. Thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm và chính quyền xã Chế Tạo đẩy mạnh xử phạt những trường hợp phá rừng, tuy nhiên, việc này khiến cho một số người dân bức xúc, như ông Sùng Vàng Thao, Sùng A Lừ, vì họ cho rằng: “Bao đời nay đất rừng là ông cha để lại, cây mọc cao thì chặt cây. Việc chặt cây là việc của chúng tôi, không ảnh hưởng gì đến cán bộ và kiểm lâm mà phạt chúng tôi”. Thực hiện mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, mỗi buổi đến xã Chế Tạo, Trưởng Ban Dân vận Hảng A Ký cùng già làng, trưởng bản đến tận nơi giải thích cho những người như ông Thao, ông Lừ về lợi ích của việc trồng rừng và tác hại của việc phá rừng như thế nào. Rồi phải dẫn chứng cụ thể nếu phá rừng dẫn đến xói mòn, lũ lụt, lở đất rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Lúc đầu, việc thuyết phục gặp nhiều khó khăn vì người dân không hiểu và giữ nguyên quan điểm của mình. Thế rồi, bằng sự kiên trì, tận tâm, mọi cố gắng của đoàn công tác đã được người dân hiểu và nghe theo.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những khó khăn lớn nhất là thay đổi phong tục, tập quán từ bao đời nay của họ. Để có thể thuyết phục đồng bào bỏ được những tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tổ chức đám ma, ăn uống tốn kém trong nhiều ngày, hay tuyên truyền để bà con khi có bệnh thì đến bệnh viện, không mời thầy mo về làm lễ cúng... là vấn đề nan giải của rất nhiều địa phương. Tuy nhiên, từ mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, tại Mù Cang Chải đã có nhiều tập tục lạc hậu, thói quen không tốt được xóa bỏ. Đồng chí Chang Thế Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: “Trước đây, mỗi năm trên địa bàn xã có từ 20 đến 30 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong những “Ngày cuối tuần cùng dân” mà những năm gần đây xã Nậm Khắt đã không còn trường hợp tảo hôn”.
“Ngày cuối tuần cùng dân” được triển khai trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà huyện Mù Cang Chải đặt ra. Theo tổng kết 3 năm triển khai chương trình, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về học tập và làm theo Bác và tăng theo từng năm. Cùng với đó, cán bộ và nhân dân toàn huyện đã đổ bê tông được gần 35km đường giao thông nông thôn rộng và 130,9km đường giao thông đặc thù; duy trì hơn 26km đường điện thắp sáng đường quê; 77 mô hình tuyến đường tự quản; trồng hơn 15.000 cây xanh... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, xuất hiện tấm gương vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Huyện Mù Cang Chải cũng phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo.
(qdnd.vn)