Thứ Sáu, 22/11/2024
Báo chí và cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”

LÀ DIỄN ĐÀN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN TRONG "CUỘC CHIẾN" CAM GO, PHỨC TẠP

Gần 25 năm trước, với vai trò là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông là người đã có những dấu ấn quan trọng, thậm chí là phản biện quyết liệt để “bảo vệ” và “kiến tạo” thành công chương trình truyền hình trực tiếp các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Đó là một bước tiến vượt bậc của việc công khai trong hoạt động Quốc hội với báo chí. Là người gần gũi và hiểu báo chí, ông đánh giá như thế nào về vai trò của “binh chủng” này trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí?

- Ngay từ khi còn làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, một trong những điều mà tôi quan tâm là công tác báo chí và truyền thông của Đoàn. Thời đó, Internet và mạng xã hội chưa có, nên một trong những nguồn thông tin chính thống và diễn đàn quan trọng của tuổi trẻ là báo chí. Lý tưởng, lối sống đẹp và các phong trào cách mạng tuổi trẻ được “nhen nhóm”, “thổi bùng” lên, bên cạnh công tác tuyên truyền, còn có sự đóng góp quan trọng của “binh chủng” báo chí, đặc biệt là báo chí của Đoàn. Việc tôi và các đồng chí có trách nhiệm ở thời kỳ đó quyết tâm “khai sinh” thành công tờ báo Thanh Niên (lúc đầu có tên gọi là “Tuần tin Thanh niên” - thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) đã chính thức tạo ra một “sân chơi” bổ ích, một diễn đàn “rộng hơn” dành cho tuổi trẻ cả nước.

Trở lại với nội dung của câu hỏi, tôi cho rằng, cùng với những chức năng được coi như “thiên chức” của báo chí, thì việc góp phần lên án những thói hư tật xấu, phê phán những hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là sát cánh cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân trong “cuộc chiến” chống tham nhũng là rất rõ nét. Việc khẳng định vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là điều không cần phải bàn cãi.

* Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh và tình hình mới, báo chí đã đóng góp đến đâu? đã thực hiện đúng và “chuẩn” những “thiên chức” của mình chưa? Đã phát huy mạnh mẽ vai trò là diễn đàn của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong “cuộc chiến” cam go, phức tạp này như thế nào?

- Nhiều vụ án tham nhũng, nhiều vấn đề tiêu cực được đưa ra ánh sáng trong những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, rõ ràng là có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Điều này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh. Với tư cách là độc giả trung thành của báo chí, tôi không “liệt kê” lại những “đầu việc” mà báo chí đã làm được, tôi chỉ nhấn mạnh: báo chí đã, đang và sẽ là một kênh quan trọng góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong “cuộc chiến” chống “quốc nạn” tham nhũng và những vấn tiêu cực. 

* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về khía cạnh: báo chí góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực?

- Trước hết, phải khẳng định lại rằng, mặc dù với sự phát triển có lúc tưởng như “lấn át” của các các loại thông tin “vô tội vạ” từ mạng xã hội đối với báo chí chính thống, thì cũng không vì thế mà nhân dân “quay lưng” lại với báo chí. Có thể lúc này, lúc khác, báo chí chưa đáp ứng hết được nhu cầu và yêu cầu của công chúng, nhưng không vì thế mà báo chí đánh mất vai trò của mình đối với niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Không phủ nhận là có những tờ báo, có những thời điểm còn chưa “chuẩn”, còn thiếu chính xác trong việc đưa tin, thậm chí là võ đoán trong bình luận, nhận định - nhất là trước những vấn đề quan trọng liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên đó chỉ là “hiện tượng” chứ không phải là “cái phổ biến” như những kẻ chống phá, thiếu thiện chí vẫn thường “lu loa” lên. Tôi cho rằng, hiện nay báo chí đã và đang góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực, thể hiện trên một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, báo chí là nơi tin cậy nhất chuyển tải tới nhân dân những thông điệp về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta; những chủ trương, chỉ thị, nghị quyết và chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thứ hai, chính báo chí chứ không phải là một “phương tiện” nào khác, là nguồn “đính chính” và “củng cố lại” sự thật trước những thông tin “thật giả lẫn lộn”, những chuyện “nghe hơi nồi chõ” mà độc giả “tiếp nhận” một cách “vô tư và vô tâm” qua mạng xã hội. Thứ ba, báo chí là diễn đàn có chọn lọc, có tìm hiểu, có điều tra một cách hệ thống, bài bản trước khi đăng tải những ý kiến phản ánh, phản hồi, phê phán các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực từ cơ sở. Đồng thời báo chí cũng là diễn đàn tiếp nhận và chuyển tải những thông tin phản biện mang tính xây dựng, khoa học, vì lợi ích chung. Thứ tư, những kết luận chính thức từ các cơ quan chuyên môn (điều tra, tòa án…) liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hầu hết được thông tin kịp thời, trung thực thông qua báo chí, chứ không phải là từ sự “thêm bớt” vì mục đích cá nhân và chủ đích xấu của không ít trang mạng xã hội. Thứ năm, cho đến thời điểm này, những thông tin mà cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp nhận được từ các phương tiện báo chí truyền thông chính thống liên quan đến những vấn đề tham nhũng, tiêu cực, vẫn là “nguồn đảm bảo” nhất, đáng tin cậy nhất, “đúng tầm đúng hướng” nhất.

* Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng đã xác định “phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Theo ông, báo chí đã thực sự đáp ứng được những tiêu chí nêu trên chưa?

- Như tôi nhận định ở trên, thực tế thời gian qua cho thấy, báo chí đã có những đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Điều này thể hiện rõ nét như báo chí giám sát, phát hiện và công khai các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; cung cấp cho các cơ quan chức năng những thông tin quan trọng, cần thiết để tiến hành xác minh, điều tra. Báo chí còn cổ vũ, khuyến khích người dân tham gia đóng góp sáng kiến phòng, chống tham nhũng; mạnh dạn tố cáo các hành vi tiêu cực và thực hiện điều tra theo đơn thư tố cáo.

Quan trọng hơn, báo chí đã nhấn mạnh quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” trong việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cũng thông qua báo chí, người dân hiểu rõ hơn về những khó khăn, phức tạp của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Nhờ có sự tham gia tích cực của đội ngũ những người làm báo, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã bị phanh phui, thu lại cho Nhà nước và nhân dân hàng ngàn tỷ đồng. Việc đưa tin kịp thời, công khai về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này.

Nhìn chung là dư luận xã hội đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong việc giám sát, phát hiện các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng. Từ đó tôi đi đến nhận định: Về cơ bản, báo chí đã đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu mà Đảng ta đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Có thể nói, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đặt vấn đề rất trúng và đúng về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Đây là luồng sinh khí mới để báo chí làm tốt hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc phòng, chống tham nhũng mà nhân dân hy vọng và chờ đợi.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn nhiều điều báo chí chưa làm được, chưa phát huy vai trò trong “cuộc chiến” này. Thậm chí là còn có những biểu hiện “tát nước theo mưa” - lợi dụng danh nghĩa chống tiêu cực để làm những điều tiêu cực…

Những hạn chế, nhược điểm, thậm chí là yếu kém có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ người làm báo, lãnh đạo và cơ quan chủ quản; có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế; và có cả nguyên nhân xuất phát từ công chúng, bạn đọc…


 Lễ trao giải Báo chí phòng chống tham nhũng lần thứ Nhất 


KHÔNG BỊ "CHỆCH HƯỚNG" TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

* Với tư cách là độc giả, ông có thế nói rõ hơn về một số biểu hiện của những bất cập, hạn chế, cũng như những nguyên nhân mà ông vừa nêu?

Tôi lấy ví dụ, thời gian gần đây chúng ta vẫn hay nói câu “cửa miệng” về tình trạng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ” của một số tòa soạn - ấn phẩm báo chí điện tử . Nói thẳng ra đó là hành động nhân danh nhà báo, nhân danh công luận để thực hiện các hành vi tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Ngoài khuyết điểm của cá nhân nhà báo, ở đây còn có lỗi của lãnh đạo tòa soạn - vì nếu ông/bà lãnh đạo không “thỏa hiệp” hay “bật đèn xanh” thì phóng viên người ta không dám làm bậy được. Và suy ra thì có cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản - vì nếu cơ quan chủ quản nghiêm khắc, thường xuyên nhắc nhở, quán triệt thì cơ quan báo chí không thể và không dám “nhắm mắt làm liều”.

 Đáng chú ý là, bên cạnh đó còn có hiện tượng một số nhà báo, cơ quan báo liên kết để “đánh hội đồng” doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây mất uy tín đối với tòa soạn, gây mất niềm tin của người dân, chính quyền các cấp và doanh nghiệp đối với báo chí.

Nghiêm trọng hơn là các biểu hiệu suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; cá biệt đã có phóng viên - nhà báo bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Ngoài ra, thời gian vừa qua, chúng ta cũng thấy rất rõ, một số tòa soạn báo đã xa rời tôn chỉ mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ, thiếu nhạy cảm chính trị... Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một số nhà báo/tòa soạn đã “vượt ngưỡng”, vội vã, chủ quan, võ đoán quy kết tội danh; nhận định, phán xét thay cơ quan chức năng, “cầm đèn chạy trước ô tô”…?

- Tất nhiên, những hạn chế, nhược điểm nêu trên chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Tôi vẫn luôn khẳng định, hoạt động báo chí của chúng ta cơ bản là tốt, góp phần làm lành mạnh xã hội. Nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi một vài hiện tượng nếu lặp đi lặp nhiều lần thì sẽ có nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ niềm tin của công chúng, dẫn đến sự hoài nghi, thậm chí sẽ khiến cho nhân dân “một lần thất tín thì vạn lần thất tin”.

Theo tôi có mấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế của báo chí thời gian qua:

Một là, vẫn còn một bộ phận nhà báo - phóng viên thiếu bản lĩnh, ý thức chính trị; hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; không hiểu biết hoặc cố tình “lách” những kiến thức pháp luật; không nắm rõ hoặc cố tình “vượt ngưỡng” những quy chế, quy định đối với người làm báo cách mạng.

Hai là, một số lãnh đạo tòa soạn và cơ quan chủ quản hoặc là buông lỏng, không thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, giám sát hoạt động, định hướng thông tin; hoặc là quá “cẩn thận” (việc gì cũng sợ là “nhạy cảm”, “động chạm”, “không an toàn”), vì thế thường dẫn đến tình trạng “thái quá bất cập” - hoặc là phóng viên bất chấp hậu quả để “làm lấy được”, hoặc là không phát huy hết năng lực và tinh thần xông pha.

Theo tôi, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng không kìm hãm “tính tự do” của hoạt động báo chí. Việc xử lý - tùy mức độ - những sai phạm của tòa soạn hay cá nhân nhà báo xuất phát từ những vi phạm pháp luật (nhất là Luật Báo chí), vi phạm những quy định liên quan đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia (chống phá nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết nhân dân…); hoặc xuất phát từ những thông tin xuyên tạc, võ đoán, không kiểm chứng về những vụ việc tiêu cực, tham nhũng - làm rối loạn đến quá trình và kết quả điều tra, gây hoang mang trong nhân dân… Vì thế, có những nhà báo hoặc lãnh đạo tòa soạn, vì non nớt trình độ, vì thiếu bản lĩnh chính trị, vì không đủ tự tin, nên trước bất cứ một vấn đề gì liên quan đến cái xấu, cái tiêu cực cũng “đánh đồng” sang chuyện “nhạy cảm chính trị” nên không dám “động bút”! 

Ba là, có không ít bạn đọc còn ngộ nhận về vai trò của báo chí trong việc phản ánh, phán xét, kết luận những hiện tượng, vấn đề tiêu cực. Vì thế, họ đòi hỏi ở báo chí quá nhiều, nhất là khi “so sánh” thông tin “chừng mực” “định tính, định lượng” của báo chí với những bình luận, phán xét, suy diễn, phát ngôn “văng mạng” của mạng xã hội. Bên cạnh đó, có hiện tượng độc giả viết đơn, thư tố cáo tham nhũng, tiêu cực gửi đến cơ quan báo chí chỉ vì “tư thù”, vu khống bôi nhọ… Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng danh nghĩa chống tham nhũng, tiêu cực, bỏ tiền ra để mua chuộc nhà báo “vào cuộc” nhằm mục đích xấu…

* Vậy, trong thời gian tới, theo ông, cần phải làm gì để báo chí góp phần tích cực hơn nữa, hiệu quả mà không bị “chệch hướng” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

- Theo tôi, muốn làm được những điều đó, trước hết báo chí và công tác quản lý báo chí phải theo kịp sự phát triển của mạng xã hội. Bởi, trong xu thế hiện nay, nhiều khi người ta có cảm giác rằng, mạng xã hội đang “thống lĩnh” và vượt trội về mặt thông tin so với báo chí.

Mạng xã hội phát triển và “mọi người, mọi nhà” tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu của thời đại. Chúng ta không thể phủ nhận hay tẩy chay điều đó. Vấn đề là phải có “bộ lọc” để tận dụng và phát huy những mặt tốt và hạn chế những mặt trái, mặt xấu của mạng xã hội.

Vì lợi thế “tung tin” nhanh, nên một số mạng xã hội thù địch đã “trộn” vào sự thật những nội dung giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý… tác động tiêu cực đến xã hội. Điều này khiến cho công chúng nghi ngờ về tính kịp thời, chính xác của báo chí, và họ đặt câu hỏi: liệu có phải trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Đây thực sự là một câu hỏi nghiêm túc để chúng ta phải suy nghĩ và tìm câu trả lời.

Rõ ràng, thách thức từ mạng xã hội là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn cả chính là tư tưởng, tâm thế “thất bại” của không ít người làm báo trước “sức mạnh” lan tỏa của mạng xã hội, cùng với đó là hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin. Đây chính là điều mà đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2018 vừa qua.

Hai là, trong những năm tới, theo tôi, chúng ta cần tiếp tục rà soát lại Luật Báo chí năm 2016 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp hơn nữa, theo hướng thực sự cầu thị, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, là hành lang pháp lý cho những người làm báo.

Theo tôi, chúng ta cũng cần phải mạnh dạn đặt vấn đề, đến một thời điểm thích hợp nào đó, vấn đề báo chí tư nhân cũng cần được xem xét, cân nhắc đưa vào Luật Báo chí. Bởi thực tế là nhiều trang mạng xã hội hiện nay đang hoạt động như một “tờ báo” tư nhân. Luật Báo chí nên là chế tài bổ sung cho công tác quản lý nhà nước về mạng xã hội, vì chỉ với Luật An ninh mạng như hiện nay là chưa đủ.

Ba là, cần xem xét, nghiên cứu, từng bước xây dựng và hoàn thiện Luật Phản biện xã hội. Luật này sẽ là chiếc “gậy” để công chúng cũng như các nhà báo “bám chắc” vào đó để tự tin, dám nói, dám phản biện; phản biện đúng, hiệu quả, tích cực mà không lo “chệch hướng”.

Bốn là, báo chí cùng với các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc tạo diễn đàn đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có cơ chế bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có những người làm báo.

Năm là, các cơ quan báo chí và nhà báo phải biết bảo vệ hình ảnh của mình trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cần đưa những thông tin đúng đắn, chính xác, có ích cho độc giả, có lợi cho xã hội. Điều này không phải lúc nào các cơ quan quản lý báo chí cũng như các tòa soạn đã làm tốt trong thời gian qua.

Đặc biệt, báo chí phải biết “chắt lọc” sự trung thực từ cuộc sống. Muốn vậy, phải luôn dựa vào quần chúng, lắng nghe tiếng nói của quần chúng, phản ánh hiện thực sinh động một cách nhạy bén để không bị đi chậm hoặc đi sau cuộc sống. Có như vậy mới làm cho báo chí thực sự là nhịp cầu nối giữa Dân với Đảng, Đảng với Dân.

* Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Nhà báo HỒ QUANG LỢIPhó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt NamCần phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí 
Từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cách đây 5 năm, nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được triển khai trên một cấp độ mới, ráo riết hơn, quyết liệt hơn, và đã đạt được những kết quả tích cực, tạo hiệu ứng tốt, có sức lan toả mạnh, tạo động lực mới để đất nước đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 

Bằng tinh thần quả cảm, cống hiến và sức lao động sáng tạo, nhiều nhà báo đã làm nên những tác phẩm báo chí có sức lay động, góp phần nhân lên ngọn lửa niềm tin trong xã hội về cuộc đấu tranh vô cùng cam go, phức tạp này. 

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí. Trong tòa soạn, tổng biên tập như một “ngọn cờ”. Nếu anh là người làm báo chính trực, có dũng khí, người làm báo tử tế thì sẽ xây dựng được trong tòa soạn một không khí làm việc chuẩn mực và mọi người sẽ noi gương anh để hành động. Đôi khi thông qua tổng biên tập mà phóng viên có cảm hứng, dũng khí, niềm say mê nghề nghiệp, quên đi mệt nhọc, gian khổ, khó khăn. Do đó, cách điều hành của tổng biên tập sẽ tạo nên một môi trường báo chí hoặc là tích cực hoặc là tiêu cực. Trong cơ quan báo chí có một tổng biên tập gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về nghiệp vụ thì chắc chắn ở đó có môi trường làm việc lành mạnh và đội ngũ biên tập viên, phóng viên làm việc đúng với tinh thần dấn thân, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Trong môi trường báo chí mà người lãnh đạo không trong sáng sẽ là “mảnh đất” cho cách làm báo tiêu cực mà gần đây chúng ta đã cảnh báo. Do đó, hơn lúc nào hết, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí, đặc biệt coi trọng tính khách quan chân thực, tính chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống xã hội. Đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

*Đồng chí VŨ TRUNG KIÊNHọc viện Chính trị khu vực II, Thành phố Hồ Chí Minh:Trách nhiệm  đồng hành cùng báo chí phòng, chống tham nhũng 

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, trước hết, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là một nguồn thông tin, một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan báo chí tham gia giám sát nhằm phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2019 đều có các quy định về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan có vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao…, là những cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp nhằm trao đổi thường xuyên thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng; chuyển hồ sơ vụ việc tham nhũng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng. 

Tuy nhiên, cũng cần có quy định, cơ chế để các cơ quan bảo vệ pháp luật cung cấp thông tin cho báo chí trong điều kiện cho phép. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần có các biện pháp nghiệp vụ khác nhau để bảo vệ các nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội qua giám sát, phản biện cũng cần phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho báo chí...

TS. NGUYỄN MINH PHONG (Trưởng ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân):Phòng, chống tham nhũng trong hoạt động báo chí

Ngược với hiện tượng nhà báo dùng thông tin chính xác để hù dọa, “đánh” và “làm tiền” doanh nghiệp, đơn vị một cách trực diện, thô bạo và lộ liễu, hiện tượng “bảo kê” trong báo chí thể hiện “tế nhị” hơn và đa dạng hơn, có thể nhận biết qua một số biểu hiện nổi bật là: 

Thứ nhất, phóng viên chỉ nhận viết các bài quảng bá mặt tích cực, ca ngợi một chiều cho đối tượng được bảo kê. Thậm chí, có trường hợp còn viết kiểu tô vẽ, quảng cáo cho người “đặt hàng” bằng những thông tin “một nửa sự thật” hoặc không chính xác…
Thứ hai, lãnh đạo tòa soạn trong trách nhiệm và thẩm quyền của mình không xử lý và không cho đăng những bài không có lợi cho đối tượng. Hơn nữa, có trường hợp lãnh đạo cơ quan báo chí còn trực tiếp phê bình cán bộ, phóng viên khi họ có ý định viết bài phê phán những hành vi sai trái của “đối tác chiến lược” được báo ủng hộ...

Thứ ba, bài viết khi buộc phải đăng thì cố ý cắt xén và làm sai lệch những điểm mấu chốt của vấn đề, khiến lỗi to thành nhỏ, lỗi nhỏ thành không có lỗi, “làm sạch” cho đối tượng.

Thứ tư, cấp dưới có trách nhiệm xử lý bài theo quy trình thì dùng thông tin và thẩm quyền mình có để “tạo nhiễu” khiến Ban biên tập hiểu sai lệch, ngại ngần không muốn đăng bài; hoặc gây sức ép làm nản lòng tác giả có nhiệt thành chống tham nhũng, che lấp cái sai của cá nhân, đơn vị thuộc nhóm đối tượng.

Thứ năm, sử dụng các hình thức liên kết, hỗ trợ tuyên truyền, quảng cáo để tuyên truyền quá mức cái tốt, giảm thiểu cái sai, xấu, mục đích đánh bóng thương hiệu theo kiểu “sống chết mặc ai”, miễn “đôi bên cùng có lợi” …

Dù núp dưới bất kỳ hình thức nào, hiện tượng “bảo kê” trong báo chí đều có chung bản chất gian dối thông tin và lạm dụng quyền lực, dùng thông tin chất lượng thấp, được xử lý qua lăng kính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lối tư duy nhiệm kỳ và trách nhiệm xã hội thấp; cố tình đề cao quá mức cái không đáng đề cao và che giấu những sự thật cần đưa ra ánh sáng, làm nhiễu loạn thông tin, dung dưỡng cái xấu, khiến nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội rơi vào “im lặng đáng sợ”… Vì vậy, ở góc độ nào đó, hiện tượng bảo kê, lạm dụng quyền lực trong báo chí cũng giống với hiện tượng lạm dụng quyền lực-tham nhũng trong các lĩnh vực khác…

(tuyengiao.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi