Nhìn lại 30 năm đổi mới, từ những thành tựu cũng như những hạn chế, khuyết điểm, Đại hội XII của Đảng rút ra 5 bài học hết sức quan trọng, trong đó có bài học “Đổi mới phải luôn quan triệt quan điểm “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Từ ngày có Đảng, Đảng ta và Bác Hồ đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, thương dân, ý thức dân là gốc của ông cha ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người còn khẳng định “việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được quân chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh”.
Văn kiện đại hội XII cũng chỉ rõ, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Trên cơ sở đó, ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ xã hội được nâng lên. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phương, thị trấn có tiến bộ. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực đời sống và kinh tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau.
Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ quyền và lợi ích của dân
Văn kiện Đại hội XII cũng chỉ rõ, nhận thực về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ với kỷ cương, pháp luật còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức, có tình trạng lợi dụng dân chủ dây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội.
Ông Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, để thực hiện quan điểm “dân làm gốc”, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân cần tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.
“Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”- ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đại hội XII đặt ra phải tiếp tục được thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. Nhân dân rất quan tâm việc Nhà nước sớm có các văn bản pháp luật quy định rõ những nội dung được biết, dân được bàn, nhất là các nội dung và các chế tài được dân kiểm tra, giám sát. Một số Nghị định về nội dung này đã được Chính phủ ban hành nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ, cần được rà soát, bổ sung kịp thời.
TS Thào Xuân Sùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” tức là mọi việc điều phải bắt đầu từ cán bộ, dựa vào cán bộ có tâm, có tầm, có đạo đức cách mạng, có năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, có phương pháp công tác và kỹ năng vận động thuyết phục quần chúng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra vì lợi ích của nhân dân.
Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân
Trong toàn bộ hoạt động, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” và các mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng và thích hợp để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác dân vận là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, đảm bảo kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước phải thực sự vì lợi ích của nhân dân, phát huy mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
“Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân. Xa rời, đi ngược lợi ích của nhân dân, đổi mới sẽ thất bại. Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là một nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới phải dựa vào nhân dân, phải luôn luôn quán triệt quan điểm dân làm gốc”.
Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân để nhận dân thực sự là chủ thể tiến hành đổi mới và thụ hưởng các thành quả đổi mới. Muốn vậy, cần phải phát huy cao quyền làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
GS.TS Lê Hữu Nghĩa để khôi phục và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, để dân ủng hộ, dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân. Cần tạo điều kiện, cơ chế để nhân dân góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, nhân dân thực hiện vai trò giám sát phản biện đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các đoàn thể xã hội. “Cần có những hình thức, cơ chế để phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là chủ thể của quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đánh của nhân dân, được nhân dân tham gia góp ý kiến trong mọi khâu của quá trình từ đưa ra quyết định đến tổ chức thực hiện”./.
Nguồn: vov.vn/Minh Hòa, 5/9/2016