Thứ Tư, 25/12/2024
Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
 
Hội nghị giao ban cộng tác viên dư luận xã hội cấp Đảng ủy Khối phiên thường kỳ tháng 10/2024 


Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác
nắm bắt và định hướng DLXH, thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, gắn công tác dư luận xã hội với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/ĐUK, ngày 01/9/2016 về tăng cường xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương Kết luận số 05-KL/ĐUK ngày 06/12/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/ĐUK góp phần thúc đẩy hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội của Đảng ủy Khối và cấp ủy các cấp ngày càng bài bản, tích cực, đi vào chiều sâu theo tinh thần Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư “về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy Khối, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối luôn tích cực, chủ động tham mưu, triển khai công tác nắm bắt và định hướng DLXH với nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng cách thức, hình thức nắm bắt, tổng hợp tình hình dư luận xã hội thông qua các cuộc họp, giao ban đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp Đảng ủy Khối định kỳ hằng tháng, hội nghị báo cáo viên cấp Đảng ủy Khối, hội nghị thông tin chuyên đề; qua các cuộc điều tra dư luận xã hội theo chuyên đề, đề tài; qua hệ thống thông tin liên lạc, internet, mạng xã hội (điện thoại, email, facebook, zalo...);... nhằm kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý với Đảng ủy Khối, qua đó góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc luôn quan tâm, phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trong việc nắm tình hình dư luận đối với nhiều vấn đề quan trọng như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước, sự điều hành hoạt động của Chính phủ; các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; tình hình thời sự trong nước và quốc tế; những vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đặc biệt chú trọng vào các nội dung như: thực hiện các đề án, chương trình, quyết sách lớn, nghị quyết các kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Việc thu thập ý kiến của các tầng lớp nhân dân vào các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Trung ương khi thực hiện nhiệm vụ tham mưu đã tiến hành thường xuyên, như lấy ý kiến vào văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, dự thảo luật, các đề án... Các hoạt động này không chỉ đảm bảo nguyên tắc dân chủ mà còn là kênh quan trọng để nắm bắt tình hình DLXH, tư tưởng, nguyện vọng và mong muốn của cán bộ, đảng viên. Dựa trên đó, việc đánh giá diễn biến thái độ, tâm tư, tình cảm, và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện.

Đảng ủy Khối yêu cầu các đảng ủy trực thuộc tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa đảng ủy với đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác chính trị tư tưởng, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị qua đó thể hiện trách nhiệm cao của cấp ủy và người đứng đầu, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự ổn định trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, việc thực hiện các nghị quyết và quy định của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua nắm bắt DLXH đang được triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả, nhiều bài viết chính luận sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học đã giúp định hướng và tăng cường vai trò và trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc nắm bắt diễn biến DLXH của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối ngày càng được nâng cao. Việc nắm bắt DLXH giúp cấp ủy đảng và lãnh đạo các cấp kịp thời xử lý, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những vấn đề bức xúc phát sinh một cách nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng gia tăng và làm phức tạp hơn, khó giải quyết, thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Thông qua việc nắm bắt DLXH giúp tăng cường quan hệ giữa cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời cũng giúp cấp ủy đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị giám sát và đánh giá hiệu quả của các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với cơ quan, đơn vị, từ đó đưa ra những điều chỉnh và biện pháp, quyết sách phù hợp với thực tiễn, nhất là có thể đánh giá tình hình, nhận định, đón đầu trước các xu thế để có biện pháp chủ động trong quá trình lãnh đạo, điều hành, tránh vào thế bị động, bất ngờ, từ đó góp phần xây dựng niềm tin và tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến  nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đang dẫn đến những thay đổi căn bản trên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một lượng thông tin đa dạng và phong phú, vừa là thuận lợi cho việc tiếp cận, nhưng cũng đồng thời làm gia tăng hiện tượng nhiễu loạn và ô nhiễm thông tin.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng gây ra sự chênh lệch và phân hóa ngày càng gia tăng giữa các tầng lớp trong xã hội. Các thế lực thù địch lợi dụng các nền tảng mạng xã hội và các kênh thông tin cá nhân để lan truyền nhanh thông tin sai lệch, bóp méo sự thật và gieo rắc sự hoài nghi, gây hoang mang và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tình trạng này đã dẫn đến việc một số cán bộ và đảng viên không giữ vững lập trường tư tưởng, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, để lại nhiều bài học đau xót từ các vụ việc được xử lý. Bên cạnh đó, công tác nắm bắt và định hướng DLXH vẫn còn một số tồn tại hạn chế, có những vụ việc chậm được nắm bắt và xử lý kịp thời, công tác dự báo và ứng phó bị động; giải pháp xử lý chưa thực sự hiệu quả, thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chặt chẽ…

Trước những thách thức mới từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, việc chủ động nắm bắt DLXH để nhận diện từ sớm, từ xa diễn biến tư tưởng, cũng như các ý kiến và thái độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các chủ trương lớn của Đảng, những vấn đề chiến lược trong phát triển đất nước là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương xác định cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nắm bắt và định hướng DLXH, gắn công tác DLXH với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy và của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ động, thường xuyên nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng để có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề nảy sinh, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác nắm bắt, định hướng DLXH. Đi kèm với đó là tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản, quy chế, quy định để tạo cơ chế thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác DLXH.

Hai là, đa dạng hóa hình thức nắm bắt thông tin DLXH theo nhiều chiều hướng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao độ chính xác, khoa học và kịp thời của công tác này; kết hợp các hình thức nắm bắt DLXH trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo thông tin được thu thập nhanh chóng và chính xác. Đồng thời, củng cố và tăng cường hiệu quả mạng lưới nắm bắt và phản ánh thông tin DLXH; tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên để nắm bắt ý kiến, tâm tư và thắc mắc của cán bộ, đảng viên, từ đó có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc không để kéo dài và trở thành điểm nóng và kịp thời tiếp nhận những ý kiến, đóng góp giải pháp phục vụ cho công tác điều hành, quản lý của các cấp ủy đảng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Ba là, phát huy vai trò dẫn dắt và định hướng thông tin của các cơ quan báo chí và truyền thông để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh việc đăng tải thông tin chính thống về đường lối, chủ trương và quyết sách của Đảng và Nhà nước trên các báo, tạp chí của ban, bộ, ngành; phát huy vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc ứng phó với thông tin giả mạo. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách.

Bốn là, tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ làm công tác DLXH và đội ngũ cộng tác viên DLXH; xây dựng chủ trương, giải pháp, cơ chế, quy chế phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ cộng tác viên. Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên và cán bộ làm công tác dư luận xã hội các cấp trong việc tích cực gắn kết, mở rộng mạng lưới. Thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên nền tảng truyền thông xã hội phục vụ công tác nắm bắt và định hướng DLXH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội. Đi kèm với đó là đầu tư các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính thống, nguồn thông tin đáng tin cậy, nội dung thông tin chính xác, đầy đủ về những vấn đề dư luận quan tâm nhằm nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản công tác ứng phó với khủng hoảng thông tin nếu xảy ra.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội, dự báo tình hình theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, minh bạch hóa thông tin, gia tăng tương tác giữa cấp ủy, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và nhân dân qua các kênh trực tuyến; tăng cường phản bác những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng./.

Hà Thị Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi