Thứ Năm, 23/1/2025
Tin dân, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài
 
Đại hội Đảng bộ xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Trong đó, vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên nơi làm việc, nhân dân nơi cư trú, các tổ chức chính trị - xã hội cần được phát huy hơn nữa trong quá trình giới thiệu, bổ nhiệm để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài.

Đồng chí Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, từ sau công cuộc đổi mới đến nay, Đảng đã 5 lần chỉnh đốn. Đặc biệt, kể từ sau Đại hội XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng tiếp tục rà soát và chỉnh đốn một cách căn cơ hơn, với mong muốn làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Kết quả thời gian qua cho thấy, tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã bước đầu được đẩy lùi.

"Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã có gần 100 cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều Ủy viên Trung ương đương chức. Điều này cũng cho thấy, nhiều vấn đề cần quan tâm trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", đồng chí Nguyễn Túc phân tích.

Theo đồng chí Nguyễn Túc, việc phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường đòi hỏi phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa cái "tôi" và cái "ta", giữa cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, một số cán bộ, lãnh đạo đã không giải quyết tốt mối quan hệ này. Nhiều người sau khi được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, có quyền lực, thay vì phục vụ nhân dân, đất nước, bắt đầu vun vén cho bản thân, gia đình; dẫn tới hành vi tham nhũng, chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức... buộc Đảng, Nhà nước phải xử lý kỷ luật.

Trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng" mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng, để có thể phát hiện những người giàu nhanh, bất thường, nhiều nhà, nhiều đất, không thể chỉ dựa vào bộ máy Đảng, Nhà nước, mà quan trọng nhất là phải dựa vào dân. Do đó, phải công khai danh sách những cán bộ dự kiến đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để dân biết và giám sát.

"Nhiều vụ án nhờ dân phát hiện, cơ quan nhà nước mới vào cuộc. Bác Hồ đã từng nói: Có khó khăn gì, cứ về hỏi dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định: "Dân biết cả đấy". Vì vậy, muốn biết quan chức có bao nhiêu nhà, đất, có giàu nhanh hay không, chỉ cần hỏi dân là biết". Đồng chí Nguyễn Túc nêu rõ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ giúp Đảng tiếp nhận và thẩm tra lại xem ý kiến của người dân có đúng hay không.

Đồng quan điểm, đồng chí Dương Quang Phái, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng vào cấp ủy khóa tới. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong công tác nhân sự để nhân dân lựa chọn. "Chúng ta đừng bí mật trong công tác nhân sự, cứ công khai cho dân lựa chọn. Phải có các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của nhân dân mới hy vọng có bộ máy tốt", đồng chí Dương Quang Phái nhấn mạnh.

Dẫn câu nói của Bác Hồ "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong", nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt chỉ rõ, phải có phương pháp để nhân dân nói chung, đặc biệt là những người hiểu biết về cán bộ góp ý, đánh giá, giới thiệu, làm rõ những cán bộ đó có vấn đề gì, tốt hay xấu? Như thế mới có điều kiện, thông tin để đi đến lựa chọn, kết luận. Đảng lãnh đạo nhưng không dựa vào dân để nắm thông tin thì chắc chắn Đảng sẽ khó có đội ngũ cán bộ chất lượng.

Theo đồng chí Phạm Thế Duyệt, những người ở cơ quan, đơn vị, địa phương đó sẽ nhìn vào những việc làm cụ thể của cán bộ, đảng viên để xem cán bộ đó có xứng đáng hay không? có trong sạch không? Những đồng chí đó chí công vô tư hay có ý đồ tham vọng quyền lực... Những vấn đề này phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá mới có thể loại bỏ cán bộ yếu kém, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật trong thời gian qua là bài học cho vấn đề lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự. Việc lựa chọn nhân sự phải qua nhiều kênh khác nhau hơn nữa, không chỉ thông qua quy trình bổ nhiệm cán bộ do các cơ quan Đảng, Nhà nước thực hiện, mà cần chú ý lắng nghe phản ánh từ cử tri, người dân nơi công tác, nơi cư trú, cũng như từ các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để phát huy vai trò của người dân, thậm chí mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân lựa chọn, giới thiệu nhân sự, đặc biệt là công khai, minh bạch danh sách nhân sự giới thiệu vào các cơ quan Đảng, Nhà nước để dân biết và giám sát.

(TTXVN)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi