Công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả với hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã thực sự lan tỏa vào đời sống, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh.
|
Cán bộ Trạm Cảnh sát giao thông Ngã Ba Thái Lan tiếp nhận và
giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân |
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hơn 15 ngàn mô hình với hơn 6 ngàn tập thể và hơn 8 ngàn cá nhân đăng ký thực hiện "Dân vận khéo". Các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" đều có đóng góp tích cực việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Huy động sức mạnh toàn dân
Ở lĩnh vực kinh tế, các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu chính đáng; hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Cụ thể như tại xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) có diện tích tự nhiên rất lớn, chủ yếu là đất nông nghiệp, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi những cây trồng có giá bán sản phẩm thấp sang mô hình Trồng chuối cấy mô tập trung. Từ năm 2018, cây chuối ở xã Sông Thao đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân trên địa bàn cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương một cách hiệu quả.
Lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội có nhiều mô hình dân vận khéo nhất, với hơn 8 ngàn mô hình; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có hơn 2,8 ngàn mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có gần 4,3 ngàn mô hình. |
Hay như ở huyện Nhơn Trạch có mô hình Nuôi tôm công nghệ cao. Với lợi thế nước có độ mặn phù hợp, quỹ đất lớn, nhiều hộ dân đã đầu tư công nghệ cao để nuôi tôm, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhơn Trạch hiện có hơn 170 hécta nuôi tôm công nghệ cao, cho bình quân từ 1,5 tỷ đồng/hécta/năm. Việc nuôi tôm hiện nay ở Nhơn Trạch đã được người dân liên kết với nhau để cùng nuôi tôm tập trung diện tích lớn.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác "Dân vận khéo" đã huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, xây dựng nhà tình thương, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới…
Điển hình như ở thành phố Long Khánh, các đoàn thể đã phát động mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đóng góp 2 ngàn đồng/tháng “góp gió thành bão” được số tiền hơn 9,4 tỷ đồng, làm mới, sửa chữa, bê tông hóa được 27 tuyến đường giao thông nông thôn; đồng thời, vận động Nhân dân hiến 5 ngàn mét vuông đất để mở đường. Mô hình này đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen là một trong những điển hình "Dân vận khéo" của cả nước.
Tạo đồng thuận trong dân
Về cá nhân, có không ít người dân đã hiến cả ngàn mét vuông đất, hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình cho cộng đồng cùng hưởng. Như ông Nông Văn Tin (ngụ huyện Cẩm Mỹ) hiến 500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; ông Chềnh Cún Pẩu (ngụ huyện Định Quán) hiến 1 ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa ấp…
Từ sự đóng góp của toàn dân đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 105/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 27 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 30 khu dân cư kiểu mẫu; Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, một số mô hình "Dân vận khéo" hoạt động rất hiệu quả như: Đội Nữ dân phòng vùng đồng bào tôn giáo của Hội Phụ nữ xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) và xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc); mô hình Tổ liên gia tự quản, cụm dân cư tự quản ở xã Phú Lý và thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu)...
Đối với lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tỉnh đã chọn công tác dân vận chính quyền làm nhiệm vụ đột phá, trọng tâm gắn với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. Trong 5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức gần 1,2 ngàn hội nghị đối thoại, riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có 5 hội nghị đối thoại trực tiếp với hơn 860 lượt đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm, giải quyết những vấn đề người dân bức xúc.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng cho rằng, công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực sự đi vào đời sống xã hội, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tham gia. Qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, huy động lực lượng, nguồn lực để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra.
(baodongnai.com.vn)