Thứ Năm, 26/12/2024
Chấn chỉnh ngay bệnh lười tiếp công dân

 Giải quyết thủ tục hành chính cho công dân

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có thông báo kết luận về việc giai đoạn 2010-2017, lãnh đạo tỉnh, nhiều lãnh đạo sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn không thực hiện đầy đủ việc tiếp công dân. Đáng chú ý, có trường hợp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ. Trước đó, tình trạng “lười” tiếp công dân tại một số địa phương cũng đã được chỉ ra và đề nghị chấn chỉnh kịp thời.

Kiến nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh, GĐ Sở vì không tiếp công dân đầy đủ

Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận Thanh tra về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và quản lý đất đai giai đoạn 1.1.2010-31.12.2017.

Cơ quan thanh tra đã phát hiện địa điểm tiếp công dân của một số đơn vị chưa được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân. Trong đó, công tác tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo tỉnh và nhiều lãnh đạo sở, ngành đều đạt dưới mức 30%. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì thực hiện tiếp 12/96 kỳ (12%); Chủ tịch UBND huyện Bình Gia 16/59 kỳ (27%); Chủ tịch UBND huyện Tràng Định 41/146 kỳ (28%); Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường 1/56 kỳ (0,17%)… Ngoài ra một số Chủ tịch UBND huyện, giám đốc sở không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ mà giao cho cán bộ tiếp công dân cũng không đúng theo quy định của pháp luật. Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện và giám đốc sở.

Từ những khuyết điểm trên, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố; giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ theo quy định giai đoạn 2010-2017, đặc biệt Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ.

Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp trên địa bàn.

“Không gần dân được thì nên nghỉ”

Trao đổi với PV Lao Động liên quan tới công tác tiếp công dân, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp nhìn nhận thực tế tại một số địa phương, cơ sở còn chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp công dân, việc thực hiện còn “chưa tới nơi, tới chốn”.

“Người đứng đầu địa phương, cơ sở phải thực hiện gương mẫu trách nhiệm tiếp công dân để nắm tình hình, đây cũng là trách nhiệm đã được quy định trong luật tiếp công dân. Nếu như anh không làm được những việc như thế để tiếp xúc với dân, giải quyết vấn đề mà người dân yêu cầu thì đó đã là “không hoàn thành nhiệm vụ”. Trong nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng cũng phải tự kiểm điểm vấn đề này để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh ngay tình trạng này. Nếu việc vi phạm này nhiều cần được đưa vào hồ sơ để đánh giá cán bộ, đánh giá nhiệm kỳ và không đưa vào danh sách ứng cử, đề cử trong nhiệm kỳ tới” - ông Kim nói và nhấn mạnh: “Nếu không thực hiện được việc tiếp công dân thì anh phải rời ghế đi. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ”.

Cũng theo ông Kim, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc không thực hiện nghiêm túc các quy định về tiếp công dân. Mặt khác, tại các địa phương cần phải xác định rõ ngày để tiếp công dân và sắp xếp các lịch công tác, tránh hội họp vào những ngày đó, không thể lấy lý do “bận họp hành mà bỏ qua việc tiếp công dân được”. 

Còn Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra được những lãnh đạo tỉnh, huyện không tiếp công dân thời điểm này là rất tốt. Qua đây, những người đang đương nhiệm cũng cần phải “soi gương” để nếu đang còn thiếu sót thì biết mà khắc phục, sửa chữa.

Theo bà Khánh, một số nơi người đứng đầu địa phương, đơn vị vẫn tổ chức tiếp công dân nhưng lại giải quyết không đến nơi đến chốn, tránh né. Từ đó, vừa làm mất đi ý nghĩa của việc tiếp dân vừa gây khiếu kiện vượt cấp, thậm chí tạo cớ cho những phần tử xấu, phản động lợi dụng, kích động nhân dân gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. “Để xảy ra như vậy thì cần phải xử lý nghiêm. Ngoài việc có chế tài riêng thì cần phải nêu cao ý thức của người đứng đầu tỉnh, huyện. Chúng ta cần thực hiện tốt việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm minh những địa phương, đơn vị không thực hiện việc tiếp dân hoặc chỉ thực hiện qua loa, hình thức, đối phó” - bà Khánh đề xuất.

Lịch tiếp công dân phải được niêm yết công khai

Theo Điều 24 Luật Tiếp công dân 2013, Ban Tiếp công dân ở Trung ương, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở lịch tiếp công dân của lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai lịch tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có).

Thêm vào đó, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định 64/2014/NĐ-CP nêu rõ, người tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Trường hợp tiếp công dân đột xuất thực hiện theo sự phân công của Trưởng Ban Tiếp công dân hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan, tổ chức mình./.

(laodong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi