Chủ Nhật, 22/12/2024
Tham nhũng vặt làm mất lòng tin của dân với chính quyền

 


Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt chỉ thị 10 của Thủ tướng về ngăn chặn tham nhũng vặt mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”… đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

Thực tế cho thấy, các hành vi tham nhũng đã và đang xảy ra không chỉ ở cấp trung ương, ở những chương trình dự án lớn có giá trị hàng ngàn tỷ đồng – tham nhũng lớn, mà còn xuất hiện nhiều ở các bệnh viện, cơ quan công quyền ở cơ sở, nơi hàng ngày trực tiếp giải quyết các công việc liên quan đến lợi ích của người dân. Đó là tham nhũng vặt. 

Tham nhũng vặt xuất phát từ quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”?

Tham nhũng vặt đang diễn ra ở khắp nơi, thậm chí nhiều đến mức chúng ta cảm thấy như một hiện tượng bình thường trong xã hội. Đơn cử như việc cảnh sát giao thông phục bắt những lỗi nhỏ của người tham gia giao thông rồi xí xóa cho qua khi được “biếu” vài trăm nghìn đồng; sinh viên đưa phong bì cho thầy cô để xin điểm, hỏi đề thi; tệ hại hơn là chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy hội đồng chấm luận văn…

Tham nhũng vặt tồn tại ở cấp cơ sở phường, xã, thị trấn. Tham nhũng vặt biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý bồi dưỡng cho công việc thuận lợi nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu các khoản phạt trái quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc đưa nhận phong bì để giải quyết công việc là biểu hiện nổi bật của tham nhũng vặt. Với tư duy “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nhiều người dân dần công nhận văn hóa phong bì, xem đó là điều tất nhiên phải có.

Có thể nói, tham nhũng vặt đang diễn ra từng ngày, từng giờ không chỉ làm băng hoại đạo đức truyền thống mà nguy hiểm hơn nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội và chính quyền. Tệ nạn này hủy hoại phẩm chất cán bộ công chức và làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực hội nhập với thế giới.

Vai trò của cán bộ và tai mắt của nhân dân 

Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước đã định hướng xây dựng và kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở ngày càng gọn, nhẹ, tinh giản, hoạt động bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định về các lĩnh vực quản lý, điều này được phản ánh thông qua các giải pháp mà Chính phủ tiến hành trong thời gian qua như cải cách thủ tục hành chính theo hướng xây dựng mô hình hành chính một cửa, một dấu, phân cấp nhiệm vụ chức năng cho cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, xây dựng. 

Vậy nhưng trên thực tế, ở một số địa phương, hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu do vẫn còn không ít cán bộ cấp cơ sở năng lực còn chưa tương xứng với mức độ phân cấp. Thậm chí có một số cán bộ công chức tha hóa về đạo đức lối sống dẫn đến những quyết định hành chính hoặc hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương.

Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, muốn chính quyền cơ sở mạnh lên để phục vụ nhân dân, nhất thiết phải tập trung vào công tác cán bộ.

“Cán bộ chính quyền cơ sở là gốc của nền hành chính ở cơ sở nên cán bộ phải được đào tạo, nâng cao đạo đức cách mạng. Trên cơ sở đó họ sẽ tận tâm, tận lực để phục vụ nhân dân, phục vụ bộ máy, làm cho người dân hiểu được chính sách pháp luật, hiểu được các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để người dân có thể đảm bảo các quyền, lợi ích. Có thế bộ máy mới gắn liền với dân, được lòng của người dân, được người dân tôn trọng và bảo vệ”-  Tiến sĩ Trần Quang Huy nhấn mạnh.

Một chính phủ điện tử được thiết kế dù có hiện đại theo hướng nào cũng phụ thuộc vào con người thực hiện. Trong đó, năng lực phục vụ của cán bộ công chức được đánh giá bằng sự hài lòng hay không của người dân. Thực tế vẫn còn không ít sự phàn nàn, bức xúc. Ông Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng, “có kinh nghiệm, có quy trình, nhưng người ta có thể làm giảm, thậm chí làm méo mó nó do ý thức, đạo đức nghề nghiệp”.

Bên cạnh việc đổi mới hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và lựa chọn con người thể hiện đúng bản chất của chính quyền nhân dân, việc có những cơ chế cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tham gia xây dựng, giám sát chính quyền là một yêu cầu. Theo ông Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội, để phát huy được vai trò làm chủ, tham gia xây dựng chính quyền của người dân, thì phải thực hiện tổng thể nhiều giải pháp.

“Phải công khai trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền địa phương cho người dân, đảm bảo sự tham gia trực tiếp của nhân dân vào tổ chức, hoạt động của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân; phải có trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện những nội dung nhân dân đã bàn, quyết định chứ không phải chỉ lắng nghe, nghiên cứu rồi để đấy mà phải có giải trình và thực hiện những nội dung mà nhân dân đã bàn, đã quyết định trong khuôn khổ của pháp luật”, ông Nguyễn Minh Phương nêu quan điểm.

Với những địa phương có dự án triển khai trên địa bàn, cần huy động sức mạnh của toàn dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bởi thực tế đã chứng minh, muốn hoạt động của các cơ quan công quyền, của từng cán bộ công chức hướng về người dân, vì nhân dân phục vụ, không xảy ra tham nhũng, tiêu cực, không thể thiếu được vai trò giám sát của quần chúng nhân dân./.

(vov.vn, 09/07/2019, 06:00)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất