Không một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển và thịnh vượng không có, không gìn giữ và không nối đời vun đắp phẩm giá, tư chất, bản lĩnh, khí phách… làm nên địa vị, sức mạnh và uy tín quốc gia. Ấy là Quốc khí.
Việt Nam không nằm ngoài quy luật muôn đời, muôn thời ấy.
Nếu vị thế, hình ảnh, sức mạnh, danh dự, uy tín và ảnh hưởng của đất nước thể hiện một cách toàn vẹn, đa diện và thống nhất nằm ở mỗi người ngay từ bên trong và quốc gia trên tất cả các mối bang giao với các nước khác trên trường quốc tế làm nên Quốc thể Việt Nam thì Quốc khí Việt Nam là sự hàm chứa và tỏa sáng toàn bộ những tư chất mang tính chung và riêng, tính phổ quát và đặc thù làm nên dung mạo, hun đúc hồn phách quốc gia, làm nên thần thái, tỏa ra sức mạnh hiện hữu và hướng tới tương lai dân tộc, nhìn từ mọi phía một cách mạnh mẽ và vững bền. Và, nhân tố căn bản và quyết định cùng với hồn thiêng sông núi làm nên Quốc khí Việt Nam là gần 100 triệu đồng bào, trong đó rường cột là nhân tài, thì ấy là Nguyên khí Việt Nam.
Do thế, gần 100 triệu đồng bào nước Việt ta, nhất là những người đại diện của quốc gia không thể và càng không được phép làm một điều gì có thể làm tổn hại Quốc thể thì chính là vun đắp cho Quốc khí thịnh vượng, làm cho đất nước cường thịnh và xứng đáng với thế giới, lại cũng chính là góp phần chăm lo Nguyên khí vững bền để Đất nước phồn vinh, Dân tộc mãi mãi trường tồn. Ấy là vận khí và khí vận của Quốc gia.
*
* *
Sinh ra, phát triển và khẳng định mình ở một vị trí mang tầm vóc địa chính trị, địa kinh tế án ngữ ngã ba con đường giao lưu từ Á sang Âu, cũng là địa quân sự hiểm yếu nhìn ra Biển Đông, nối khắp những biển lớn: từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, đồng thời là nơi hợp lưu tiếp biến và thâu hóa những dòng văn hóa lớn lên mặt Bắc, xuống phương Nam, ra phía Đông… Việt Nam không chỉ đơn thuần bồi tụ và phát triển Quốc khí, mà bước theo tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và giao lưu quốc tế của mình, còn chăm lo Quốc khí ấy thành nguyên khí quốc gia.
Quốc khí, tức cái khí vận và vận khí của quốc gia, thì nguyên khí là khí đầu tiên, là thiên khí vậy. Ấy chính là tinh thần, tinh khí của con người Việt Nam vậy. Nó hàm chứa trong cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần của quốc gia. Bởi thế, cổ nhân nói: “Đạo trị nước, trước tiên là bồi dưỡng nguyên khí” (Trị quốc chi đạo, tiên tại dưỡng kỳ nguyên khí). Cổ nhân lại nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng là vậy.
Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm, có thể nói, dường như đất nước Việt Nam sinh ra cùng với lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhưng đầy máu và nước mắt của mình cùng sự tận cùng sinh tử của công cuộc bảo vệ, xây đắp và thống nhất giang san. Chỉ tính trong 2020 năm sau Công nguyên, dân tộc Việt Nam bước qua ngót nghìn năm Bắc thuộc. Trên thế giới, cho tới nay, chưa thấy một dân tộc nào sau cả nghìn năm lệ thuộc vẫn không bị đồng hóa, không mất giống nòi, vùng dậy và quét sạch làu vết nhơ nô lệ, giành lại giang san. Dân tộc tiếp tục kết liễu 13 cuộc đại chiến tranh xâm lược, đánh bại đủ loại giặc ngoại xâm hung bạo nhất của mọi thời đại đến từ phương Bắc, phương Đông tới phương Tây, vì Tổ quốc Việt Nam độc lập và thống nhất. Từ “Nam quốc sơn hà” qua “Bình Ngô đại cáo” tới “Tuyên ngôn độc lập”… tất cả dồn tụ, kết tinh và tỏa sáng Quốc khí Việt Nam: Đoàn kết - Quật khởi - Nhân ái - Hòa mục - Cầu thị - Thủy chung -Thích ứng - Can trường… Hệ giá trị Đất nước ấy theo thời gian trường cửu làm nên sức mạnh văn hóa vô địch giữ vững độc lập, tự do, thống nhất quốc gia, trở thành cái nôi nuôi dưỡng, phát triển dân tộc trường tồn và hòa nhập, trưởng thành cùng nhân loại mấy nghìn năm nay. Quốc khí còn thì Đất nước còn, Dân tộc còn.
Vì thế hiện nay, hơn hết bao giờ, chúng ta càng phải tự mình trở nên hùng mạnh. Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, dù kẻ thù tàn bạo thế nào, dù hung hiểm bao nhiêu suốt mấy nghìn năm qua, cũng không thể khuất phục và tiêu diệt được dân tộc Việt Nam độc lập và thống nhất. Chúng ta hiểu rằng, nước không độc lập, thống nhất tất biệt phái, phân ly và mất tự do; quốc gia không hùng mạnh thì nước khó lòng độc lập, thống nhất và nhân dân càng không có tự do, hạnh phúc. Đây chính là dân chủ và thước đo phát triển dân chủ và dân chủ phát triển tôn vinh Quốc thể Việt Nam.
Nếu không biết giữ lấy, đau đáu và chăm lo vun đắp Quốc khí ấy để Đất nước ngày càng tự mình độc lập, thống nhất, dân chủ và hùng cường, thì họa quốc gia suy vong, lệ thuộc mới sẽ tới và theo đó, thân phận mỗi người lâm vào vòng vong quốc nô mới, sẽ cận kề! Gần 100 triệu người Việt Nam, dù ở khắp hoàn cầu, cần một chữ Đồng, để giữ vững và tôn vinh vị thế, sức mạnh, danh dự và uy tín Việt Nam trước hoàn cầu! Đó là ý chí, lương tri, là nhân phẩm, đạo lý là bản lĩnh và khí phách Dân tộc ta suốt mấy ngàn năm dồn tụ, kết tinh và trở thành Quốc bảo Việt Nam, vì độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và hùng cường.
*
* *
Hơn bao giờ hết, hiện nay, thời kỳ cạnh tranh và phát triển mới của thế giới, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong không gian phẳng và tốc độ toàn cầu hóa, đã và đang mở ra những cơ hội phát triển mới mẻ chưa từng có, với quy mô, tốc độ đột phá nhưng cũng đặt ra những thách thức tụt hậu nan giải đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, trên quy mô toàn cầu trong một thế giới đầy biến động, cũng đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập, đua tranh mới, gay gắt của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam càng phải độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và hùng cường.
Đó là con đường phát triển duy nhất đúng, nếu muốn bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ tương dung với xu thế phát triển của thế giới. Càng không thể chờ đợi, cầu toàn hoặc thái độ do dự, ngập ngừng và càng không thể chấp nhận hành động nửa vời, chắp vá. Lúc này, đất nước chỉ có hoặc tụt hậu hoặc phát triển; trong thế giới hiện nay, không thể đứng im, cũng bởi hơn hết bao giờ, đứng im, dù ở bất cứ phương diện nào, cũng chính là tụt hậu, trong thế giới biến động khôn lường ngày nay.
Chúng ta phải đổi mới không chỉ tầm nhìn, quyết sách mà còn chỉnh đốn, sửa sang về nền móng căn bản, kế sách lâu dài, cơ chế chiến lược phát triển phù hợp với đất nước và thời đại: Đổi mới tầm nhìn chiến lược, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh dân tộc, thâu thái sức mạnh thời đại xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và bền vững, với khát vọng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và nhân văn, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Nếu chúng ta không định vị chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa dân tộc mình, đất nước mình, nhất định sẽ càng khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, và càng khó có cơ hội góp phần mình cùng nhân loại xây dựng thế giới. Đó là vận mệnh quốc gia, là danh dự của dân tộc! Pháp tốt nhất để định vị đất nước!
Khi thế giới càng toàn cầu hóa thì vấn đề dân tộc đối với mỗi quốc gia càng nổi lên như một mệnh đề quan thiết. Do đó, xử lý vấn đề dân tộc vì sự phát triển toàn cầu và chủ động tiên lượng nắm lấy tổng thể sự vận động toàn cầu để giải quyết cụ thể, thiết thực những công việc của dân tộc phải và đang trở thành mệnh lệnh hành động song trùng một cách tự nhiên và tất yếu.
Không có phương lược phát triển nào khác hơn là, trên đường văn hóa, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, phải trở thành động lực căn bản và to lớn trong tiến trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước; và trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách, vạch ra những phương pháp và những biện pháp riêng của mình. Chúng ta đi con đường của mình một cách độc lập và sáng tạo trên đường lớn nhân loại. Buông lơi, coi nhẹ điều đó là cầm chắc sự thất bại từ nền móng và từ ưu thế.
Vì thế, 22 năm tới, trong tầm nhìn tới năm 2045, trước mắt năm 2030, với công cuộc đổi mới sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp, hiện đại phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với bản lĩnh Việt Nam; nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế; thành viên của thế giới nhân văn, hòa bình và tiến bộ trong chỉnh thể hoàn cầu.
Đó là sự kết tinh Quốc khí thành danh hiệu Việt Nam, bắt đầu từ chỗ đứng Việt Nam, là sự lựa chọn mang tầm chiến lược, là lòng tin chính trị mang tầm quốc tế của đất nước trong thế giới đương đại.
Đó chính là văn hóa Việt Nam.
*
* *
Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, thế giới càng biến đổi khôn lường và không ngừng tái cơ cấu, theo đó hình thành những xu hướng phát triển mới mẻ.
Một cách tự nhiên, phải đổi mới tư duy và giải quyết hài hòa vấn đề cốt lõi của tất cả các mối quan hệ của Đất nước dù trong nước hay quốc tế mới có thể xây dựng và động lực phát triển quốc gia. Dù muốn hay không, càng tiếp tục đổi mới càng phải lại nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của đất nước một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng… tới quốc gia, dân tộc và với các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng.
Trải mấy ngàn năm qua, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là mục tiêu tối thượng. Hiện nay, càng phải bảo vệ nó trước bất cứ ai, trong bất cứ cảnh huống nào. Chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập tự do” càng phải tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi người. Làm trái đi chính là rước lấy nguy cơ có ngày mất nước. Không có độc lập, tự do và thống nhất không có bất cứ một sự tự quyết chính trị nào, càng không thể nói tới bất cứ một sự phát triển Đất nước xứng đáng nào.
Tất cả nhằm mục tiêu cao cả: Bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại. Lợi ích chính trị của đất nước Việt Nam phải là hạt nhân mà mọi sự đổi mới, dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu… đều xoay chung quanh nó, chứ tuyệt đối không phải ngược lại. Đây là cái bất biến chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Quốc khí Việt Nam theo đó mà thịnh vượng.
Đồng thời, phải chủ động đón bắt thời cơ phát triển. Hơn bao giờ hết, hiện nay, thời cơ chính là lực lượng. Phải nhất định chủ động nắm lấy một cách kiên quyết và hiệu quả cuộc cách mạng 4.0 để thực hiện công cuộc đổi mới vì sự phồn vinh của Tổ quốc, để đưa nước ta từ nước phát triển trung bình thấp thành nước phát triển, có thu nhập cao, bằng sự hóa giải thành công mâu thuẫn gay gắt bậc nhất giữa sự phát triển chậm chạp, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu về kinh tế với yêu cầu trở thành nước phát triển cao trong tầm nhìn năm 2045.
Vì thế, con đường tất yếu là đẩy nhanh cuộc đổi mới thời kỳ 4.0 mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với khát vọng trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI và giữ vững độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia, tiếp tục nâng cao hơn vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
*
* *
Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và phát triển của thế giới, thực tiễn xác tín, lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, cạnh tranh lớn nhất là cạnh tranh nhân tài. Không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà không thu hút và trọng dụng nhân tài. Mặt khác, kinh nghiệm cũng xác tín, muốn phát triển khác thường, phải có những con người khác thường. Việt Nam với khát vọng hùng cường, không thể đứng ngoài quy luật này.
Chúng ta không thể trở nên và trường tồn, nếu buông lơi việc trọng dụng con người, nhất là chưa đối đãi xứng đáng với những bậc hiền tài. “…Muốn thịnh trị phải được người hiền tài... Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Năm 1429, trong “Chiếu cầu hiền”, Lê Lợi đã tổng kết như thế. Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Nhân tài và kiến quốc”, với lời kêu gọi: “Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Đó là Nguyên khí Việt Nam.
Xưa nay, ở nước ta, đây là nhân tố tiên phong phát triển của bất cứ phương diện nào, ở bất cứ thể chế nào. Các bậc tiền hiền, kiệt hiệt: Chu Văn An, Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trãi… chính là những người như vậy. Những khuyến nghị cải cách của Chu Văn An với “Thất trảm sớ”, Nguyễn Trường Tộ với “Tế cấp bát điều”, Nguyễn Lộ Trạch với “Thời vụ sách”… vẫn đang là những bài học lớn trên phương diện này đối với chúng ta. Đất nước hai lần bỏ lỡ thời cơ cất cánh chỉ trong gần 200 năm suốt thế kỷ 18, 19. Đó là những sự phát kiến “bất thường” của những bậc kỳ tài vượt hẳn lên đương thời vị quốc vị dân nhưng “cô độc”.
Càng về cuối thế kỷ XX, lịch sử của chúng ta là lịch sử của sự phát triển rút ngắn, thậm chí là phát triển nhảy vọt, khi thời cơ lịch sử chín muồi và thế lực phát triển tới độ. Trong hai nhân tố thời cơ và lực lượng, những con người viễn kiến, đi tiên phong giữ vai trò đột phá thậm chí quyết định sự phát triển. Đó cũng chính là thời cơ phát triển. Bởi vậy, càng phải chăm lo Quốc khí ngay từ gốc, vun đắp Nguyên khí ngay từ căn bản. Đó là bài học lớn về trọng dụng con người và phát triển nhân tài và cũng là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn năm 2045.
Do đó, khâu đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển nhân tài mà rường cột là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Công cuộc đổi mới cần những người có cá tính sáng tạo khác thường: nhìn thấy những điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều ít ai dám nói, làm những việc không ai dám làm; chịu trách nhiệm khi không ai dám chịu trách nhiệm…; càng cần sự đột phá, sáng tạo, vượt trước… hoặc làm thay đổi thực trạng hoặc tạo ra điều mới chưa từng có hoặc tạo ra thời thế hoặc chuyển vần lịch sử hoặc tạo ra vận khí quốc gia hoặc thậm chí đảo lộn đời sống quốc gia, quốc tế, vượt thời đại… Nói gọn lại, cần những người có óc nghĩ trước, dũng cảm đi trước, tiên phong chịu trách nhiệm, thậm chí chấp nhận hy sinh trước, vì quốc gia dân tộc, một cách xứng đáng và ngang tầm. Đây là lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển bền vững chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị… phù hợp với quy mô, tốc độ, yêu cầu đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Hoàn thiện và thực thi Chiến lược Phát triển nhân tài quốc gia trong tầm nhìn 2045, trước mắt tới năm 2030, trong đó đội ngũ nhân tài quốc gia giữ vị thế xứng đáng, với tư cách là một quốc sách xứng tầm. Đổi mới cơ chế, hoàn thiện bộ thể chế tương dung bảo đảm sự hoạt động sáng tạo và thống nhất đội ngũ chính trị gia - chiến lược gia - quản trị gia - kỹ trị gia và khoa học gia, không kể nguồn gốc xuất thân một cách cách tổng thể, với phương châm: Trọng thị - Trọng dụng - Trọng đãi thật cầu thị và chân thành, thật công bình và chính trực, thật dân chủ và khoa học, thật quang minh và chính đại mang tầm chiến lược. Ở đây, không có chỗ cho sự hẹp hòi, thiển cận, cục bộ, càng không dung thứ cho sự kỳ thị, sợ hãi và vô nhân văn.
Hơn hết bao giờ, giữ vững bản lĩnh chính trị quốc gia, trước hết định vị và tập trung ở bản lĩnh chính trị, văn hóa chính trị của đội ngũ lãnh đạo quốc gia, giữ vai trò tiên phong và động lực cực kỳ quan trọng. Nó phải là sự kết tinh và hội tụ ở đó không chỉ trách nhiệm chính trị, trí tuệ, sự tinh tế, tinh thần dân tộc mà thấm đẫm cả lương tri, sự kinh lịch, sự khoan dung và chủ nghĩa nhân văn, mang hồn cốt, tinh hoa và khí phách của văn hóa truyền thống và hiện đại Việt Nam, trong tầm nhìn toàn cầu.
*
* *
Công cuộc đổi mới trong tầm nhìn năm 2045 đang thách thức, nếu không dũng cảm đổi mới sáng tạo, không phát huy Quốc khí, không nâng niu Nguyên khí, nhất định không có sự đột phá giải phóng mọi tiềm năng và thực lực phát triển nào như mong muốn, càng rất khó có sự bứt tốc thành công nào như mơ ước.
Đó là cương lĩnh hành động, là thước đo hiệu quả của công cuộc đổi mới, là nhân tố tiếp tục phát triển hệ giá trị vì Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và hùng cường.
Lịch sử không chờ đợi!
TS. Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản