Với phương châm hướng công tác dân vận về cơ sở, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khó khăn.
|
Mô hình hỗ trợ làm hàng rào cọc bê tông và dây thép gai bảo vệ đất sản xuất, hoa màu
cho người Mã Liềng ở bản Cà Xen, xã Thanh Hóa. |
Cuối tháng 10/2023, Đảng bộ cơ quan HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa đã trao kinh phí thực hiện các công trình trong chương trình hỗ trợ thôn, bản khó khăn tại bản Cà Xen (xã Thanh Hóa) và thôn Tân Sơn (xã Hương Hóa). Đây là 2 thôn, bản khó khăn được đảng bộ cơ quan này nhận “giúp đỡ”.
Theo đó, bản Cà Xen được hỗ trợ 15 triệu đồng để giúp các hộ gia đình người Mã Liềng nơi đây xây dựng hàng rào bảo vệ đất sản xuất, hoa màu. Thôn Tân Sơn được hỗ trợ 12 triệu đồng làm hệ thống đèn điện chiếu sáng tại nhà văn hóa thôn. Nguồn kinh phí thực hiện các công trình nói trên được trích từ quỹ tiết kiệm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc Đảng bộ cơ quan HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa.
Điều đáng ghi nhận, việc làm ý nghĩa nói trên đã được cán bộ, đảng viên đơn vị này duy trì thực hiện suốt hơn 10 năm qua. Theo đó, hàng tháng, mỗi đảng viên, cán bộ sẽ tiết kiệm 20.000 đồng để gây quỹ tiết kiệm giúp đỡ các thôn, bản khó khăn trên địa bàn huyện. Từ đó, nhiều công trình, việc làm ý nghĩa nhằm giúp đỡ các thôn, bản khó khăn đã được thực hiện.
Chỉ tính riêng từ năm 2021-2023, Đảng bộ cơ quan HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ kinh phí mua sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh, hoàn thiện nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng các đường điện “Thắp sáng đường quê” tại 2 thôn, bản Cà Xen và Tân Sơn với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng.
Phó Chủ tịch HĐND huyện kiêm Bí thư Đảng bộ cơ quan HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa Nguyễn Minh Lự cho biết: “Những công trình, việc làm đó, tuy có trị giá không lớn, nhưng là tấm lòng, tình cảm của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với nhân dân; đồng thời cổ vũ, khích lệ bà con nơi đây vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là dịp khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với nhân dân ở vùng khó khăn. Hàng năm, theo nhu cầu của các thôn, bản, đơn vị sẽ lựa chọn một công trình và trích kinh phí để hỗ trợ thực hiện. Các công trình được hỗ trợ phải thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng trên địa bàn”.
Tương tự, năm 2023 là năm thứ 5 Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tuyên Hóa thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” cho các em học sinh tại 3 điểm trường ở các bản: Kè, Cáo, Chuối của xã miền núi Lâm Hóa (Tuyên Hóa). Từ năm 2021-2023, đơn vị đã kết nối, phối hợp và thực hiện chương trình với trị giá hơn 53 triệu đồng, như: Hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh; nhận nuôi tại nhà 4 học sinh ĐBDTTS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ở xã Lâm Hóa.
Thượng tá Hà Văn Đông, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tuyên Hóa cho biết: “Lâm Hóa là xã miền núi khó khăn và cũng là địa phương có đông ĐBDTTS nhất của huyện Tuyên Hóa, với 3 bản người Mã Liềng. Đời sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn. Vì vậy, để chia sẻ khó khăn với đồng bào, chúng tôi vận động cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm, đóng góp kinh phí nhằm giúp các cháu đến trường học tập. Không những thế, từ năm 2019, Ban CHQS huyện đã đứng ra nhận trách nhiệm giúp đỡ xã Lâm Hóa. 3 năm qua, Ban CHQS huyện đã xây dựng 2 tuyến đường điện “Thắp sáng đường quê” với trị giá gần 60 triệu đồng, hỗ trợ 30 triệu đồng trang bị các thiết bị nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn bản Cáo”.
Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Tuyên Hóa đã xây dựng và duy trì 426 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 373 mô hình tập thể, 53 mô hình cá nhân. Cụ thể: Có 121 mô hình trên lĩnh vực kinh tế, 207 mô hình trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, 62 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh và 36 mô hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.
|
Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Nguyễn Văn Phúc cho biết, những công trình, mô hình được các cơ quan, đơn vị thực hiện trên địa bàn trong những năm qua đã thực sự thay đổi diện mạo bản làng nơi vùng sâu, vùng xa khó khăn. Nhiều công trình đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, trở thành động lực thúc đẩy người dân nơi đây vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tuyên Hóa Đoàn Mạnh Toàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo”. Các phong trào, cuộc vận động ngày càng đi vào thực chất, hướng đến địa bàn, đối tượng cụ thể và ngày càng lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS, tôn giáo. Tiêu biểu trong số đó là việc duy trì hiệu quả mô hình “Các cơ quan, đơn vị cấp huyện giúp đỡ các thôn, bản khó khăn”. Nhiều năm qua, mô hình đã trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp của các đơn vị.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cùng với việc tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, huyện Tuyên Hóa tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, về các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào ĐBDTTS, vùng giáo, bằng nhiều việc làm cụ thể; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(baoquangbinh.vn)