Thứ Năm, 25/4/2024
Phong trào “Dân vận khéo” ở Thuận Bắc
Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Bắc Phong (Thuận Bắc).

Huyện Thuận Bắc có 41 tổ chức cơ sở đảng, với 1.017 đảng viên; trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số 361 đồng chí; đảng viên là người có đạo 106 đồng chí. Đến nay, 6/6 xã đã thành lập khối Dân vận cấp xã và 32/32 thôn thành lập Tổ dân vận. Xác định tầm quan trọng công tác dân vận, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Bắc đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, xã chủ động rà soát, lựa chọn để đăng ký phong trào thi đua “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đến nay có 14 đơn vị, địa phương đăng ký thực hiện với 213 mô hình (trong đó có 82 mô hình tập thể và 131 mô hình cá nhân).Các mô hình “Dân vận khéo” bước đầu đã tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Thời gian qua với sự khuyến khích của các cấp chính quyền, người dân đã mạnh dạn triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng cánh đồng lớn. Cụ thể: xây dựng 3 cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, với diện tích 232 ha (cánh đồng lớn sản xuất lúa giống thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải với quy mô 70 ha/127 hộ; cánh đồng lớn sản xuất lúa giống Cà Rài, xã Lợi Hải với quy mô 59,11 ha/100 hộ; cánh đồng lớn sản xuất lúa giống xã Bắc Phong 102 ha). Triển khai mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Phước Chiến quy mô 1 ha/4 hộ dân; mô hình cải tạo đàn bò ở xã Bắc Sơn; mô hình trồng cây măng tây xanh ở xã Lợi Hải…Bước đầu các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã góp phần giúp cho nông dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, có cuộc sống ổn định hơn.

Bên cạnh đó, các phong trào “Dân vận khéo” trong thực hiện các chế độ, chính sách được các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện đa dạng về hình thức như: Thực hiện chi trả chế độ hàng tháng cho người có công cách mạng với 450 định suất/1 tỷ đồng và mua bảo hiểm y tế đầy đủ; giải quyết chế độ điều dưỡng cho người có công; xây mới 4 căn nhà và sửa chữa 12 căn nhà với tổng số tiền 400 triệu đồng. Ngoài ra, có 28.576 trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số, hộ dân sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được giải quyết bảo hiểm y tế. Quan tâm giải quyết việc làm cho 961 lao động và 14 trường hợp được xuất khẩu lao động; tổ chức đào tạo nghề cho 400 lao động phổ thông…Với nội dung thiết thực và phù hợp với từng địa phương, phong trào “Dân vận khéo” đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn huyện .

Đối với các đơn vị lực lượng vũ trang, công tác “Dân vận khéo” được triển khai nghiêm túc với phương châm “Mỗi cán bộ chiến sĩ là tấm gương sáng trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong quân ngũ, trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao”. Thường xuyên trực chiến, sẵn sàng chiến đấu, bám sát cơ sở, bám sát địa bàn; thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng ở địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Đồng chí Lê Thanh Hùng, Phó Ban Dân vận huyện cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã tiếp tục triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới của từng địa phương. Trong năm huyện đã trực tiếp đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng số tiền gần 16.958 triệu đồng. Bên cạnh đó, duy tu bảo dưỡng các công trình cho 3 xã: Phước Chiến, Phước Kháng, Lợi Hải với số tiền 906 triệu đồng. Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế 2.325 triệu đồng. Thực hiện theo Nghị định 35 về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa với số tiền gần 2,4 tỷ đồng. Thành lập mới 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Măng tây xanh Lợi Hải và Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ - Nông nghiệp Bắc Sơn… Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương từ huyện đến xã, đến cuối năm 2018 số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 11,17 tiêu chí/xã.

Phát huy hơn nữa vị trí, vai trò và hiệu quả của công tác dân vận, trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp, ngành và nhân dân. Đặc biệt, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phan Bình/ baoninhthuan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất