Thứ Sáu, 24/1/2025
Nhu cầu, nguyện vọng và những vấn đề thanh thiếu niên quan tâm trong các hoạt động chính trị - xã hội hiện nay

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết quan trọng, được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp thể hiện rõ trong Hiến Pháp năm 2013, Luật Thanh niên 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, Luật Thanh niên 2020 và Nghị định số 13/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/3/2021 khẳng định rõ vai trò của các cơ quan chức năng và trách nhiệm của xã hội đối với thanh niên là phải luôn “tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên”. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu niên Việt Nam, có nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu niên, từ đó có những phong trào, hoạt động, sân chơi để đoàn kết, tập hợp, thu hút thanh thiếu niên cùng học tập, rèn luyện, cống hiến cho nhà nước và xã hội. Trong những năm gần đây, những biến động khó lường của bối cảnh tình hình thế giới và khu vực cùng với những khó khăn, thách thức về mọi mặt mà đất nước đã, đang phải đối mặt đã có tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng, nhận thức, thái độ và hành động của thanh thiếu niên trong tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Chính vì vậy, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và những vấn đề thanh thiếu niên quan tâm trong các hoạt động chính trị xã hội” là cần thiết.

1. Sự quan tâm của thanh thiếu niên trong hoạt động chính trị - xã hội

Theo kết quả điều tra của nghiên cứu của tác giả tại Viện Nghiên cứu Thanh niên (2023), thanh thiếu niên có sự quan tâm nhất định đến các sự kiện và hoạt động chính trị - xã hội, với hơn 50% thanh thiếu niên bày tỏ sự quan tâm ở hầu hết các sự kiện, vấn đề nổi bật trong năm qua (1).

Về các hoạt động chính trị - xã hội gắn liền với các vấn đề trong xã hội,, thanh thiếu niên quan tâm đến các vấn đề sau: Các hoạt động đối thoại với lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng và liên kết lực lượng, địa bàn, cộng đồng trong các hoạt động Đoàn.

Về các hoạt động chính trị - xã hội gắn liền với cuộc sống cá nhân, thanh thiếu niên chủ yếu quan tâm đến vấn đề làm từ thiện, các hoạt động vì cộng đồng.

2. Nhu cầu của thanh thiếu niên trong hoạt động chính trị - xã hội

Lòng yêu nước, tự hào dân tộc là một giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam và đang được thanh niên Việt Nam kế thừa, phát huy mạnh mẽ. Trong nhận thức của thanh thiếu niên ngày nay các giá trị lịch sử, đạo đức, truyền thống, dân tộc có ý nghĩa lớn đối với thanh thiếu niên. Thanh thiếu niên có thái độ tích cực đối với giá trị văn hoá dân tộc, giá trị truyền thống của người Việt Nam và có tình yêu đối với đất nước, Tổ quốc, tinh thần tự cường dân tộc, ý thức về chủ quyền đất nước và thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội chủ nghĩa.Việc thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của người công dân đã được phát động rộng rãi trong thanh thiếu niên, được lồng ghép vào các phong trào, hành động của tuổi trẻ cả nước như hoạt động tình nguyện xã hội; phát triển kinh tế tại các địa bàn khó khăn; tham gia học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham gia bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp,… thu hút được số lượng lớn thanh thiếu niên tham gia (2). Ngoài ra, thanh thiếu niên có thể là sẵn sàng đứng lên tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, có thể là tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hay đơn giản thông qua các hành động kêu gọi, cổ vũ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trên internet, mạng xã hội.

Hiện nay, những nhu cầu mà thanh thiếu niên cho rằng quan trọng nhất bao gồm: bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; giữ gìn trật tự an toàn giao thông và bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (3). Nhìn chung, các hoạt động tham gia chính trị xã hội mà thanh niên coi trọng là các hoạt động nổi cộm trong xã hội Việt Nam hiện nay.Bên cạnh đó, đa số thanh thiếu niên đã bước đầu hình thành trong mình khát khao, hoài bão rèn luyện, phát triển bản thân, cống hiến cho đất nước, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn, gian khổ. Để giữ gìn và bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, phần đông thanh thiếu niên có nhu cầu sẵn sàng lên tiếng trước cái sai, cái xấu, cái tiêu cực, đặc biệt là có tinh thần đấu tranh với những luận điệu kích động, xuyên tạc, thù địch ảnh hưởng đến đất nước. Điều này cho thấy nhu cầu của thanh niên trong tham gia các hoạt động cống hiến, đóng góp cho xã hội là khá lớn.

Ở khía cạnh khác, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch ra sức chống phá sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta, kể cả sử dụng sức mạnh mềm tấn công trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, thanh thiếu niên đã tích cực phát huy vai trò tiên phong, xung kích trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thành tựu của công cuộc đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, thanh thiếu niên cũng có ý thức cảnh giác, tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng như: cảnh giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh với những thông tin sai trái, độc hại, tìm hiểu thông tin trên những trang thông tin, bờ báo chính thống, tin cậy, hạn chế sử dụng mạng xã hội trừ trường hợp cần thiết và phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt, thanh thiếu niên cũng có những hoạt động tích cực trong phòng chống các tin xấu, độc, tin giả như: tự trang bị những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin, nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên internet, mạng xã hội và không tiếp tay, lan truyền các thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội (4).

Có thể nói, phản ứng phù hợp cùng với ý thức, tâm thế sẵn sàng đấu tranh chống các thông tin tiêu cực, sai trái càng khẳng định thêm nhu cầu tham gia các hoạt động chính trị-xã hội của thanh niên hiện nay.

3. Khó khăn của thanh niên trong hoạt động chính trị - xã hội

Trong hoạt động chính trị - xã hội, những khó khăn lớn nhất mà một bộ phận thanh thiếu niên gặp phải khi tham gia các hoạt động này đó là chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin để trao đổi, chia sẻ quan điểm của hay thiếu sự chia sẻ từ cơ quan nhà nước, nhà quản lý về sự tham gia của thanh thiếu niên. Ngoài ra, một số khó khăn vẫn còn tồn tại khi thanh thiếu niên tham gia hoạt động chính trị - xã hội đó là chưa được tạo môi trường để khuyến khích bày tỏ ý kiến và thiếu thông tin về các hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Những khó khăn thanh thiếu niên ít gặp phải hơn là tỉ lệ thanh niên tham gia các cơ quan dân cử, cấp ủy còn thấp và thiếu các diễn đàn kết nối thanh thiếu niên Việt Nam trong và ngoài nước (5).

Nhìn chung, những khó khăn mà thanh niên gặp phải khi tham gia các hoạt động chính trị - xã hội chủ yếu liên quan đến khả năng, kiến thức, kinh nghiệm và sự tự tin của thanh thiếu niên khi tham gia chia sẻ quan điểm, những góp ý của bản thân và thiếu sự quan tâm hỗ trợ, coi trọng của các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, một số khó khăn khác như chưa được tạo môi trường để khuyến khích bày tỏ ý kiến và thiếu thông tin về các hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng là một vấn đề mà các cấp bộ Đoàn cần lưu ý để có thể tạo một môi trường cho thanh thiếu niên có thể tham gia, bày tỏ tiếng nói trong việc tham gia các hoạt động xã hội.

4. Nguyện vọng của thanh niên trong các hoạt động chính trị - xã hội

* Nguyện vọng được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý thức phấn đấu trở thành đảng viên của thanh thiếu niên thể hiện rõ ở mong muốn, nguyện vọng trở thành đảng viên của thanh thiếu niên. Hiện nay, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là mong muốn và là mục tiêu phấn đấu của nhiều thanh thiếu niên. Những lý do chủ yếu khiến thanh thiếu niên mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam là có cơ hội được cống hiến cho xã hội; mục tiêu lý tưởng mà bản thân đang theo đuổi chính là mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng và gia nhập tổ chức Đảng để được rèn luyện, trưởng thành(6).

* Nguyện vọng tham gia các hoạt động chính trị - xã hội

Nhằm tăng cường sự tham gia của thanh thiếu niên vào các hoạt động chính trị xã hội, Đoàn cần lắng nghe và tiếp thu những nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong việc cải thiện các hoạt động chính trị - xã hội. Trong đó, có 04 vấn đề thanh thiếu niên kỳ vọng nhất đối với tổ chức, Đoàn Hội trong thời gian tới là: Xây dựng các mô hình hoạt động, phong trào đa dạng, có tính mới mẻ; truyền cảm hứng về tinh thần khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tôn trọng và lắng nghe ý kiến thanh niên và kịp thời hỗ trợ, khen thưởng khi thực hiện các hành động đẹp, những việc có ích cho đất nước (7).

Nhìn chung, một môi trường lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng là một trong những yếu tố quan trọng để thanh thiếu niên được thể hiện tiếng nói, thể hiện bản thân và học hỏi những điều tốt đẹp từ những cá nhân xuất sắc khác. Tăng cường các hoạt động tình nguyện, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả và tuyên dương những người có thanh tích xuất sắc, những hành động đẹp trong xã hội là những điều mà các cấp bộ đoàn cần quan tâm chú ý nhằm phát triển và khuyến khích sự tham gia của thanh niên trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Như vậy, thanh thiếu niên hiện nay quan tâm đến nhiều vấn đề hoạt động chính trị - xã hội và bày tỏ nhiều nhu cầu, nguyện vọng trong tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Để đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu niên, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

* Đối với Đảng, Nhà nước:

Đẩy mạnh công khai, minh bạch và kịp thời đưa các thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước đến với thanh thiếu niên; khuyến khích thanh thiếu niên trao đổi, góp ý, kiến nghị về các vấn đề của nhà nước qua các kênh thông tin chính thống, nhất là qua các trang thông tin của Đoàn, Hội, tổ chức thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Định kỳ tổ chức đối thoại với thanh niên cũng như có nhiều hình thức khác để thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của thanh niên.

* Đối với Đoàn Thanh niên:

Một là, Đoàn thanh niên cần thường xuyên nghiên cứu, đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình, hoạt động, phong trào để đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên, xác định bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thanh thiếu niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Hai là, thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và những vấn đề mà thanh thiếu niên quan tâm trong các hoạt động chính trị - xã hội; chủ động tham mưu, đề xuất, thực hiện các hoạt động đối thoại định kỳ giữa thanh thiếu niên và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ba là, thường xuyên và quyết liệt theo dõi, rà soát, nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên theo tinh thần của Luật Thanh niên 2020, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Kịp thời có ý kiến phản biện đối với các dự thảo chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên.

Bốn là, phát huy vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa, Đoàn cần chủ động tổ chức, lồng ghép các chương trình, hoạt động giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên. Các kênh thông tin, truyền thông của Đoàn cần hoạt động tích cực hơn nữa trong việc truyền tải các thông tin chính thống đến với thanh thiếu niên.

Năm là, thường xuyên quan tâm trang bị các kỹ năng giúp thanh niên tham gia hoạt động chính trị - xã hội; tư vấn, hướng dẫn cách thức tham gia vào các hoạt động xã hội phù hợp; tổ chức, mở rộng các diễn đàn thân thiện, cởi mở với thanh thiếu niên./.

ThS. Nguyễn Văn Quý, Viện Nghiên cứu Thanh niên

_______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (3), (5), (7) Nguyễn Văn Quý (2023), Điều tra nhu cầu, nguyện vọng và những vấn đề thanh thiếu niên quan tâm trên các lĩnh vực đời sống xã hội, ĐT.KXVTN.23-02, Viện Nghiên cứu Thanh niên.

(2), (4), (6) Viện Nghiên cứu Thanh niên (2022), Báo cáo thường niên về tình hình thanh niên và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên năm 2022.


[1]https://thanhnien.vn/nguoi-tre-mong-muon-gi-tu-doan-185938159.htm

Gửi cho bạn bè