Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghệ An: Lan tỏa mô hình “Dân vận khéo” vùng đặc thù góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị và đảm bảo quốc phòng, an ninh
 
Công trình Dân vận khéo "Hệ thống nước tự chảy" tại huyện Tân Kỳ 


Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Đề án số 02-ĐA/TU ngày 10/10/2016 và Đề án số 16-ĐA/TU ngày 12/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó trực tiếp hỗ trợ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào theo tôn giáo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nội dung trọng tâm.

Để trực tiếp hỗ trợ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào theo tôn giáo và vùng đồng bào DTTS, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An tham mưu cho Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh hướng dẫn Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp huyện lựa chọn địa bàn, nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở. Sau khi đã thống nhất lựa chọn nội dung, địa chỉ cụ thể, Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện ban hành kế hoạch xây dựng mô hình trong đó nêu rõ từng nội dung, phần việc cụ thể của từng giai đoạn, huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị và xã hội hóa để xây dựng mô hình; hàng quý và cuối năm đánh giá, kiểm thảo lại các nội dung công việc đề ra, từ đó xác định phương hướng, mục tiêu cho thời gian tiếp theo.

Từ năm 2020 đến nay, Ban chỉ đạo cấp tỉnh phối hợp hướng dẫn rà soát, lựa chọn và trực tiếp hỗ trợ xây dựng 35 mô hình “Dân vận khéo” vùng đồng bào theo tôn giáo và vùng đồng bào DTTS, trong đó có 19 mô hình tại vùng giáo, 15 mô hình vùng đồng bào DTTS. Nội dung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” đa dạng, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn tại cơ sở, chẳng hạn như: xây dựng đường cây xanh, đường cờ, điện sáng, thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn, phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa tại khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự vùng giáo, vùng đồng bào DTTS...

Về nguồn lực thực hiện mô hình, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An đã phối hợp, hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện và cơ sở huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nguồn lực để tập trung cho mô hình. Ban Dân vận Tỉnh ủy vận dụng hỗ trợ gần 500 triệu đồng xây dựng 35 mô hình tại vùng giáo và vùng DTTS, cấp huyện, cơ sở đã huy động từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của Nhân dân để cùng xây dựng mô hình. Mặc dù số tiền hỗ trợ từ Ban Dân vận Tỉnh ủy không lớn, mỗi mô hình chỉ hỗ trợ từ 10-18 triệu đồng nhưng đã tạo “cú hích” cho cơ sở xây dựng và nhân rộng, lan tỏa mô hình tại vùng giáo và vùng DTTS. Chẳng hạn như mô hình “Giáo xứ văn minh - xanh, sạch, đẹp” tại giáo xứ Bén Đén, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, từ nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện và xã cùng với Hội đồng mục vụ giáo xứ đã vào cuộc tích cực, huy động được 106 triệu đồng xây dựng đường cây, điện sáng xanh sạch đẹp dài 2km vào nhà thờ giáo xứ và chỉnh trang nhà văn hóa xóm trong năm 2020, bước sang năm 2021 lan tỏa thêm được đường cây, điện sáng tại giáo họ với giá trị 127 triệu đồng. Mô hình “Xứ đạo an lành - văn minh” tại giáo xứ Vạn Thủy, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng được đường cờ, điện sáng với tổng giá trị trên 50 triệu đồng trong năm 2020, bước sang năm 2021 xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo là tín đồ Công giáo, hỗ trợ các hộ Công giáo có hoàn cảnh khó khăn lên tới 150 triệu đồng.

Mô hình “Xóm đạo đoàn kết chung tay xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp” tại xóm Trang Đen (giáo xứ Trang Đen), xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn mới xây dựng trong năm 2021 đã huy động nguồn lực được 288 triệu đồng để xây dựng đường điện, đường giao thông, xây cột cờ cho các hộ gia đình… Mô hình “Xây dựng đường cờ, điện sáng đại đoàn kết” tại thôn 3B - thôn giáo toàn tòng, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai có tổng giá trị hơn 120 triệu đồng (đến nay, toàn tỉnh đã có 100% cơ sở chùa, niệm phật đường và hơn 95% tín đồ Phật giáo treo cờ Tổ quốc; 89 lượt xứ, họ đạo và 4.500 nhà riêng tín đồ Công giáo treo cờ Tổ quốc; duy trì 158 tuyến đường cờ Tổ quốc đi qua các giáo xứ, giáo họ và 09 mô hình “đường cờ Tổ quốc”), đã tạo được sự lan tỏa, đồng tình, thống nhất cao trong các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đồng hành cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc..

Mô hình “Đường cây dân vận” tại giáo xứ Diệu Phúc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành có sự tham gia tích cực của linh mục quản xứ từ những ngày đầu ra mắt mô hình cho đến quá trình chăm sóc hàng cây; mô hình đường hoa tại giáo xứ Quy Hậu, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ có giá trị 1,3 tỷ đồng…; mô hình “bảo vệ nguồn lợi cá mát” tại bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đến nay đã nhân rộng trên địa bàn toàn huyện và lan tỏa đến các huyện miền núi trong tỉnh; mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu gắn với xóa đói, giảm nghèo tại bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong; mô hình “Vận động Nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng đường điện an ninh, phấn đấu xây dựng bản đạt chuẩn nông thôn mới” tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu...

 

Mô hình “Đường cây dân vận” tại giáo xứ Diệu Phúc, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành


Trong năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục hỗ trợ 12 mô hình, trong đó có 06 mô hình “Dân vận khéo” vùng DTTS và 06 mô hình tại vùng giáo, vùng bãi ngang khó khăn trong đó có nhiều nội dung khó thực hiện như giải phóng mặt bằng để xây dựng đường giao thông xanh, sạch, đẹp tại giáo xứ Vạn Phần, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Khối Dân vận xã đã phối hợp với linh mục quản xứ vận động bà con tín đồ tự tháo dỡ các kiot kiên cố, trả lại mặt bằng thông thoáng để mở rộng đường giao thông.
Mô hình “Đường cờ Đại đoàn kết” tại khối 7, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò đã vận động đồng bào Công giáo treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ giáo hội tại khu dân cư.

Quá trình xây dựng mô hình, hệ thống dân vận các cấp không chỉ chú trọng đến nội dung vật chất mà còn quan tâm triển khai thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư vùng giáo và vùng DTTS. Ban Chủ nhiệm điều hành mô hình được thành lập để vận động Nhân dân tham gia xây dựng, giám sát, bảo quản thành quả của mô hình; tổ chức cho các tổ dân cư ký cam kết thực hiện tiêu chí của mô hình, đánh giá các hộ thực hiện tốt, hộ chưa nghiêm túc thực hiện từ đó có giải pháp cải thiện, nâng cao ý thức của người dân.

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo và vùng DTTS không chỉ mang lại hình ảnh mới khang trang, đẹp đẽ hơn mà còn tạo sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với chức sắc, chức việc tôn giáo, giữa đồng bào theo và không theo tôn giáo, với già làng, người có uy tín trên địa bàn, khích lệ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng giáo và vùng DTTS, sự tham gia tích cực của hội viên là tín đồ trong các tổ chức chính trị - xã hội tại vùng giáo. Nhìn chung, các mô hình có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, công tác lựa chọn, tổ chức triển khai bài bản, có kế hoạch cụ thể, tạo được sức lan tỏa và đồng thuận cao trong Nhân dân, đạt chất lượng, tính lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Xây dựng mô hình “Dân vận khéo” vùng giáo và vùng DTTS là nội dung không mới, nhưng hệ thống dân vận các cấp đang có cách làm mới. Từ những mô hình nhỏ như hỗ trợ thiết chế nhà văn hóa đã lan tỏa, nhân rộng thành mô hình lớn có giá trị hàng trăm triệu đồng; từ một nội dung nhân lên thành nhiều nội dung trong một mô hình; từ một địa bàn nhỏ lan tỏa ra nhiều địa bàn khác, ngày một quy mô hơn; từ một vài ngành tham gia nhân lên thành cả hệ thống chính trị tại cơ sở và chức sắc, chức việc, già làng, trưởng bản, người có uy tín vào cuộc cùng chung tay xây dựng mô hình… Mặc dù mới chỉ là một vài kết quả bước đầu nhưng mô hình cho thấy sự nỗ lực, cố gắng và cả sự khéo léo của cán bộ dân vận cơ sở.

Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình vùng giáo, vùng DTTS một cách bài bản hơn, hướng đi sâu vào hoạt động của hệ thống chính trị vùng giáo, vùng DTTS và mong muốn sự chung tay, đồng hành tích cực của chức sắc, chức việc trong tôn giáo, của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS, sự phối hợp, cộng tác của các ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố, thị xã và cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện./.

Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất