Thứ Sáu, 24/1/2025
Sức mạnh của đoàn kết, bản lĩnh và đồng lòng

 
Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đợt dịch này phức tạp hơn các đợt trước bởi những nguyên nhân chủ yếu như: biến chủng vi-rút phức tạp, khả năng lây lan nhanh và mạnh, nguồn lây đa dạng, nhiều ổ dịch khó kiểm soát… Chỉ tính riêng trong hai tuần đầu khi đợt dịch bùng phát, đã có 10 cơ sở y tế phải cách ly, phong tỏa, đáng chú ý trong đó có cả bệnh viện tuyến cuối. Theo thống kê, nếu như đợt dịch đầu tiên (kéo dài 85 ngày) có 100 ca bệnh trong cộng đồng, đợt dịch thứ hai (129 ngày) có 554 ca bệnh, đợt dịch thứ ba (57 ngày) có 910 ca bệnh, thì sau 5 tuần (35 ngày), đợt dịch thứ tư đã có hơn 4.000 ca bệnh. Những con số "biết nói" này đã phần nào cho thấy mức độ căng thẳng, phức tạp của làn sóng dịch thứ tư.

Nhằm đối phó với đợt dịch mới diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ đã có những điều chỉnh kịp thời, đưa ra nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt để phòng, chống với phương châm "tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, với nỗ lực lớn hơn, với hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nữa nhưng phải có trọng tâm trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa". Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương và ngành chức năng đã đẩy nhanh công tác truy vết, xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh, kịp thời khoanh vùng và dập dịch; tăng cường biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, thúc đẩy áp dụng công nghệ để hỗ trợ kiểm soát, truy vết nguồn lây. "Cuộc chiến" đặc biệt chống kẻ thù mang tên Covid-19 với nhiều phương thức linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn đã nhanh chóng được triển khai ở nhiều địa phương. Trong "cuộc chiến" này không ai được phép đứng ngoài cuộc, hay lơ là, chủ quan, vì rất có thể sự vô ý thức, thiếu trách nhiệm của một vài người sẽ có thể khiến cho nỗ lực của cả một tập thể bị đổ xuống sông, xuống bể. Chứng kiến những gì đã và đang diễn ra tại Bắc Giang, Bắc Ninh, chúng ta càng thấu hiểu hơn điều đó. Trong nắng nóng cao điểm của mùa hè, các nhân viên y tế, quân đội, công an... từ trung ương đến địa phương... đã chung tay, hỗ trợ, phối hợp khá nhịp nhàng trong triển khai các công việc phòng, chống dịch bệnh. Ðể kịp thời tiếp sức, "chia lửa" với đồng nghiệp tại các điểm nóng của dịch bệnh, nhiều tình nguyện viên là nhân viên y tế, sinh viên các trường đại học y, đại học điều dưỡng,… từ nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh,… đã lên đường vào tâm dịch. Nhờ vậy, dù diễn biến dịch phức tạp, lây lan nhanh nhưng về cơ bản đến nay đã được khống chế, nằm trong vòng kiểm soát.

Có thể thấy dù diễn biến của đợt dịch lần này hết sức phức tạp, số lượng ca mắc tăng cao, nhưng tâm thế của người dân là khá bình tĩnh, hợp tác chặt chẽ với chính quyền và cơ quan chức năng. Tại hầu hết các khu dân cư, công sở, đơn vị, trường học,… các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được tuân thủ nghiêm túc. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg (ngày 27-3-2020) và Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 31-3-2020) của Thủ tướng Chính phủ ở một số địa phương được chấp hành nghiêm túc, không còn tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Tình trạng tích trữ hàng hóa lương thực, găm hàng, đầu cơ trục lợi trang thiết bị y tế cơ bản được kiểm soát. Ðồng thời, cơ quan chức năng cũng tích cực triển khai tiêm vắc-xin cho lực lượng đang ở tuyến đầu, đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao,… giúp hình thành "lá chắn" ngăn chặn hữu hiệu sự lây lan của Covid-19. Ðể tăng cường nguồn lực, ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 nhằm tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua và nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Chủ trương này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, việc xã hội hóa nguồn kinh phí mua vắc-xin sẽ huy động sức mạnh của toàn xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã tích cực đóng góp kinh phí cho Quỹ, với mục đích phấn đấu để mọi người dân trong nước sớm được tiếp cận vắc-xin, tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương vẫn còn có biểu hiện quan liêu, thậm chí thờ ơ, thiếu trách nhiệm, một số người dân, tổ chức, vẫn còn chủ quan, phớt lờ khuyến cáo của ngành y tế, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng đã nghiêm khắc xử phạt nhiều trường hợp vi phạm như: không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, đăng thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch bệnh, tổ chức đưa người vượt biên trái phép và cư trú bất hợp pháp, không chấp hành quy định phòng, chống Covid-19 làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người... Mới đây, liên quan chuỗi lây nhiễm phức tạp từ Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, ngày 29-5, Cơ quan CSÐT Công an quận Gò Vấp TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". Sự vào cuộc kiên quyết, nghiêm khắc của cơ quan chức năng trong xử lý các sai phạm liên quan đến công tác dịch bệnh thời gian qua là hết sức cần thiết, nếu không ngăn chặn, xử lý sớm, rất có thể từ "lỗ hổng nhỏ" sẽ phát sinh hậu quả khôn lường, gây trở ngại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chống Covid-19 đang ngày càng căng thẳng, phức tạp.

Nỗ lực và quyết tâm của Ðảng, Chính phủ cùng các tầng lớp nhân dân nhằm chống lại dịch Covid-19 thời gian qua đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, được thế giới ghi nhận. Việt Nam vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, các nhóm đối tượng yếu thế được quan tâm, hỗ trợ kịp thời với tiêu chí không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng bất chấp thực tế đó, một số người lại lên mạng xã hội để đưa ra tiếng nói lạc lõng, phủ nhận thành quả của đất nước, lợi dụng dịch bệnh chỉ trích chế độ, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ… Có người không tìm hiểu thực tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở các nước phát triển như thế nào, việc mua vắc-xin khó khăn ra sao, vẫn cả gan viết "trong khi nhiều nước Âu, Mỹ đã tiêm vắc-xin được trên 50% dân số, họ gần đạt miễn dịch cộng đồng thì Việt Nam chúng ta vẫn đang oằn mình chống dịch", "cuộc sống của họ sắp trở lại bình thường, họ sắp sướng rồi, còn chúng ta vẫn đang chạy theo truy vết, cách ly, giãn cách xã hội", "chúng ta chỉ thắng một trận chiến, còn họ thắng cả cuộc chiến"! Thậm chí có người còn giễu cợt: "ta chống dịch hầu như/chủ yếu bằng bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh văn hóa Việt Nam, bằng những khẩu hiệu về đồng lòng quyết tâm, sự đoàn kết, tinh thần yêu nước, truyền thống nghìn năm vào một trận này, bằng cả những chuyến bay ngạo nghễ... chứ không phải hầu như/chủ yếu bằng tri thức khoa học dịch tễ, sức mạnh của ngành bào chế dược hiện đại, các phương pháp hợp lý cho cả một quá trình...".

Rất dễ để ngồi một chỗ chê bai, chỉ trích, xuyên tạc; và khách quan nhìn nhận, phân tích nguyên nhân, thực trạng của dịch bệnh, có thể thấy những ý kiến trên không chỉ thiếu thiện chí mà còn rất ác ý. Bởi đến nay, các đợt dịch tại Việt Nam được kiểm soát tốt, hạn chế ở mức thấp nhất số người chết, mọi trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, quan tâm chữa trị kịp thời. Ðời sống người dân vẫn cơ bản được duy trì bình thường giữa bối cảnh dịch bệnh. Nhìn lại năm 2020, trong khi đa số nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm, một số quốc gia còn lâm vào khủng khoảng, tỷ lệ thất nghiệp, bất bình đẳng trong xã hội gia tăng, biểu tình, bạo lực,… gia tăng, số người chết vì Covid-19 lên đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người, cuộc sống có lúc gần như trì trệ, thì ở Việt Nam, kinh tế vẫn tăng trưởng đạt mức 2,9%, được xếp vào nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Sang năm 2021, trong quý I, mức tăng trưởng của nền kinh tế đạt 4,48%, cao nhất khu vực Ðông - Nam Á. Ngày 21-5 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s Global Ratings (S&P - một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Mỹ, là một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới) ra thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng từ "Ổn định" lên "Tích cực". Cũng theo đánh giá của S&P, với mức tăng trưởng GDP năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo nhờ vào các giải pháp hiệu quả của chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19, khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu ở Ðông - Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững chắc. Cần phải nói thêm rằng, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng triển vọng lên mức "Tích cực". Vậy nên thiết nghĩ, thay vì tự cho mình cái quyền "đứng ngoài cuộc" để phách lối phán xét, những người có ý kiến nói trên nên đóng góp khả năng, điều kiện của bản thân để góp sức cùng Ðảng, Nhà nước và toàn dân phòng, chống Covid-19. Dịch bệnh không chừa một ai, sự thờ ơ, vô trách nhiệm của mỗi người đều có thể khiến tình hình trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Vì thế, đoàn kết, tỉnh táo, bình tĩnh và đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh để giành chiến thắng trong "cuộc chiến" đặc biệt này./.

(nhandan.vn)

Gửi cho bạn bè