Thứ Sáu, 15/11/2024
Dân vận khéo ở vùng cao Yên Bái
 

Cán bộ huyện Trạm Tấu hướng dẫn người dân bản Khấu Ly, xã Bản Mù
cách che chắn chuồng và chăm sóc đàn bò khi trời rét. 

Xã Bản Mù trước đây là điểm nóng về cây thuốc phiện của huyện Trạm Tấu, tỷ lệ đói nghèo cao, các hủ tục đeo bám trong từng mái nhà lợp gỗ pơ-mu bạc phếch. Tình hình nay đã đổi khác. Huyện ủy Trạm Tấu đưa cán bộ về cơ sở bám bản, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng tỷ lệ học sinh tới lớp lên 99,2%. Nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện chuyển sang trồng lúa nương, lúa nước. Hai trạm biến áp Khấu Ly, Mông Đơ giúp hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông được sử dụng điện lưới. Chủ tịch UBND xã Bản Mù Sùng A Lù đưa chúng tôi vượt dốc đi bản bằng xe máy. Trong suốt hành trình, chúng tôi chứng kiến nhiều kiến nghị phát sinh được giải quyết tại chỗ. Ở đây, cấp ủy cơ sở thông qua các trưởng bản, già làng, người có uy tín để nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ ba, giảm nạn tảo hôn, hạn chế tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Việc xây dựng hương ước, quy ước được người dân đồng thuận cho nên Bản Mù không còn thách cưới cao (thách cưới không quá 10 triệu đồng); người chết không để quá 48 tiếng, chấm dứt tình trạng để ma trong nhà cả tuần, uống rượu ngay cạnh người chết.

Đồng chí A Lù chia sẻ: Vụ mùa 2017-2018, các tổ công tác kiểm tra gắt gao, chỉ phát hiện ba mảnh nương với diện tích 210 m2 trồng cây thuốc phiện, đã nhổ bỏ hoàn toàn. Nơi vốn là điểm nóng về cây thuốc phiện giờ còn 23 người nghiện hút, được công an xã quản lý, lên kế hoạch đưa vào Trung tâm cai nghiện ma túy của tỉnh. Nhờ sâu sát cơ sở, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, xã Bản Mù cùng các xã vùng cao khác của huyện Trạm Tấu đã "đoạn tuyệt" với cây thuốc phiện, các hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi, nhường chỗ cho đời sống văn hóa mới.

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Trấn Yên Mai Thị Lệ Thủy cho biết: Nhằm xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, Huyện ủy đã xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020. Đến năm 2018, huyện xây dựng và nhân rộng 687 mô hình dân vận khéo. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, đã xây dựng và nhân rộng 125 mô hình, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch kinh tế đúng hướng, hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến xuất khẩu, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng năm 2017. Phong trào thi đua tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4%, năm 2017 còn 14,18%. Đến nay, huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, ai ai cũng biết đến ông Đặng Tiến Quân. Là đại tá quân đội về hưu, ông Quân đã bỏ tiền và vận động thêm người dân địa phương kéo gần 4 km đường điện về thôn Khe Đát, xã Tân Đồng; dùng ống nhựa đưa nước sạch từ thác nước trên núi về nuôi cá và sinh hoạt, vận động và tự hiến đất vườn để làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa thôn... Khi đời sống người dân khá lên, ông bỏ công sức truyền dạy lớp trẻ các điệu múa, bài hát cổ truyền, dạy chữ viết dân tộc Dao cho bà con trong vùng. Nhờ những người tâm huyết như ông Quân, mọi chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền cơ sở được triển khai một cách uyển chuyển, hiệu quả cao.

Trước đây, người dân ba thôn Đồng Tâm, Đồng Tha, Đồng Tanh (xã Phúc An, huyện Yên Bình) thường đổ rác thải ven hồ Thác Bà, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, xã Phúc An đã xây dựng được tổ tự quản gom rác thải, mỗi ngày thu gom chừng 500 kg rác đưa đi xử lý. Từ chỗ thắp sáng được 1,5 km đường quê, nay qua vận động, được người dân đồng thuận đã có sáu trong tổng số chín thôn vùng cao có đèn đường. Mô hình này lan tỏa ra các xã lân cận như: Hán Đà, Cảm Nhân, Vũ Linh... và có sự đóng góp rất lớn của người dân. Môi trường sạch đẹp, an ninh tốt, thu hút nhiều du khách về Thác Bà để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng đan rọ tôm, cùng kéo lưới, câu cá. Là người dân tộc Dao, anh Đặng Văn Thành cùng vợ mở dịch vụ homestay tại thác Ô Đồ, một địa điểm du lịch đẹp ở xã Phúc An. Anh Thành cởi mở: "Đồng bào quê tôi trước làm không đủ ăn, nhiều hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới cao, đám ma kéo dài, một số thanh niên tham gia cờ bạc... cho nên đói nghèo mãi. Nay nhờ cán bộ xã cùng dân xây dựng hương ước, quy ước và kiểm tra xử phạt rõ ràng, người dân tin, nghe và làm theo. Cuộc sống bây giờ tốt hơn trước nhiều rồi, cả xã có hàng chục hộ làm du lịch, có thu nhập tốt".

Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Xuân Nguyên, nhờ tăng cường kỷ luật và xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển tích cực trong công tác dân vận. Các mô hình dân vận khéo phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa cao như mô hình cựu chiến binh "Năm cộng một" của phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (năm hộ khá giúp một hộ thoát nghèo), "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Cựu chiến binh gương mẫu"... Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội để thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thanh Sơn/ nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất