Thứ Bảy, 23/11/2024
Hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” ở An Giang
 
Khen thưởng cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” 


Phong trào “Dân vận khéo” của tỉnh được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực: Trong xây dựng hệ thống chính trị; vận động góp sức xây dựng NTM, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo… Phong trào được các địa phương, đơn vị triển khai theo cách thức phù hợp tình hình thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), toàn tỉnh An Giang có 12.362 mô hình của tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”, đã thực hiện 11.651 mô hình. Riêng năm 2023, có 2.418 tập thể, cá nhân đăng ký ở 2 nhóm danh hiệu ở lĩnh vực (kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh), có 290 mô hình đăng ký “Dân vận khéo trong xây dựng NTM nâng cao”.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang Võ Nguyên Nam cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác dân vận, phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”, phát huy vai trò của nhân dân phát triển KTXH, xây dựng Đảng và chính quyền. Ba năm qua, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, huy động sự tham gia, góp sức của nhân dân, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp, mang lại những kết quả tích cực trong phát triển KTXH, ổn định tư tưởng nhân dân.

Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị hướng mạnh vào cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đơn cử như ở huyện Phú Tân, với quan niệm đặt “lợi ích chung hướng đến cộng đồng và tính mạng con người là trên hết”, hơn 2 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân chung tay phòng, chống dịch COVID-19, bão lụt, thiên tai... Từ tháng 6/2019 - 12/2021, tín đồ toàn đạo thực hiện công tác xã hội - từ thiện trên 1.300 tỷ đồng, trong đó, trên 264 tỷ đồng dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Năm 2022, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong toàn đạo đã đóng góp tiền, ngày công lao động và hiện vật với tổng trị giá trên 553 tỷ đồng. Riêng tỉnh An Giang, đóng góp trên 92 tỷ đồng xây nhà Đại đoàn kết, xây cầu, làm đường, nấu cơm, cháo từ thiện, trao học bổng, mua xe chuyển viện miễn phí cho người nghèo.

Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Nhiều hoạt động xã hội - từ thiện có sức lan tỏa mạnh mẽ, như: Cất nhà, làm đường, xây cầu nông thôn; xe đưa rước bệnh nhân; sưu tầm thuốc nam, chế biến thảo dược; xây dựng Nghĩa địa nhân dân…”.

Bằng nhiều hình thức “khéo” đã tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công nhân lao động và nhân dân đồng thuận đóng góp hàng trăm ngàn ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường, tự tháo dỡ bờ tường, cổng rào để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ tiền và hiện vật quy tiền hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Điển hình như: “Hội Mái ấm Tình thương huyện Thoại Sơn” - mô hình “Ý đảng, lòng dân”, 15 năm hoạt động đã phát triển 425 hội viên, xây dựng 2.556 bộ cột nhà với kinh phí trên 21 tỷ đồng, trao cho hộ nghèo, giúp “an cư, lạc nghiệp”. Huyện Chợ Mới có 1.012 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo xây dựng NTM” được triển khai.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp (Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) chia sẻ: “Học tập và làm theo gương Bác Hồ, thời gian qua, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh, cùng với mỗi người dân vùng biên giới là “cột mốc sống” bảo vệ biên giới quốc gia. Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đã làm tốt công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững mối quan hệ đoàn kết, hòa bình, hữu nghị và nhiệm vụ quốc phòng”.

Dù kinh tế có sự phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, với tấm lòng hảo tâm, tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng tại lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 và vận động “Cây mùa xuân” Tết Giáp Thìn 2024, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã tiếp nhận hơn 186 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, An Giang tiếp tục phát huy phong trào “Dân vận khéo”, thực hiện tốt công tác dân vận trong hệ thống chính trị, vận động các nguồn lực thực hiện các công trình, phần việc, gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng những mô hình học tập và làm theo Bác, để tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

(baoangiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè