Thứ Sáu, 22/11/2024
Kế sách quy tụ lòng dân của Nguyễn Trãi

“Không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”

Tháng 9/1406, 20 vạn quân Minh xâm lược Đại Ngu. Để lung lạc ý chí của nhân dân ta, chúng lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, cho khắc chữ lên rất nhiều tấm ván kể “mười tội lớn” của Hồ Quý Ly, đem thả xuống đầu nguồn để trôi theo dòng sông về xuôi. Đòn chiến tranh tâm lí ấy khiến một số quan chức bất mãn với nhà Hồ đi đón quân Minh và làm nội ứng cho chúng. Đến tháng 6/1407, dù kiên cường kháng cự với giặc nhưng cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Trước đó, khi được Hồ Quý Ly giao phó việc quân sự, Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Đánh giá về sự thất bại của triều Hồ, Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã viết: “Thất bại của Hồ Quý Ly có nguyên nhân của nó trong tổ chức và chỉ đạo chiến tranh và cả trong cải cách, nhưng đó là thất bại của một sự nghiệp anh hùng, của một con người anh hùng”.

Khi nhà Hồ thất bại, tông thất nhà Trần đã liên kết lại với nhau cùng nổi lên chống lại quân xâm lược cướp nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân cũng đã nổ ra. Sách “Bình định Giao châu lục” của nhà Minh viết: “Lúc bấy giờ từ Đông Quan về phía đông, giặc cướp nổi lên như ong, gọi là dẹp yên chỉ có một thành Giao Châu mà thôi”. Sử thần Ngô Thì Sĩ thì nhận xét: “Người Minh thống trị nước ta, tự nghĩ có thể lấy oai lực mà áp chế được; nhưng từ tháng 5 Đinh Hợi bắt được Hồ (chỉ cha con Hồ Quý Ly) rồi, tháng 10 vua Giản Định lại lên ngôi, nói đến vua Trùng Quang, trong 5, 6 năm, chiến tranh không thôi, mới biết là khó bình được”.

“Không đánh thành, chỉ đánh vào lòng người”

Năm 1416, Nguyễn Trãi trốn khỏi Đông Quan, và sau đó dâng “Bình Ngô sách” cho Lê Lợi ở Lỗi Giang, Thanh Hoá. Trong bài tựa “Ức Trai di tập”, Ngô Thế Vinh cho biết: “Bình Ngô sách” đã “hiến mưu chước lớn không nói đến việc đánh thành, mà lại khéo nói đến việc đánh vào lòng người”. Sau khi xem “Bình Ngô sách”, Nguyễn Trãi được Lê Lợi phong cho chức Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân.


 Đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi
tại Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương

Thuở đó, lòng dân còn phân tán. Muốn làm cho mọi người tin tưởng vào nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi sai người lấy mỡ viết vào lá cây trên rừng tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi). Kiến, sâu ăn mỡ khoét lá rỗng thành chữ, lá rụng trôi theo dòng nước đến khắp mọi nơi. Nhân dân cho là “ý Trời” thương dân mượn tay Lê Lợi, Nguyễn Trãi khử bạo trừ hung nên rủ nhau nườm nượp về Lam Sơn tụ nghĩa và dốc hết lòng vào cuộc kháng chiến thần thánh. Kết quả là “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Bình Ngô Đại Cáo).

Trong truyền thuyết Hồ Gươm, việc Đức Long Quân “trao” kiếm khắc hai chữ “Thuận Thiên” cho Lê Lợi và sau đó sai Rùa Vàng đòi lại kiếm tại hồ Lục Thủy (tên khác là hồ Tả Vọng) sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi chính là cũng là một cách “đánh vào lòng người”. Người tạo ra truyền thuyết này chính là Nguyễn Trãi. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, nội dung của truyền thuyết đã được Nguyễn Trãi đưa vào trong sách “Lam Sơn Thực lục”.

Ngoài những sự việc nói trên, Nguyễn Trãi còn giúp Lê Lợi làm nhiều việc thu phục lòng dân khác. Ngày 25 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân tiến vào Nghệ An, các chỉ huy khởi nghĩa Lam Sơn đã ra lệnh cho tướng sĩ: “Dân ta khốn khổ vì giặc đã lâu, phàm đến châu huyện nào mảy may không được xâm phạm”.

Nhân nghĩa là cội nguồn của cuộc sống. Có nhân nghĩa thì thành công, không nhân nghĩa thì thất bại. Bọn giặc Minh xâm lược đã: “Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế/ Gây binh, kết oán trải hai mươi năm/ Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời” (Bình Ngô Đại Cáo). Cho nên, “Lam Sơn Thực lục” cho biết, sau khi lệnh trên được thi hành, “nhân dân chẳng ai là không vui mừng, tranh nhau đem trâu, rượu ra đón khao dùng vào quân dụng”. Khi nghĩa quân Lam Sơn cho một bộ phận đột nhiên quay trở lại đánh úp Tây Đô thì nhân dân Thanh Hóa đều thi nhau đến cửa quân, xin hăng hái ra sức để mưu báo đền. “Lam Sơn Thực lục” cho biết thêm nữa, khi tiến ra Bắc, nghĩa quân Lam Sơn được nhân dân các lộ Đông Kinh cùng phiên trấn các xứ hân hoan, tranh nhau đem bò, dê, lương thực đến để khao tướng sĩ. Cuối năm 1426, khi quân ta tiến ra vây thành Đông Đô thì: “trong ba ngày đầu, nhân dân kinh lộ và các phủ châu huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn đều tấp nập đến cửa quân, xin ra sức liều chết để đánh thành giặc các nơi”.

Việc tổ chức Hội thề Đông Quan, để cho Vương Thông rút quân về nước cũng là một cách “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã đưa ra lý do là: “Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức/ Chẳng những mưu kế kì diệu/ Cũng là chưa thấy xưa nay”. Bởi lúc đó, thế ta đã thắng hoàn toàn, vì “Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng/ Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng” (Bình Ngô Đại Cáo). Việc tiêu diệt đạo quân Vương Thông “đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng” không chỉ giúp “dập tắt muôn đời chiến tranh”, “mở ra muôn thuở thái bình” mà còn giúp cho nhân dân ta và cả quân giặc và triều đình nhà Minh thấy được lòng nhân nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Bình Ngô Đại Cáo) - khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi cũng chính là do đây là đội quân lấy nhân nghĩa làm đầu. Có nhân nghĩa sẽ tạo ra được một đội quân không có kẻ thù nào có thể địch lại được. Đó chính là đỉnh cao của binh pháp “Đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi! Bởi thế, sau khi Vương Thông rút quân về nước, nhà Minh đã không dám xâm lăng nước ta thêm một lần nào nữa!

Trung Kiên (tổng hợp)

 

Gửi cho bạn bè