Thấm
nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc
gì cũng thành công”, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ,
tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ tỉnh tới cơ sở
chú trọng triển khai, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận
khéo”, coi đây là “chìa khóa” nhân lên sức mạnh tổng hợp, góp phần từng
bước hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX
đã đề ra.
|
Người dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) xây dựng lại tường bao, cổng dậu
sau khi tự nguyện phá dỡ, hiến đất làm đường ĐT.455.
|
Huy động sức dân
Tuyến đường ĐT.455 đoạn qua địa bàn xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) có chiều dài trên 4km, do vậy khi triển khai nâng cấp, mở rộng đường diện tích đất ở và đất nông nghiệp cần huy động để thực hiện dự án là rất lớn (đất trong khu dân cư 2.270m2, đất nông nghiệp 2,2ha).
Bà Phùng Thị Là, thôn Quan Đình chia sẻ: Con đường này trước đây chỉ rộng khoảng 5m, phương tiện vận tải lớn đi lại khó khăn, nhiều đoạn xuống cấp do đường xây dựng cách đây đã khá lâu. Sau khi được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ xã tới thôn tuyên truyền, vận động, vì lợi ích chung nên các gia đình bảo nhau cùng hiến đất để mở rộng đường. Gia đình tôi đã hiến 25m2 đất ở và tháo dỡ mái tôn để làm đường. Sau khi mở rộng, nếu tính cả vỉa hè mặt đường rộng 12m, giao thương, đi lại sẽ rất thuận lợi.
Đồng chí Đặng Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chúng tôi đã thành lập 6 tổ công tác ở 6 thôn, đồng thời phân công tất cả cán bộ, công chức xã về cùng với thôn đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhiều hộ chúng tôi tới tuyên truyền hàng chục lượt.
Ngoài ra địa phương còn linh hoạt, sáng tạo khi tuyên truyền, vận động mỗi nhà hiến chung một phần diện tích đất nông nghiệp, sau đó để những hộ mất gần hết đất nông nghiệp do tuyến đường đi qua dịch chuyển lên để có tư liệu sản xuất, hộ đó cảm thấy được sẻ chia và đồng thuận. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng của địa phương triển khai nhanh, tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án đúng tiến độ.
Tại xã An Khê, cấp ủy, chính quyền nơi đây không những “khéo” tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để làm đường mà còn linh hoạt, sáng tạo khi tuyên truyền, vận động nhân dân không phải hiến đất, con em xa quê ủng hộ tiền, vật chất để hỗ trợ các gia đình xây dựng lại các công trình phải tháo dỡ với số tiền huy động được đến nay gần 1 tỷ đồng.
Ông Lê Đắc Hữu, thôn Lộng Khê 3 chia sẻ: Mặc dù không ở trên 2 tuyến đường mở rộng, nâng cấp song gia đình tôi cũng muốn chia sẻ với các gia đình ở hai bên đường khi vừa phải hiến đất vừa phải phá dỡ tường bao, cổng dậu thậm chí phá dỡ một phần nhà cửa để mở rộng đường. Vì vậy gia đình tôi đã ủng hộ 20 triệu đồng. Các tuyến đường hoàn thành giúp việc giao thương, đi lại rất thuận tiện.
Nở rộ các mô hình “Dân vận khéo”
Cùng với Quỳnh Phụ, thời gian qua, các mô hình “Dân vận khéo” về hiến đất làm đường đã lan tỏa mạnh mẽ, huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân trong hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường giao thông, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai phong trào hiến đất, giải phóng mặt bằng, huyện Quỳnh Phụ có gần 4.000 hộ dân tham gia hiến trên 337.790m2 đất ở và đất nông nghiệp để nâng cấp, mở rộng, cải tạo 19 tuyến đường giao thông ở 30 xã, thị trấn.
Tại Hưng Hà, từ đầu năm 2022 đến nay huyện đã giải phóng mặt bằng 26 dự án; nhiều hộ dân đã hiến đất, tài sản trên đất và bàn giao mặt bằng sớm cho các đơn vị thi công mà chưa nhận tiền đền bù. Đặc biệt, nhiều hộ còn vận động cùng nhau xây dựng chung một mẫu tường bao, cổng dậu, trồng cùng một loại cây và mắc điện thắp sáng tuyến đường như ở các xã Tây Đô, Dân Chủ... đã tạo động lực lan tỏa tinh thần hiến đất mở rộng đường trong nhân dân toàn huyện.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thơm, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Năm 2022, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.368 mô hình “Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành đã tập trung vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Trong đó, tập trung vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã thành lập các tổ dân vận khéo xuống trực tiếp cơ sở, nhất là ở những nơi có những vướng mắc, khó khăn để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa mới; tiến hành quy hoạch và xây dựng nghĩa trang tập trung, dịch chuyển các công trình văn hóa tâm linh, di dời các phần mộ để giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; giải quyết được nhiều việc khó, phức tạp.
Một trong những hiệu quả rõ nét của phong trào “Dân vận khéo” không thể không nhắc đến đó là sự vào cuộc, chung tay của nhân dân góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào “Dân vận khéo” tập trung vào nâng cao chất lượng thực thi công vụ, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, giảm bớt tối đa những phiền hà, phức tạp cho người dân...
(baothaibinh.com.vn)