Chủ Nhật, 24/11/2024
Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân - bước tiến trong xây dựng và thực hành pháp luật về dân chủ

(Danvan.vn) Ngay từ những năm đầu lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và sau này là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm thực hành dân chủ, đặc biệt là dân chủ trực tiếp qua trưng cầu ý dân. Hiến pháp năm 1946 đã quy định cụ thể những vấn đề Nhà nước phải đưa ra để nhân dân phúc quyết cũng như thủ tục tiến hành. Hiến pháp năm 1959, việc trưng cầu ý dân được quy định trong Điều 53 (giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định); Hiến pháp năm 1980 cũng quy định việc trưng cầu ý dân trong Điều 100 (giao Hội đồng Nhà nước quyết định), Hiến pháp năm 1991 và Hiến pháp năm 2013 đều quy định Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên do nhiều lý do chủ quan và khách quan việc thực hiện trưng cầu ý dân và xây dựng pháp luật về trưng cầu ý dân chưa thực hiện được. Đến nay, trong điều kiện đã có sự trưởng thành đáng kể của hệ thống chính trị, đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh, là căn cứ, điều kiện chín muồi để xây dựng Luật Trưng cầu ý dân nhằm khẳng định và thực hiện trên thực tế quyền quyết định trực tiếp của nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Ngày 26/11/2011, trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIII, đa số các đại biểu Quốc hội đã thống nhất đưa vào chương trình xây dựng Luật Trưng cầu ý dân.

Ngày 25/11/2015, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân với đa số đại biểu tán thành. Việc Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu ý dân là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức cao của nền dân chủ XHCN, góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quan lý, Nhân dân làm chủ.

Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều quy định cụ thể, chi tiết về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Trong đó có những điểm đáng chú ý:

Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định của Luật này. Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân. Trường hợp có từ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Việc kiến nghị và tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Về các vấn đề trưng cầu ý dân quy định: Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: 1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; 2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; 3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; 4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày Chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân là: Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố. Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu; Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp phải được hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực từ ngày công bố.

Giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của pháp luật và được giao cho: 1. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân. Bỏ phiếu trưng cầu ý dân lại trong các trường hợp: Ủy ban thường vụ Quốc hội hủy bỏ kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở khu vực bỏ phiếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bỏ phiếu lại ở khu vực bỏ phiếu đó; Trong trường hợp bỏ phiếu trưng cầu ý dân lại thì ngày bỏ phiếu được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bỏ phiếu đầu tiên.

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Luật Trưng cầu ý dân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất