|
Một buổi “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói” tại UBND phường 4, TP. Vũng Tàu |
Có mặt tham dự một buổi “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói” tại UBND phường 4, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu tháng 8/2023, chúng tôi cảm nhận được rõ hơn tính hiệu quả, thực tiễn của mô hình. Rất nhiều vấn đề của địa phương đã được bà con chân tình, thẳng thắn không ngại ngần góp ý, chia sẻ với chính quyền trên tinh thần xây dựng, tích cực.
Từ những vấn đề tưởng như rất nhỏ nhặt: tình trạng bán bánh mì, bán xôi trên vỉa hè; thả rông chó, không rọ mõm, phóng uế trên đường; để rác ra vỉa hè quá sớm mà không buộc gọn gàng làm phát tán rác ra đường gây mất vệ sinh môi trường… hoặc liên quan đến kinh tế - xã hội như: việc áp mã đóng thuế kinh doanh chưa đúng…
Tuy nhiên, dù là việc lớn hay nhỏ, đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường, Công an phường đều tiếp thu, giải trình các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân. Đồng thời, còn tuyên truyền, phổ biến về các số điện thoại đường dây nóng của UBND phường được niêm yết trước trụ sở khu phố để người dân biết, cung cấp thông tin, phản ánh, kiến nghị khi cần thiết.
Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, thì sẽ hướng dẫn người dân trình bày cụ thể nội dung bằng văn bản, hoặc chính quyền sẽ tổng hợp các nội dung thành văn bản để có cơ sở chuyển tới các ngành chức năng giải quyết.
Ông Vũ Công Định sống tại khu phố 7, Phường 4, TP. Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi vì được dự hội nghị. Hội nghị rất có ý nghĩa, giúp chính quyền gần dân hơn; kịp thời tiếp nhận và giải quyết các ý kiến của người dân.”
Tương tự, ông Lâm Văn Hoạt, sống tại khu phố 3, phường 4, TP. Vũng Tàu cho biết: “Rất vui khi Phường 4 tổ chức hội nghị “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói", mong rằng 1 tháng sẽ tổ chức từ 1 - 2 lần để người dân có ý kiến phản ánh và được giải đáp, giải quyết kịp thời”
Theo đồng chí Trần Thị Bích Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 4 cho biết: Tính đến nay tại phường đã tổ chức được 6 buổi “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói” đều đặn vào ngày thứ bảy đầu tiên của mỗi tháng. Đây không chỉ là dịp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, còn là một kênh cung cấp thông tin chính thống, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.
Được biết mô hình này lần đầu tiên được tổ chức tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, vào giữa năm 2022. Xuất phát từ thực tế cải cách hành chính, trong quá trình tiếp xúc cử tri và họp cụm dân cư, còn bộc lộ nhiều nhược điểm, như: Không kịp thời, người dân chưa mặn mà nêu ý kiến, qua nhiều khâu trung gian, mức độ tin cậy thấp...
Qua đó, chính quyền thị trấn nhận thấy, cần để bà con trải lòng, trình bày trực tiếp và lãnh đạo thị trấn cũng phải được nghe trực tiếp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Do vậy, Đảng ủy, UBND thị trấn Long Hải quyết định thay đổi hình thức nắm bắt tình hình thực tế trong khu dân cư, thống nhất triển khai mô hình “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói”, luân phiên tổ chức ở các khu phố trên địa bàn.
Hiện mô hình “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói” đã được nhân rộng và tổ chức ở hầu hết các huyện, thị xã, Thành phố của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và bước đầu mang lại nhiều phản hồi tích cực của người dân.
Điển hình như huyện Châu Đức, đây cũng là một trong những địa phương triển khai rất sớm mô hình. Từ cuối năm 2022, UBND huyện Châu Đức đã có công văn yêu cầu, tất cả các xã, thị trấn đồng loạt triển khai chương trình “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói”. Chương trình này được tổ chức hàng tuần, luân phiên tại các thôn, ấp của các xã, thị trấn với sự tham gia đầy đủ của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn, ấp.
“Trước ngày diễn ra, UBND xã đã thông báo mời người dân thông qua đài phát thanh, các hội, nhóm trên Facebook và zalo của các cấp xã, tổ dân cư, thôn. Thậm chí, cán bộ thôn còn đi tới từng nhà để mời người dân đến dự và chuẩn bị sẵn ý kiến nếu có”, đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Bí thư Đảng ủy xã Suối Rao cho biết.
Chia sẻ thêm về tính hiệu quả của chương trình, đồng chí Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nhận định: người dân thường bức xúc những vấn đề thiết thực và gần nhất thuộc thẩm quyền cấp xã như: tranh chấp đất đai, lối đi dân sinh, điện nước, vệ sinh môi trường... Việc triển khai mô hình “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói” sẽ giúp giải quyết rốt ráo những vấn đề bức xúc của người dân ngay tại cơ sở.
“Tổ chức vào ngày thứ bảy là ngày nghỉ nên người dân và cán bộ cũng dễ sắp xếp công việc. Cán bộ tham dự cũng coi là nhiệm vụ đi xuống cơ sở. Thứ bảy mà cán bộ bớt chút thời gian, đi gặp dân thì vừa quý vừa giúp giải quyết được rất nhiều công việc”, đồng chí Bản chia sẻ.
Có thể thấy, cùng với nhiều mô hình dân vận khác đang triển khai tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, sửa đổi lề lối làm việc, tăng cường mối quan hệ, tạo sự gần gũi giữa các cấp, ban ngành với nhân dân trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, thì mô hình “Ngày thứ bảy - Lắng nghe dân nói” đã góp phần giúp chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết thỏa đáng những kiến nghị, yêu cầu thiết thực, cụ thể liên quan đến đời sống của nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt chức năng giám sát trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội tại cơ sở.
CTV