Thứ Bảy, 23/11/2024
Chư Păh lan tỏa phong trào “Dân vận khéo”
 
Ông Trần Văn Phúc (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) bên vườn rau cải bắp rộng 1 ha của mình. 

Hiệu quả từ mô hình rau an toàn

Đầu năm 2022, ông Trần Văn Phúc (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp để trồng rau an toàn. Ông Phúc cho hay: Rau cải bắp trồng theo hướng hữu cơ, an toàn nên được người dân và thương lái tìm đến tận vườn mua.

Với giá bán dao động trong khoảng 4-6 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 100 triệu đồng/ha. Mỗi năm, gia đình có thể trồng được 4 lứa rau. So với trồng cà phê trên cùng diện tích thì trồng rau có lãi nhiều hơn.

Từ thành công của mô hình trồng rau an toàn của gia đình ông Phúc, hiện nay, nhiều hộ dân ở thôn 3 và các thôn 1, 2 (xã Nghĩa Hòa) cũng đã học hỏi, nhân rộng diện tích rau an toàn.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Thiện thông tin: Thời gian qua, UBND xã đã chỉ đạo và khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mà thay vào đó là dùng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học, từng bước thay đổi tập quán sản xuất rau theo hướng trồng rau an toàn, theo quy mô tập trung, để liên kết tìm đầu ra ổn định nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lan tỏa phong trào “Dân vận khéo”

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đến nay, các đơn vị, địa phương trong toàn huyện đã đăng ký, triển khai có hiệu quả 194 mô hình trên tất cả các lĩnh vực.

Điển hình như Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông được người dân 6 thôn, làng hưởng ứng, làm rượu ghè, đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng. Hiện nay, mô hình phát huy hiệu quả, được nhiều du khách tìm đến trải nghiệm. Nhờ đó, người dân nâng cao thu nhập, cơ bản sống được với nghề.

Hay như mô hình “Sản xuất cà phê sạch xã Nghĩa Hưng” được thành lập ngày 12-12-2019 với 30 hộ đăng ký sản xuất 300 ha cà phê sạch. Khi tham gia mô hình, bà con nông dân ký cam kết thực hiện Dự án “Nâng cao tính bền vững của sản xuất cà phê cho nông dân tại tỉnh Gia Lai” với Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex tại Gia Lai.

Nhận thấy mô hình đạt hiệu quả cao, đến nay, 195 hộ dân trong xã tự nguyện ký cam kết canh tác hơn 600 ha cà phê sạch với Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex. Qua thời gian hợp tác làm ăn, các hộ dân đều đánh giá cao mô hình và đồng thuận cam kết gắn bó lâu dài.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình khác cũng phát huy hiệu quả như: trồng khoai lang ở xã Chư Đang Ya; chăn nuôi bò ở xã Đak Tơ Ve; đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách vần công, đổi công ở xã Ia Phí; cải tạo và xóa vườn tạp trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nghĩa Hưng...

Để thúc đẩy phong trào thi đua “Dân vận khéo” đi vào chiều sâu, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa việc thực hiện công tác dân vận gắn với thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” vào chương trình kiểm tra, giám sát.

Qua đó, huyện kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể điển hình, góp phần lan tỏa, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, nhằm vận động người dân cùng tham gia.

Trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Quang Trường cho biết: Năm 2023, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã phát động và tổ chức thực hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người dân.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của người dân; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đánh giá, rà soát các mô hình hiệu quả để hỗ trợ, nhân rộng.

(baogialai.com.vn) 

Gửi cho bạn bè