Thứ Sáu, 15/11/2024
“Cô Tư dân vận khéo”

 Cô Lê Thị Nghiệp

Từ mô hình “Trái dừa tiết kiệm”

Cách nay hơn 10 năm, cô Tư được giới thiệu đi tập huấn về làm công tác tổ hội, tham dự các buổi sinh hoạt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Học tập và làm theo ở Bác từ những việc làm nhỏ nhất nên cô nảy ra ý tưởng phát động chị em trong tổ nuôi heo đất tiết kiệm. Nhưng ý tưởng này bị phản ứng vì phần nhiều chị em nghèo không có tiền bỏ ống, phần vì đập heo đất sẽ gây lãng phí thêm. Vậy là cô ra vườn lượm mười mấy trái dừa rụng chuột khoét mang vô để gọt vỏ, làm cho thật sạch và đẹp để làm “trái dừa tiết kiệm”. Sáng kiến này được các chị hoan nghênh.

Từ những đồng tiền nhín nhúc khi đi chợ, sau năm đầu tiết kiệm, tổ hội đã có vốn giúp phụ nữ nghèo làm kinh tế nhỏ quy mô hộ gia đình. Có chị mua chỉ quay lưới, có chị mua heo con về nuôi… Tổ có 13 hội viên, trong đó 8 người thuộc hộ nghèo, hiện nay các chị đã thoát nghèo bền vững.

Từ mô hình của tổ hội số 5 đã phát triển nhân rộng lên thành mô hình của chi hội, huy động nhiều chị em làm chủ hộ tham gia và đóng góp quỹ. Đến nay, quỹ của chi hội đã hơn 81,6 triệu đồng và đang tiếp tục hỗ trợ nhiều chị em khác.

… đến “Chắp cánh ước mơ”

Quỹ trái dừa tiết kiệm đã lớn mạnh, cô Tư xoay qua làm mô hình “Trái dừa chắp cánh ước mơ”. Mỗi tháng, cô Tư vận động các chị đều đặn tham gia 2 ngàn đồng để hỗ trợ đầu năm học cho các em.

Chị Nguyễn Kim Ngân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết, vào đầu năm học, cô Tư dùng quỹ này trao nhiều suất học bổng, kết hợp vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng, học phẩm cho con em hội viên, phụ nữ nghèo với tổng số 3.000 quyển tập. Đặc biệt, hàng năm trao 10 suất học bổng cho học sinh nghèo, trị giá 5 triệu đồng/suất. Ngoài ra, cô cũng chăm lo quà cho các em dịp Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu… Hễ phát hiện nơi đâu còn hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cần giúp đỡ cô kịp thời gửi hồ sơ lên hội cấp trên để được quan tâm. Mặt khác, cô đạp xe gõ cửa từng nhà mạnh thường quân để xin hỗ trợ từng hoàn cảnh. Những trường hợp đặc biệt thương tâm, cô nhận hỗ trợ trực tiếp, vận động các con, người thân trong gia đình cùng quyên góp giúp đỡ.

Không phân biệt loại khó khăn nào, đối tượng nào cô cũng tìm hiểu, đồng cảm và sẻ chia như trường hợp em Nguyễn Anh Thư bệnh ung thư máu, em Lê Quang Huy có nguy cơ bỏ học vì cha bỏ, mẹ bệnh ung thư...

Đến cầu, đường, cô Tư cũng vận động cùng chính quyền địa phương xây dựng. Khi khởi công, cô Tư đi đến mỗi ngày, quản lý thi công đúng theo kế hoạch và chăm lo cho mọi người làm công trình.

Noi gương mẹ, cả 5 người con của cô Tư cũng ra sức vận động khắp nơi, phần gửi về cho cô hỗ trợ bà con địa phương xây nhà, trị bệnh, tặng học bổng, học phẩm, phần thì nghe ở đâu khó là đến để sẻ chia thông qua tổ chức Hội từ thiện Hạt Phù Sa TP. Hồ Chí Minh.

“Cô Tư hỗ trợ, gần gũi, chỉ dạy chị em trong ban quản lý tổ, kể cả chủ tịch, phó chủ tịch mới như chúng tôi bằng tình thương và kinh nghiệm của mình. Cô Tư nói, cô rất tâm huyết với hội, sẽ làm tất cả những gì có thể để cùng xây dựng hội vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho hội viên phụ nữ”, chị Nguyễn Kim Ngân tâm tình.

Mô hình Trái dừa tiết kiệm của cô Tư đã được ban dân vận cấp tỉnh và huyện xét công nhận là mô hình dân vận khéo. Mới đây, cô Tư sáng kiến thêm mô hình “Trái dừa cống nước tình thương”. Cũng từ cách nêu gương, vận động các chị em trong hội tiết kiệm, mô hình đã gây quỹ gần 100 triệu đồng để xây 44 cống hồ trữ nước ngọt cho các chị có hoàn cảnh khó khăn chưa có hồ chứa nước. Đến nay, các cống hồ đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng 38 cống.

Việc cô Tư làm hiện nay đúng như lời cô nói: “Quãng đời còn lại, cô mong muốn làm sao để cống hiến hết sức mình giúp các chị em phụ nữ nghèo, các em học sinh nghèo”.

Kim Ngân

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất