Thứ Bảy, 23/11/2024
Thanh Hóa: Xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở tòa án hai cấp
 
Công tác dân vận đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử án hình sự tại
Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, cho biết: "Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân vận, nhằm phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành. Cụ thể, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị căn cứ tình hình thực tế triển khai thực hiện phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực công tác, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trong giải quyết các loại vụ, việc; công tác cải cách tư pháp; tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác hòa giải, đối thoại... Trong triển khai thực hiện công tác này, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời sơ kết, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu".

Thông qua nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, nhận thức của cán bộ, thẩm phán, thư ký tòa án hai cấp trong tỉnh về vai trò của công tác dân vận ngày càng được nâng cao. Các mặt công tác dân vận được vận dụng sáng tạo ở nhiều đơn vị và nhiều lĩnh vực hoạt động... Từ đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có tính bền vững, tạo sức lan tỏa sâu rộng đã được ra đời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành, như các mô hình: “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, “Hòa giải thành án dân sự, hôn nhân gia đình”, “Đối thoại thành các vụ khiếu kiện hành chính”... Trên thực tế, nhiều phiên hòa giải, đối thoại và phiên tòa của tòa án là một mô hình dân vận khéo. Ví như trong các hòa giải, đối thoại, Tòa án Nhân dân tỉnh đã bố trí đội ngũ hòa giải viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp gặp gỡ, đối thoại giải quyết thành công nhiều vụ, việc khiếu kiện dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình. Chỉ tính riêng năm 2023, tòa án hai cấp tỉnh đã hòa giải thành 1.782 vụ theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, hòa giải thành 6.030 vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng... Thông qua công tác hòa giải đã góp phần giải quyết nhanh chóng các vụ án, vụ việc, củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng và tiết kiệm chi phí giải quyết khi không phải mở phiên tòa xét xử.

Nằm trong nỗ lực nâng cao chất lượng công tác thụ lý, giải quyết án và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hóa đã công khai minh bạch các hoạt động, niêm yết các thủ tục tố tụng tại tòa án, bố trí cán bộ tiếp, hướng dẫn công dân. Đồng thời tập trung đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phân công án ngẫu nhiên; cấp sao lục bản án, quyết định của tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết... Đáng chú ý, từ năm 2020, Tòa án Nhân dân tỉnh đã yêu cầu tòa án Nhân dân cấp huyện thành lập tổ hành chính - tư pháp thực hiện việc phân án ngẫu nhiên cho thẩm phán, đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình thụ lý, giải quyết án. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm với sự tham gia trực tiếp của Chánh án tòa án hai cấp. Từ năm 2021 đến năm 2023, tòa án hai cấp đã tiếp và giải đáp thủ tục liên quan về tố tụng cho 4.315 lượt người; giải quyết 100% đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Từ việc quan tâm xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần giúp tòa án hai cấp tỉnh Thanh Hóa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà công tác xét xử án là một điển hình. Cụ thể, từ năm 2021 đến tháng 3/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh đã giải quyết, xét xử 3.137 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 82%. Các vụ việc được giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định, không đình chỉ các vụ, việc nếu không đủ căn cứ. Chất lượng tranh tụng tại tòa ngày càng được nâng cao theo hướng thực chất, dân chủ, công khai, đúng quy định. Công tác giải quyết, xét xử án hình sự đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm. Số bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với tỷ lệ quy định...

Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, thời gian tới tòa án hai cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị, Quyết định số 763-QĐ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý” gắn với chủ đề xuyên suốt của ngành là “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và phong trào “Dân vận khéo”. Đặc biệt là “dân vận khéo” trong công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và nhân rộng điển hình, nhân tố mới tiêu biểu. Trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận...

(baothanhhoa.vn) 

Gửi cho bạn bè