Thứ Sáu, 22/11/2024
Thắp lên niềm tin dân tộc Việt!

 Từ số tiền ủng hộ của nhân dân cả nước, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
trao phân bổ đợt 1150 tỷ đồng cho Bộ Y tế mua sắm các thiết bị y tế chống dịch COVID-19

Cho đi là còn mãi

Bên cạnh việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe cho dù họ là người Việt hay người nước ngoài. Cho đến nay, mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm… đều do Chính phủ chi trả. Về chi phí điều trị đối với bệnh nhân COVID-19, nếu là người Việt Nam được miễn phí toàn bộ.

Đặc biệt, khi Việt Nam trải qua 22 ngày không có ca mới mắc COVID-19 và toàn bộ 16 người bệnh đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đã có những ý kiến cho rằng cần đóng cửa cả với những người Việt trở về từ các vùng dịch. Nhưng Chính phủ vẫn quyết định dang rộng cánh tay đón các công dân của mình từ các tâm dịch ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ,... dù biết như vậy là phải “gồng mình” chống dịch hơn hàng trăm lần… 

Với hành trình đó, đến nay, Việt Nam đã tổ chức cách ly cho hàng chục nghìn người cả Việt Nam và nước ngoài. Và từ các khu cách ly, nhiều bức thư thể hiện tình cảm của những người được cách ly đã nói lên tất cả. "Tôi có cảm giác có thêm một gia đình"; "Những ngày đi cách ly thực sự là những ngày trải nghiệm đáng nhớ và tuyệt vời của tôi. Các cô chú quân nhân và y, bác sĩ ở đó đối xử rất tốt với mọi người. Đó không chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà còn vì tình cảm - tình nghĩa đồng bào. Bởi nếu chỉ vì tinh thần trách nhiệm thì họ không thể nào cười tươi suốt ngày như vậy"... Đó là lời lẽ trong lá thư của Lưu Nhã Đình, du học sinh về từ châu Âu viết gửi Ban giám hiệu và toàn thể các cô chú quân nhân, y bác sĩ ở Trường quân sự Quân khu 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) sau khi kết thúc 14 ngày cách ly.

Hay bức thư của cô gái D.T.H.D (1996, Bình Dương) gửi đến Trung tâm Y tế Hưng Hòa (huyện Bàu Bàng) với tâm trạng đầy hứng khởi: "Khoảng thời gian 14 ngày không ngắn cũng không quá dài nhưng đủ để em cảm nhận cuộc sống này vẫn đầy ắp tình người. Mặc cho dịch bệnh đang hoành hành ngoài kia. Các anh chị cán bộ y tế vẫn giữ phong thái bình tĩnh, vẫn dùng sự nhiệt thành của mình tận tâm chăm sóc người bị cách ly vì dịch COVID-19... Mỗi ngày anh chị đều hỏi em muốn ăn gì, cần gì để chuẩn bị. Sự quan tâm quá đỗi chu đáo nhiệt tình này khiến cho em vừa cảm động lại vừa ái ngại."...

Và không chỉ người Việt mà rất nhiều người nước ngoài cũng có những cảm nhận tương tự. Bà Cristina Daus, trưởng đoàn khách Rumani sau khi dời Khu cách ly tập trung dành cho người nước ngoài ở Hội An, Quảng Nam cũng đã viết một bức thư gửi lại những lời cám ơn đầy xúc động cho đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ công an: "Chúng tôi không thể đòi hỏi sự giúp đỡ nào tốt hơn thế nữa vì nhân viên của bạn thực sự tuyệt vời trong việc giải quyết nhanh chóng, trên hết - mỗi vấn đề của chúng tôi. Luôn luôn thường trực nụ cười trên môi..."... Thậm chí một số người phải cách ly từ nước ngoài họ còn góp tiền để cảm ơn những người làm nhiệm vụ, mặc dù đều bị từ chối chỉ với mong muốn chính tình cảm của mình sẽ tiếp tục là động lực để những người nước ngoài quay lại đất nước hình "chữ S" đầy tình người...  

Và còn rất nhiều những lá thư, những lời cảm ơn sâu sắc tương tự như thế mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể đề cập hết. Chỉ biết rằng chính những bức thư này đã xóa tan những mệt mỏi của tất cả người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch như lời Trung tá Dương Minh Hùng, Phó Phòng tham mưu Công an tỉnh Quảng Nam bày tỏ sau khi nhận được tình cảm của những người hết cách ly: "Anh em đọc và rất xúc động. Những nỗ lực không mệt mỏi của tất cả người Việt Nam chúng ta, trong đó có chúng tôi đã chạm được tới trái tim và được khách chia sẻ".

Không chỉ những người phải cách ly, những người không may mắc phải COVID-19 cũng có một tình cảm tương tự. Đến ngày 14/4, Việt Nam  đã có 267 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 160 người từ nước ngoài đến, chiếm 59,9% và đã có 169 bệnh nhân khỏi bệnh. Các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đều rất xúc động bày tỏ lòng cảm ơn đối với hệ thống chính trị của nước ta, nhất là các bệnh nhân đến từ nước ngoài. Ông C.P.S. (66 tuổi, quốc tịch Anh) - bệnh nhân thứ 57 ở Việt Nam trong niềm xúc động ngày ra viện đã nói "Cảm ơn" bằng tiếng Việt để bày tỏ sự biết ơn đối với các bác sĩ đã ngày đêm nỗ lực điều trị cho mình. Ông chia sẻ: "Ở đây tôi được chăm sóc, điều trị hơn cả sự mong đợi của mình, tôi thấy thực sự hạnh phúc và biết ơn điều này".


 Bệnh nhân số 57 người Anh cúi đầu cảm ơn các bác sĩ Việt Nam ngày ra viện

Đó còn là vợ chồng bệnh nhân 28 Dixong John Garth (nam, 74 tuổi, Quốc tịch Anh) và vợ là bệnh nhân số 24 bà Shan đã khóc gửi lời cảm ơn các y, bác sĩ đã cứu giúp hai vợ chồng bà chiến thắng dịch bệnh COVID-19 với lời bày tỏ nghẹn ngào: “Rất biết ơn và ngưỡng mộ các y bác sĩ Việt Nam. Họ đã cứu tôi. Tôi nghĩ nếu ở Anh, chưa chắc tôi đã sống được”… Hay bức thư cảm ơn của vợ chồng bà Jayne Orviss và ông Peter Gillam, quốc tịch Anh, là bệnh nhân COVID-19 số 30 và số 49 được chữa trị tại Huế với lời lẽ thật giản dị nhưng chứa đựng tình cảm thật dạt dào: “Chúng tôi trở về nhà trong tình trạng cách ly xã hội và hàng ngày chứng kiến tin tức kinh khủng về tử vong tại hầu hết các thành phố của chúng tôi. So sánh tình trạng đó với cách làm đáng ngưỡng mộ, Việt Nam đã chống dịch COVID-19 thật sự quá tuyệt vời”, Jayne Orviss và Peter Gillam chia sẻ. Đồng thời trong thư họ cũng không quên bày tỏ tình cảm sẽ được quay lại Huế và mong được chào đón các y, bác sĩ đến tham quan nước Anh...

Tình người trong gian khó

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc ủng hộ phòng, chống COVID-19, nhiều nguồn lực trong xã hội đã được gửi tới MTTQ Việt Nam.

Cụ thể, sau hơn 3 tuần phát động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được số tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt trên 770 tỷ đồng; số tiền ủng hộ bằng tin nhắn qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia đầu số 1407 là trên 140 tỷ đồng và số tiền này đang tăng lên theo từng giờ.

Cùng với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ và đăng ký ủng hộ số tiền lên tới trên 700 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân số tiền trên 15,8 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, thực phẩm trị giá trên 13 tỷ đồng và các hàng hóa không tính được giá trị; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 146,1 tỷ đồng và hàng hóa, trong đó, hơn 127,8 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19… Và rất nhiều những món quà vật chất, tinh thần đã được trao thẳng đến những nơi cần đến mà không thể cân đong đo đếm được.

Kết quả này có được là nhờ vào những hành động đẹp của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay góp kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phòng chống dịch. Trong đó có nhiều doanh nghiệp tự nguyện chấp nhận thiệt hại lợi ích trước mắt để phục vụ nhiệm vụ chống dịch thành công. Từ đây tinh thần tương thân tương ái, lòng yêu nước luôn được nung nấu trong trái tim mỗi người Việt Nam thực sự lan tỏa. Dù ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đất nước gặp gian nguy, tinh thần đó đều được khơi dậy để mỗi người cùng chung tay với Đảng, Nhà nước, Chính phủ vượt qua khó khăn.

Khắp các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, nhiều chủ nhà trọ đã giảm tiền thuê nhà cho người lao động, thậm chí là miễn tiền thuê trọ ở các khu công nhân nghèo để họ giảm bớt một phần gánh nặng. Thậm chí có những chủ nhà trọ còn chủ động mua thêm gạo, mì tôm, thức ăn để giúp người lao động khó khăn khi chưa có lương hay thu nhập khác.

Hay những chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay kháng khuẩn, nước súc miệng… được phát miễn phí lại trở thành món quà tinh thần vô cùng giá trị của những người đang sống trong cơn “bão dịch”, dành tặng cho nhau. Thật nhiều hình ảnh đẹp trong những ngày toàn xã hội thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm tra và ngăn chặn quyết liệt sự lây lan của dịch COVID-19.


 Giá trị trong mỗi túi quà tặng không quá lớn, nhưng nó thực sự vô cùng có ý nghĩa
 trong thời khắc đầy khó khăn này

Tại nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Bến Tre, Quy Nhơn… xuất hiện những điểm phát nhu yếu phẩm cho người nghèo như gạo, mì tôm, trứng, sữa…. Không khó để thấy đâu đó, những nhóm thiện nguyện đã để những lời ngỏ thật “dễ thương”: "Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác". Thậm chí các phần quà được trao đến tận tay những người vô gia cư, bán vé số mất việc làm, lao động thời vụ bị ngưng không có bảo hiểm y tế, mất nguồn thu nhập do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Nhận tấm chân tình này, nhiều người nghèo đã phải thốt lên: "Mừng lắm vì từ hồi dịch đến giờ không có nguồn thu nhập gì cả. Phần quà này giúp gia đình đỡ được phần nào trong lúc khó khăn"; “Tôi thực sự biết ơn tấm lòng của những người nhường cơm sẻ áo cho người nghèo như chúng tôi"…

Đóng góp vào kết quả này có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị khi hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về toàn dân đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 và việc phát động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Đó còn là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông, những tổ chức từ thiện tự nguyện… Chính họ đã nhập cuộc trong việc tạo ra sự kết nối giữa những tấm lòng thơm thảo với những người khốn khó, mở rộng mạng lưới tương tác rộng khắp với mục tiêu chung, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào cần ứng cứu.

Triệu trái tim cùng chung nhịp đập

Trong hàng vạn tập thể, hàng nghìn cá nhân đang lan tỏa những hành động đẹp thì có những con người không thể không nhắc đến. Đó là hình ảnh những người cao tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ... gửi gắm đến tuyến đầu chống dịch. Điển hình cụ ông Cao Dược (104 tuổi, ở xã miền núi Trung Hóa) đến tận trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trao 2 triệu đồng để góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương đã thực sự là một hành động rất đẹp. Người mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba, cập kề tuổi 90 tuy lưng đã còng nhưng xách 5kg gạo đi bộ đến ủng hộ khu cách ly khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt.

Hay cụ Nguyễn Văn Thái, năm nay 89 tuổi (thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đạp xe chở theo 1kg gạo, 1 quả bầu, 1 bó rau muống, 1 túi rau vặt và 20 nghìn đồng tặng cho người dân cách ly của xã, nơi có 60 con em Thạch Hà từ nước ngoài về đang cách ly tập trung. Đó còn là cụ Đỗ Thị Mơ (84 tuổi ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) trước đạp xe lên xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã làm lay động hàng triệu trái tim cả nước, nay lại chầm chậm những vòng xe lên ủng hộ 2 triệu đồng chống dịch COVID-19. Đó là số tiền cụ trích ra từ 3,5 triệu đồng tích góp từ bán rau, bán trứng và con cháu biếu….  

Góp sức cùng các cụ cao niên có một người trẻ như anh Nguyễn Phan Huy Khôi (38 tuổi) với ý tưởng về chương trình "Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua COVID-19" dành cho người nghèo. Từ 9h sáng 5/4, trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), anh bày ra mặt bàn hàng chục túi nilong, phía trong mỗi túi đựng sẵn 2 gói mì tôm, 2 chiếc xúc xích và 2 quả trứng. Ở cạnh chiếc bàn, anh Khôi treo tấm băng rôn "Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Ý tưởng của anh Khôi nhận được sự hưởng ứng từ bạn bè trên facebook. Người góp tiền, người góp gạo, khẩu trang, có người còn góp 1.000 quả trứng hay 1.000 gói mì. Đến nay, tổng số tiền anh nhận được đã lên tới hơn 70 triệu đồng và rất nhiều nhu yếu phẩm khác. Riêng vợ chồng anh ủng hộ 100 triệu đồng và 393 kg gạo. Anh cũng đã tổ chức 5 điểm phát khác nhau trên địa bàn Thủ đô. "Khi tôi kêu gọi, có người ủng hộ lặng lẽ mà không để tên. Dịch bệnh thế này mới thấy nhiều người rất có tâm với cộng đồng", người đàn ông này chia sẻ ngắn gọn nhưng làm toát lên được những việc làm có ý nghĩa, thấy được tinh thần đoàn kết của nhân dân đang được khơi dậy mạnh mẽ…


 Gia đình ông Nguyễn Trọng Chinh đã đến MTTQ Việt Nam TP Hà Nội ủng hộ 150 triệu đồng

Góp phần vào sự lan tỏa, vào tấm lòng đó, còn có rất nhiều các cá nhân đã trích một số tiền không hề nhỏ của gia đình vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Đó là gia đình anh Nguyễn Trọng Chinh (ở C28 ngõ 210, Nghi Tàm, Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã đến MTTQ Việt Nam TP Hà Nội ủng hộ 150 triệu đồng. Nhưng khi nói về việc làm của mình, anh trả lời rất giản dị: So với những gì mà các y bác sĩ tuyến đầu đang chịu đựng hay nguồn kinh phí mà Nhà nước đã bỏ ra thì những đóng góp ấy của gia đình tôi có là gì. Tuy nhiên, dù nhỏ nhưng là cả tấm lòng.

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng góp phần vào công tác phòng chống dịch theo cách của mình một cách rất ấn tượng. Điển hình như hai anh em Trần Đức Phương và Bùi Lê Thảo Vy (học sinh lớp 9, ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 và phòng chống hạn mặn 200 triệu đồng. Số tiền này được hai anh em nuôi heo đất nhiều năm qua dành dụm tính đi du học. Khi đập ra đếm được mỗi con heo hơn 90 triệu đồng nên đã xin thêm ba mẹ cho thêm đủ 200 triệu đồng để chia sẻ với những người còn khó khăn, ủng hộ việc phòng, chống dịch.

Hay cậu bé Lê Minh Tuệ, lớp 2H, trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc, thành phố Hà Nội được mẹ đưa đến cơ quan Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm 467 nghìn đồng mà cậu bé dành dụm từ ngày học mẫu giáo. Đó còn là cô bé Hà Quỳnh Chi, 10 tuổi, học sinh lớp 5B trường Tiểu học Văn Miếu 1, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng quyết định đập lợn tiết kiệm được 1.148.000đ để chung tay phòng chống dịch. Cô bé Cao Nguyễn Bạch Dương, học lớp 4/2, Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng viết thư động viên các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch và cho biết do dịch nên luôn ở nhà tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly xã hội và gửi số tiền 1.052.000đ từ nuôi heo đất trong thời gian dài…

Ở độ tuổi nhỏ, các con không chỉ biết suy nghĩ cho bản thân, gia đình mà còn quan tâm cho xã hội. Có lẽ, những tấm lòng này chính là nhờ vào sự dạy dỗ ân cần của gia đình, của cha mẹ, những người đã dạy các con phải biết sống yêu thương, biết chia sẻ giúp đỡ mọi người. Hành động của các em chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong các đoàn viên, thanh niên cùng chung tay phòng chống dịch…

Trong "cuốn sổ vàng" ở khắp các địa phương trên cả nước còn rất nhiều tên những người, những “điểm sáng” vì cộng đồng mà chúng tôi không thể kể hết mà trong đó có nhiều người tóc đã bạc, lưng đã còng, từ những người lái xe ôm, anh thợ xây, các cháu học sinh…. Bằng tình cảm và sự chung tay trong trận chiến đấu chống "giặc" COVID-19, mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau đã và đang làm thổn thức bao trái tim và lan tỏa tinh thần cống hiến, trách nhiệm vì cộng đồng.

Chính những tấm lòng cao cả đó đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho những chiến sĩ tuyến đầu trên mặt trận chống dịch. Một thầy thuốc nơi tuyến đầu biên giới – Bệnh viện Cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh đã phải thốt lên rằng: “Cảm ơn vì trên đời này còn quá nhiều điều tốt đẹp, cảm ơn vì nhân dân thấu hiểu sự vất vả ngày đêm của đội ngũ y tế chúng tôi”.


 Bức thư bé Cao Nguyễn Bạch Dương, học lớp 4/2,
Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị với tinh thần đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Chia sẻ khi tiếp nhận số tiền ủng hộ của các tập thể, cá nhân, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, mỗi người một tấm lòng, một sự chung tay nhưng hành động nhỏ này lại mang ý nghĩa lớn, nó sẽ giúp cho đất nước có thêm niềm tin, thêm nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh và sẽ lan tỏa sự kết nối để có nhiều hơn nữa những tấm lòng tiếp tục ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể nói không có chiếc "đũa thần" nào thay thế sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp nhân dân ta sát cánh cùng Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Mỗi hành động nhỏ ấy đều thắp lên niềm tin yêu, hy vọng. Khó khăn rồi sẽ qua đi, dịch bệnh rồi sẽ kết thúc, nhưng những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa nhất của đời sống sẽ ở lại, bền lâu. Và hơn bao giờ hết, lòng yêu nước, tính năng động, sáng tạo, trí tuệ và bản lĩnh của con cháu Lạc Hồng đã được phát huy trong thời kỳ đầy cam go, thử thách này, nhưng sẽ mở ra tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam ta!

(dangcongsan.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi