Thứ Năm, 26/12/2024
Phát huy vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
 
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn 


Theo Sở Nội vụ - cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát động các phong trào thi đua chuyên đề theo chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Chính vì thế, đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI đề ra.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác đoàn kết, tập hợp Nhân dân tham gia vào các mô hình tự quản cộng đồng ở khu dân cư. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” về từ thiện, nhân đạo và các hoạt động an sinh xã hội huy động ngày càng nhiều các nguồn lực để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội, những nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo được niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Sự đồng thuận cao trong xã hội khơi dậy tinh thần “Tương thân, tương ái”, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cho công tác xã hội. Điển hình là các mô hình: “Tổ thanh niên hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng”, “Phát huy vai trò của tôn giáo trong vận động các nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội”, “Mua bảo hiểm y tế”, Câu lạc bộ “Vòng tay yêu thương”, “Đồng hành vượt khó”, “Cafe treo”, “Phiên chợ nghĩa tình”... tạo thêm điều kiện cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm vươn lên ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, lực lượng vũ trang trong tỉnh duy trì, phối hợp tổ chức hoạt động mô hình “Tết Quân - Dân” năm 2024 bảo đảm ý nghĩa, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các xã, phường trong tỉnh. Dấu ấn rõ nét của hoạt động mô hình “Tết Quân - Dân” trong thời gian qua là lực lượng vũ trang tỉnh cùng với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của địa phương vận động các nguồn ủng hộ, tạo kinh phí thực hiện nhiều công trình, phần việc theo phương thức cùng ăn; cùng ở; cùng xây cầu, làm đường, sửa nhà, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo... với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng tại mỗi địa phương. Có thể nói, mô hình “Tết Quân - Dân” đã trở thành thông điệp kêu gọi sự sẻ chia ấm áp từ cộng đồng tới người nghèo, đồng thời là niềm khích lệ để địa phương tiến bước nhanh trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “Tết Quân - Dân” đã thể hiện sự sẻ chia của cộng đồng nói chung và lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng đối với chính quyền và Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Việc tổ chức cho bộ đội về lại chiến trường xưa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa... cùng ăn, cùng ở, cùng làm và vui Tết với Nhân dân là nhằm cụ thể hóa việc chăm lo cho người nghèo, khó khăn trên địa bàn. Hơn nữa đây là cách làm thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng Tháp chung sức xây dựng nông thôn mới; chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” một cách thiết thực và hiệu quả. Thông qua nhiều mô hình “Dân vận khéo”, khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội, các mô hình tự quản cộng đồng ở khu dân cư, từng bước xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các chi đoàn, chi tổ hội khóm, ấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục được duy trì và củng cố, trọng tâm là vận động Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính quyền các cấp quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, bồi dưỡng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả. Vì thế làm chuyển biến lề lối làm việc của các cấp chính quyền, góp phần tạo dựng hình ảnh “Chính quyền thân thiện”, “Chính quyền phục vụ Nhân dân”... đóng góp tích cực vào việc duy trì và củng cố các Chỉ số PAPI, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) của tỉnh năm 2023, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Đất Sen hồng.

(baodongthap.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi