Chủ Nhật, 24/11/2024
Dấu ấn từ phong trào thi đua ''Dân vận khéo'' ở Lâm Đồng
 
Mô hình “Dân vận khéo” đã để lại dấu ấn đậm nét trong
phong trào “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” ở địa phương
 


Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Việc triển khai Phong trào thi đua “Dân vận khéo” kết hợp với các cuộc vận động, các phong trào của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở với nhiều mô hình, biện pháp thiết thực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng đã chú trọng các giải pháp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng chăm lo, cải thiện đời sống cho nhân dân. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo hướng tập trung về cơ sở. Cùng với đó là bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng thành phần xã hội, từng vùng và địa bàn dân cư. Phối hợp với các ban, ngành, chính quyền các cấp vận động nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đảm bảo quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 3.575 mô hình, điển hình “Dân vận khéo" trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, giai đoạn 2013-2018, có 1.502 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; giai đoạn 2018-2023 đã xây dựng và nhân rộng 2.073 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 1.807 mô hình tập thể và 266 mô hình cá nhân, tăng 571 mô hình, điển hình so với giai đoạn 2013-2018. Trong đó, có 6 mô hình được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, có 214 mô hình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để lan tỏa, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên địa bàn.

Có thể nói, các mô hình “Dân vận khéo” đã để lại dấu ấn đậm nét trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” ở các địa phương trong tỉnh. Việc triển khai và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” đã giúp cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của, chung tay xây dựng nông thôn mới; khơi dậy sự đoàn kết, nhất trí của các tầng lớp nhân dân cùng thi đua lao động sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đáng chú ý, trong phong trào Xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, gương điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp tích cực được các cấp, các ngành khen thưởng. Từ năm 2013 đến nay có 819 mô hình điển hình “Dân vận khéo” trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngài ra, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần thực hiện đạt nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 96,4%), có 33 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 5 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; TP Đà Lạt, Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%; hiện 95% thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là 98%; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là 88,3% và đã có 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, những năm qua, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện sâu rộng gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

(baolamdong.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất