Mường Ảng là một trong những huyện đầu tiên được Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên chọn thí điểm thành lập các tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố. Sau 5 năm thực hiện, huyện đã đạt được những thành quả nhất định trong công tác dân vận ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
|
Nhờ thực hiện tốt mô hình dân vận thôn, bản, tổ dân phố, người dân huyện Mường Ảng
luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau. Trong ảnh: Người dân bản Khén, xã Xuân Lao giúp nhau làm nhà.
Ảnh: Tú Anh |
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thành lập các tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố, năm 2014 huyện Mường Ảng đã thành lập 129/139 tổ dân vận với gần 10 nghìn thành viên. Mỗi tổ có từ 6 - 15 thành viên, do đồng chí Bí thư Chi bộ làm tổ trưởng, Trưởng ban Công tác mặt trận làm tổ phó; các thành viên gồm: Chi hội trưởng của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; phó thôn, đội trưởng; công an viên; người có uy tín, già làng và một số trưởng dòng họ. Ðối với những thôn, bản chưa có Chi bộ độc lập thì trưởng bản làm Tổ trưởng tổ dân vận và Trưởng ban Công tác mặt trận làm tổ phó.
Từ khi thành lập đến nay, Tổ dân vận bản Tác Hẹ, xã Ẳng Nưa đã hòa giải thành công 9 vụ, trong đó 3 vụ mất đoàn kết do vật nuôi phá hoại cây trồng, 4 vụ không đồng tình làm đường nội bản và 2 vụ xâm canh, xâm cư. Anh Lý A Khá, Tổ trưởng Tổ dân vận bản Tác Hẹ, cho biết: Bản hiện có 39 hộ, 212 nhân khẩu và 100% là người dân tộc Mông. Nhưng do hiểu biết còn hạn chế nên đôi khi có những suy nghĩ, hành động chưa đúng gây xích mích với nhau. Các thành viên trong tổ dân vận bản đã kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, đồng thời chia sẻ để người dân được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, sau đó khéo léo tuyên truyền cho cả hai bên hiểu mọi thứ đều là thứ yếu, tình làng nghĩa xóm với nhau mới là quan trọng để xây dựng sự đoàn kết thống nhất.
Cũng theo anh Lý A Khá, trường hợp không đồng ý làm đường nội bản khi không được bồi thường giải phóng mặt bằng thỏa đáng, Tổ dân vận bản Tác Hẹ mất rất nhiều thời gian để giải thích, tuyên truyền, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần người dân hiểu ra vấn đề, không những vui vẻ hợp tác mà còn tự giác hiến đất làm đường, tích cực đóng góp ngày công để đường sớm hoàn thành.
Nhớ lại những ngày tháng bà con trong bản không yên tâm ổn canh ổn cư, anh Giàng A Lử, Tổ trưởng Tổ dân vận bản Thẳm Tọ, xã Xuân Lao cho biết: Khi thực hiện Chỉ thị 364-CT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã, dẫn đến đất ở và đất canh tác của người dân bản Thẳm Tọ, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) gần như nằm hoàn toàn trên đất của bản Nà Làng, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Sự thay đổi này dẫn đến xung đột “nảy lửa” giữa người dân 2 bản Thẳm Tọ và Nà Làng. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương 2 tỉnh đã có nhiều buổi làm việc, nhiều ngày đàm phán tuyên truyền, giải quyết đất ở, đất canh tác cho người dân 2 bản của 2 tỉnh. Tuy nhiên, một số người dân bản Thẳm Tọ vẫn không yên tâm sản xuất. Ban Dân vận Huyện ủy Mường Ảng đã tham mưu với Huyện ủy thành lập tổ dân vận đặc biệt, bao gồm cán bộ các phòng, ban, ngành trong huyện, cùng với tổ dân vận bản thực hiện “3 bám, 4 cùng”, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân; người có tuổi thì gặp người già, cán bộ nữ gặp phụ nữ, cán bộ trẻ gặp thanh niên, vào từng nhà trò chuyện, hỏi han, khuyên nhủ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước liên quan đến địa giới hành chính; vận động, giải quyết những khúc mắc mà bấy lâu bà con không bày tỏ, từ đó người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Là một trong những người từng di cư tự do, nay đã quay về bản Thẳm Tọ sinh sống, anh Giàng A Nếnh, vui vẻ bày tỏ: Ở đâu cũng là đất của Nhà nước, nếu không chịu khó lao động, sản xuất thì ở đâu cũng nghèo”.
Không chỉ bản Thẳm Tọ, xã Xuân Lao hay người dân bản Tác Hẹ, xã Ẳng Nưa đã đoàn kết, ổn định cuộc sống thông qua công tác tuyên truyền của các tổ dân vận thôn, bản, chính quyền địa phương. Nhiều địa phương khác như: Bản Kéo Nánh, xã Xuân Lao mâu thuẫn, mất đoàn kết, bất đồng ngôn ngữ do 3 dân tộc cùng sinh sống trong một bản; vấn đề tranh chấp đất đai kéo dài hơn 20 năm của người dân bản Chan 3, xã Ngối Cáy với người dân bản Hua Sát, xã Mường Khoong (huyện Tuần Giáo)… cũng được giải quyết hài hòa, thấu tình đạt lý thông qua công tác “dân vận khéo” của các tổ dân vận thôn, bản, chính quyền các cấp.
Ông Lầu A Vàng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường Ảng, cho biết: Việc thực hiện mô hình tổ dân vận thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã có tác động thiết thực, huy động được các tổ chức, đoàn thể; những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở sớm được tháo gỡ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tú Anh/ baodienbienphu.info.vn