Thứ Năm, 19/9/2024
Hiệu quả phong trào thi đua ''Dân vận khéo'' ở huyện Ý Yên
 
Sản xuất sản phẩm sơn mài nứa chắp xuất khẩu ở làng nghề xã Yên Tiến. 

 

Đồng chí Trương Thị Tuyết, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ý Yên cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Huyện ủy Ý Yên đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; hàng năm ban hành các văn bản về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và kế hoạch phát động phong trào thi đua. Ban Dân vận Huyện ủy, khối Dân vận các xã, thị trấn trong huyện phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, tạo điều kiện về nguồn lực để triển khai xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Huyện Ý Yên chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”; triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước; xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo tổ chức đăng ký, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện. Từ năm 2022 đến nay, huyện Ý Yên đã xây dựng được gần 300 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: xây dựng hệ thống chính trị; văn hóa - xã hội; kinh tế; an ninh, quốc phòng. Các mô hình “Dân vận khéo” tập trung vào việc khéo vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng các dự án; xây dựng, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, hội quần chúng trong sạch, vững mạnh; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; đấu tranh ngăn ngừa, phòng chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư... Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã để lại dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở các địa phương trong huyện.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân trong sản xuất, kinh doanh, huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Các phong trào thi đua: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật”; “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ”; “Giúp nhau phát triển kinh tế”; “Giúp nhau giảm nghèo bền vững”… được vận động, đẩy mạnh thực hiện ở khắp các cơ sở đã thu được nhiều kết quả. Các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, lao động giỏi, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững… được đẩy mạnh thực hiện ở các địa phương, thu được nhiều kết quả quan trọng.

Tiêu biểu như: Mô hình nuôi trạch sụn của hộ anh Tô Văn Mạnh, xã Yên Phương cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; hộ ông Hoàng Văn Hùng, xã Yên Khang với mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; hộ ông Vũ Đình Tuấn, xã Yên Phúc với mô hình nuôi cá lồng trên sông Đào hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ việc làm ổn định cho 4 lao động; hộ ông Lê Tiến Cần, xã Yên Thọ với mô hình trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và kinh doanh thức ăn chăn nuôi hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Mô hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ các làng nghề truyền thống cũng được vận động đưa về các địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân. Điển hình như nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh đã được đưa về thị trấn Lâm, Yên Hồng, Yên Dương, Yên Bình…; sơn mài nứa chắp Cát Đằng, xã Yên Tiến được đưa về thị trấn Lâm, Yên Thắng, Yên Khang, Yên Bình, Yên Hồng, Yên Bằng…; nghề thêu ren đã phát triển ở nhiều địa phương như Yên Trung, Yên Bằng, Yên Lương, thị trấn Lâm, Yên Phú, Yên Thọ…; may mặc những năm trước mới phát triển ở Yên Trị, Yên Đồng, Yên Hồng, nay đã phát triển ra khá nhiều xã trong huyện như Yên Trung, Yên Nghĩa, Yên Thọ, Yên Bình, Yên Phú, Yên Phương, Yên Tân, Yên Bằng, Yên Quang… Các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi được nhân ra khắp các xã, thị trấn đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, hàng năm tạo việc làm mới cho 3.000 đến 3.500 lao động của huyện góp phần tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo, tăng thu ngân sách trên địa bàn.

Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã phát huy hiệu quả rõ nét. Tiêu biểu như mô hình trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường giao thông thôn xóm của Hội Phụ nữ xã Yên Hưng; mô hình “Tôn tạo, tu sửa nhà lưu niệm đồng chí Tống Văn Trân” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện; mô hình vận động nhân dân đóng góp kè ao cá Bác Hồ, mở rộng đường giao thông, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Chi bộ Ninh Xá Thượng, xã Yên Ninh; mô hình vận động nhân dân, các doanh nghiệp ủng hộ xã hội hóa làm các công trình đường giao thông của các thôn La Ngạn 1, La Ngạn 2 của Ủy ban MTTQ xã Yên Đồng; mô hình xây dựng nhà văn hóa mới và nâng cấp, chỉnh trang các hạng mục khu trung tâm văn hóa trước Quần thể khu di tích lịch sử đình chùa Đô Quan của Chi bộ thôn Đô Quan, xã Yên Khang... Ngoài ra, thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động để tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhân dân tự nguyện góp hàng nghìn mét vuông đất, hàng trăm nghìn ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, làm kênh mương. 

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Ý Yên đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, phát huy nội lực, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay tốc độ phát triển giá trị sản xuất của các ngành kinh tế hàng năm của huyện đạt trên 10%. Cơ cấu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm 83,79%; cơ cấu ngành nông nghiệp giảm còn 16,21%; đến nay toàn huyện có 29/31 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 203/272 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng - an ninh được giữ vững./.

(baonamdinh.vn) 

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất