|
Ảnh minh họa |
Chuyện không bằng “cái móng tay” này được bào Người Lao động đăng tải trong bài “Nhân viên cấp cứu... đi bán vé số”.
“Vào sáng 18-8, Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM đã nhận được cuộc gọi của người dân đến tổng đài 115, thông báo có một cụ ông bán vé số gần 70 tuổi bị trượt chân ngã trên đường, nghi ngờ có hiện tượng gãy xương và không có người thân. Ê kíp cấp cứu gồm 3 bác sĩ, điều dưỡng đã tiếp cận hiện trường, xử lý ban đầu bên chân phải bị gãy và chuyển ông Hồng đến Bệnh viện Trưng Vương (quận 10 - TP HCM), một bệnh viện sát bên Trung tâm Cấp cứu 115 để các nhân viên cấp cứu có thể tiện xử lý khi nạn nhân không có thân nhân đi kèm.
Khi gặp nạn, ông Hồng (tên nạn nhân) vừa nhận xấp vé số tại đại lý và chỉ bán được vài tờ. Một số người dân tại hiện trường thông cảm, đã mua giúp ông 50 tờ. Khi chuyển nạn nhân đến bệnh viện, các nhân viên cấp cứu phát hiện trên tay ông cũng còn tồn khoảng 50 tờ vé số.
Thấy hoàn cảnh nạn nhân nghèo, neo đơn, sợ ông phải "ôm" hết số vé còn lại nên hai điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu 115 là chị Huỳnh Thị Ngọc Huyền và anh Phạm Đình Phúc đã tình nguyện đi bán giúp ông. Rất may sau đó nhiều nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Trưng Vương đã mua toàn bộ số vé. Một điều dưỡng khác cũng vận động được 1 triệu đồng để tạm thời hỗ trợ ông trong thời gian điều trị…”.
Câu chuyện chỉ có thế thôi và chắc những y bác sĩ ở đây cũng không ngờ nó lại được nhiều tờ báo đăng tải bởi một lẽ, họ đã và sẽ còn làm nhiều việc lớn hơn như thế.
Song, nó day dứt bởi lâu nay, những tiêu cực đã, đang và tiếp tục xảy ra trong ngành y tế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy thuốc trong mắt người dân. Việc bác sĩ mổ nhầm chân, y tá, hộ lý tiêm nhầm thuốc, cáu gắt với bệnh nhân và hơn nữa, có cả việc không ít người coi bệnh nhân như “miếng mồi béo bở”…
Song, còn đó rất nhiều những y, bác sĩ đã và đang ngày đêm lăn lộn nơi giường bệnh hết lòng, hết sức chăm sóc bệnh nhân. Nhiều và rất nhiều những y tá, hộ lý nơi làng bản xa xôi vượt suối, băng rừng đến từng bản làng nhỏ khám chữa bệnh cho bà con đồng bào dân tộc.
Đã và sẽ còn có nhiều bệnh nhân được cứu sống nhờ máu của chính những y bác sĩ trực tiếp điều trị cho họ. Đã và sẽ còn nhiều những tấm gương y bác sĩ hi sinh thân mình cho sự nghiệp khoa học, dấn thân vào nơi dịch bệnh. Chỉ mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã bị một bệnh nhân nhiễm HIV đe dọa hành hung trong cơn ngáo đá.
Thế nhưng nhớ lại cách đây mấy năm, cố Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Phạm Song trong một lần đi tiếp xúc cử tri Hải Phòng về đã kể lại một câu chuyện khiến ông rất đau lòng. Đó là ngay trong hội trường, một cử tri đứng lên hỏi: “Giáo sư có biết bây giờ có hai loại người bị xã hội căm ghét nhất là ai không?”. Rồi không chờ ông trả lời, cử tri này nói tiếp: “Đó là thầy thuốc và thầy giáo”.
Câu nói xúc phạm của cử tri này đã khiến GS Phạm Song mất ngủ vì đau đớn, xót xa bởi trong xã hội Việt Nam từ xa xưa, chỉ có ba nghề được tôn vinh là “thầy”. Đó là thầy thuốc, thầy giáo và thầy cúng. Thế mà giờ đây, có người lại nói hai “thầy” bị căm ghét nhất thì hơn cả sự đau lòng.
Điều gì đang xảy ra trong xã hội hôm nay vậy?
Phải chăng y đức đã xuống cấp đến mức trầm trọng đến thế? Không. Ngàn lần không bởi sức khỏe của 90 triệu người dân đang được các ý bác sĩ chăm sóc. Nếu sự tồi tệ đến mức đó thì làm sao chúng ta có được một dân tộc Việt Nam có sức khỏe như ngày hôm nay.
Vậy chẳng lẽ tại người dân vô ơn, bạc nghĩa đến mức độ đó? Điều này càng không “không có lửa thì làm sao có khói”.
Để có những cái nhìn lệch lạc như hôm nay phải chăng cũng bởi cái “nồi canh thầy thuốc” có không ít những con sâu và ngược lại, là sự cố chấp và khe khắt của người bệnh đối với các lương y?
Người xưa có câu, “Khi ông chủ coi người ở như trâu bò thì người ở coi ông chủ như cỏ rác”, còn có thể hiểu rằng “Khi thầy thuốc coi bệnh nhân như con mồi thì bệnh nhân coi thầy thuốc như hổ báo”. Mong lắm bệnh nhân không bị biến thành những “con mồi” để thầy thuốc thực sự là “từ mẫu”…
Song, có lẽ điều cần thiết lúc này là sự điều chỉnh, người dân cũng bớt khắt khe hơn còn thầy thuốc, xin hãy bớt đi những “con sâu”, đừng để nhiều sâu quá, thành cả một “bầy sâu”.
Vì thế, trở lại với câu chuyện trên, đây là việc làm nhỏ, rất nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa.
Mong rằng thời gian không xa, chúng ta sẽ không còn day dứt bởi câu hỏi: “Điều gì đang xảy ra thế này” trên đất nước Việt Nam thân yêu, phải không các bạn?
Nguồn: dantri.com.vn, ngày 30/8/2016