Thứ Năm, 26/12/2024
Quảng Ninh: "Dân vận khéo" củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân
 
Nhân dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) vệ sinh tuyến đường mẫu trong ngày Chủ nhật xanh. 

 

Để nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, những năm qua, Hội Nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên đổi mới cơ cấu cây trồng, liên kết phát triển vụ đông, nhằm tăng hệ số vòng quay của đất lên 2,5 đến 2,8 lần/năm. Nhờ đó, vụ đông năm 2023, toàn xã có 300 hộ tham gia trồng khoai tây Atlantic, tổng diện tích 135ha, chiếm 67,5% diện tích trồng cây vụ đông, tăng 13 lần so với năm 2013.

Với giá bán 6.500 đồng/kg khoai, sau khi trừ chi phí, mỗi sào khoai tây cho lợi nhuận từ 2,5-3 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Nhờ vậy, thu nhập của nhiều hộ dân xã Bình Dương đã đạt từ 300-500 triệu đồng/năm nhờ trồng luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ khoai tây. Cùng với đó, Hội Nông dân xã còn tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân hiến đất, góp công, góp của xây dựng các tuyến đường mẫu, đảm bảo tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Dương trở thành phường trước năm 2025.

Tại phường Hà An (TX Quảng Yên), được sự quan tâm của tỉnh và thị xã, năm 2022, hệ thống kênh môi trường trên địa bàn phường đã được cải tạo, nâng cấp với tổng chiều dài 2,7km. Sau khi công trình hoàn thành, phường Hà An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, không thải bỏ rác xuống kênh, duy trì hoạt động ngày chủ nhật xanh để vớt bèo, khơi thông dòng chảy...

Mặt khác, phường còn vận động xã hội hóa được gần 500 triệu đồng để lắp đặt hệ thống chiếu sáng đèn năng lượng mặt trời dọc tuyến kênh môi trường và camera giám sát an ninh tại các ngã tư, giúp người dân đi lại thuận lợi và bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong 1.936 mô hình “Dân vận khéo” được triển khai xây dựng trong năm 2023, có 470 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 958 mô hình văn hóa xã hội, 341 mô hình quốc phòng - an ninh và 167 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Trong số 1.073 mô hình đã được công nhận, có 722 mô hình cấp cơ sở, 315 mô hình cấp huyện và 36 mô hình cấp tỉnh.

Các mô hình được triển khai xây dựng đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo môi trường sống lành mạnh, an toàn trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các mô hình dân vận khéo còn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, hội quần chúng, vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Bà Lê Thị Kim Cúc, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Năm 2024, Ban sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, nhất là các tiêu chí của mô hình; đồng thời, chỉ đạo lựa chọn, đăng ký xây dựng các mô hình đảm bảo rộng khắp trên cả 4 lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo cân đối giữa các mô hình tập thể và cá nhân để phong trào “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

(baoquangninh.vn) 

Gửi cho bạn bè