Thứ Hai, 4/11/2024
Nhận diện nguy cơ 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục

Thành tựu của 30 năm Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng có đóng góp quan trọng của báo chí, đó là sự thật không thể phủ nhận.

Và cũng trong 30 năm Đổi mới, nền báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt, như: số lượng và phạm vi phát hành các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, báo điện tử, đài truyền hình, ấn phẩm, chương trình ngày càng tăng; chất lượng nội dung và hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin đã được cải thiện; đội ngũ nhà báo và người làm việc tại các cơ quan báo chí phát triển cả về số lượng và trình độ chuyên môn.

Hầu hết cơ quan bộ, ban, ngành ở Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp từ Trung ương đến địa phương, mỗi cơ quan đều có ít nhất một tờ báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử; có đơn vị ở Trung ương hoặc địa phương còn có tới hàng chục đơn vị báo chí với nhiều loại ấn phẩm khác nhau...

Từ chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền bảo vệ môi trường; thông tin cảnh báo, phòng, chống lũ lụt thiên tai; phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, các thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội; đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hóa.

Báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Sự phản ánh, phản biện trên báo chí đã góp phần giúp Đảng và Nhà nước hoàn thiện một số chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Nhờ báo chí mà nhiều sự bất cập về chính sách đã được phát hiện và sửa đổi, nhiều thân phận con người bị oan sai, bị chèn ép và bất hạnh được trả lại công bằng, được cộng đồng cưu mang, giúp đỡ…

Từ phương diện quốc gia, phải nói rằng các năm gần đây, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với báo chí đã có nhiều đổi mới, để vừa bảo đảm sự đồng thuận của báo chí theo đường lối, định hướng, mục tiêu phát triển đất nước, vừa tuân thủ nguyên tắc về tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến pháp.

Dù các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, các tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam bằng các luận điệu cũ và mới, liên tục công kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với báo chí, chúng ta vẫn có đủ cơ sở thực tế để khẳng định sự định hướng của Đảng, Nhà nước đối với báo chí không hề mâu thuẫn với tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Bởi suy cho cùng, bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng như các quyền chính đáng khác của nhân dân chính là một trong những mục tiêu cơ bản mà Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, bên cạnh các đóng góp tích cực nói trên, đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực, hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc.

Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong đó, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí là hiện tượng nguy hiểm, có thể gây ra tác động khôn lường, với một số biểu hiện đáng chú ý:

1. Thái độ hai mặt về chính trị, chạy theo chủ nghĩa cơ hội

Luật pháp nước ta không cho phép viết tin bài chống chế độ đăng trên báo chí chính thống, nên một số người trong giới báo chí thường thể hiện xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” qua thái độ hai mặt: đối với các bài báo đăng tải trên báo chí chính thống, họ thường né tránh những vấn đề họ “tự cho là nhạy cảm”.

Mặt khác, chính họ lại viết bài đăng trên blog, mạng xã hội để đưa ý kiến trái ngược với báo chí chính thống, phụ họa hoặc gián tiếp phụ họa giọng điệu của các thế lực thù địch, chống đối, thiếu thiện chí để làm vừa lòng đám đông trên mạng, trở thành “người hùng” trên mạng.

Đáng chú ý, sau khi được dư luận trên mạng tung hô, cổ xúy, một vài cây bút càng trở nên hăng hái hơn. Bên cạnh đó, đến nay, trừ một số tờ báo như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,… nhiều cơ quan báo chí ngày càng hiếm các cây bút có khả năng viết bài bình luận sắc bén có phân tích rành mạch về lý luận và thực tiễn, có chứng lý cụ thể, trình bày bài bản, phù hợp với mọi tầng lớp bạn đọc và có sức thuyết phục để chống lại, vạch trần các âm mưu, ý đồ, quan điểm, luận điểm chống phá Đảng, chống chế độ.

Với một số vụ việc đã được Nhà nước xử lý công khai, và dù cơ quan chức năng tổ chức họp báo để cung cấp thông tin, cung cấp thông cáo báo chí, nhưng một số cơ quan báo chí chỉ khai thác và đăng lại bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.

Phải chăng, đó là kết quả của sự lười nhác, hay việc làm này còn hàm ý rằng không thể không đưa tin nhưng đây không phải là quan điểm, và thái độ của tòa soạn?

Thậm chí qua mạng xã hội, blog cá nhân,... một số người làm báo sau khi rời cơ quan báo chí (về hưu, nghỉ việc, hoặc bị buộc thôi việc) còn công khai quan điểm đi ngược quan điểm chính thống, thậm chí đồng tình, cổ vũ luận điệu của một số người tự nhận hoặc được gọi là “nhà dân chủ”, “người yêu nước”…

2. Xuất hiện xu hướng tách rời định hướng của Đảng với quyền tự do báo chí, tách rời hoạt động của Đảng khỏi cuộc sống của nhân dân

Xu hướng này khá phổ biến trong một số phóng viên, biên tập viên và cả lãnh đạo cơ quan báo chí.

Biểu hiện rõ nhất là các bài viết liên quan chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường được đưa tin một cách hời hợt, khô khan, thiếu sinh khí, lấy số lượng thay chất lượng, mục đích như để “đúng định hướng” một cách hình thức.

Đôi khi phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề cập nhiều vấn đề, với nhiều nội dung thì một số tờ báo chỉ khai thác vấn đề, nội dung ở một khía cạnh được họ cho là “giật gân” để rút “tít” câu khách chứ không nhằm giới thiệu một cách hệ thống.

Hậu quả nguy hiểm của xu hướng này là tạo ra các tác phẩm báo chí khiến người đọc thấy nhàm chán, từ đó đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, đổ lỗi cho định hướng của cơ quan chức năng về công tác tư tưởng và sự quản lý Nhà nước về truyền thông.

Cũng nằm trong xu hướng này, một số tờ báo, một số nhà báo còn như muốn “lấy lòng cấp trên” bằng bài viết tâng bốc dễ dãi, phản cảm, khiến các thế lực thù địch và một số cá nhân nhân cơ hội khai thác, lợi dụng để công kích sự lãnh đạo của Đảng với báo chí.

Những bài viết chân thực và đầy tâm huyết về những tấm gương cán bộ, đảng viên vì nước vì dân, các phóng sự sinh động về sự gắn bó giữa Đảng với dân vắng dần trên nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử và báo của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp; thay vào đó nhiều khi chỉ là các bản tin, bài tường thuật vô cảm được viết như ẩn chứa trong đó một “thông điệp” để công chúng hiểu rằng họ viết cho “phải đạo”, khiến công chúng dị ứng với hình ảnh về hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cho dù đó là những hoạt động ích nước, lợi dân, vì sự ổn định và phát triển.

Một khi xu hướng này trở nên phổ biến, có thể biến báo chí cách mạng - nền báo chí mang bản chất của cách mạng, chính trực, dấn thân vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, sinh động, có sức mạnh làm lay động lòng người,… trở thành nền báo chí giáo điều, công thức, dần dà phai nhạt và có thể đánh mất vai trò xã hội.

3. Tùy tiện khai thác tin tức từ báo chí phương Tây, coi báo chí phương Tây là chuẩn mực của tự do báo chí

Trên diện rộng có thể thấy, khi đề cập các sự kiện quốc tế, lâu nay nhiều cơ quan báo chí chủ yếu sử dụng thông tin, dựa trên bình luận của các hãng tin, báo chí phương Tây để đưa tin hoặc bình luận, nhất là những sự kiện lớn như chiến tranh Irak, cuộc chiến ở Libya, vấn đề bán đảo Triều Tiên, tình hình ở Syria, các vấn đề quốc tế về nhân quyền...

Một số tin tức, bình luận từ VOA, RFI, RFA,… thậm chí tin tức, bình luận của một số báo, trang tin của người Việt ở nước ngoài vốn không thiện chí với Việt Nam đã được sửa sang công bố trên báo chí trong nước.

Để theo đuổi sự kiện giật gân, có trang tin còn phỏng vấn một số nhân vật chống cộng là người Việt Nam ở nước ngoài. Điển hình của hiện tượng này là sau khi J.Nguyễn được bầu vào Thượng viện tiểu bang California (Mỹ) có báo, trang tin trong nước đã giới thiệu một cách trang trọng, như một “niềm tự hào” không cần biết J.Nguyễn nổi tiếng chống cộng, nổi tiếng trong các hoạt động vu cáo, vu khống Việt Nam.

Thiếu trách nhiệm về chính trị, thiếu trách nhiệm trong khai thác và công bố thông tin,... xu hướng này còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam với một số quốc gia. Như vậy, một số cơ quan báo chí, một số người làm báo hầu như không quan tâm tới thực tế là một số báo, hãng tin ở phương Tây thường đưa tin, bình luận (thậm chí tổ chức chiến dịch truyền thông) theo xu hướng bóp méo sự thật, không đúng sự thật, cắt xén sự thật, dựng sự kiện giả,… để vu khống, làm mất uy tín một số quốc gia hoặc cá nhân cụ thể, nhằm phục vụ lợi ích của một số thế lực chính trị, tập đoàn tài phiệt.

Từ bình diện nhất định có thể nói, hiện tượng thiếu trách nhiệm này đã vô tình (cố tình?) gây nhiễu thông tin, dẫn tới sự mơ hồ, nghi ngờ, hoang mang trong người đọc…

4. Sử dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các “nhóm lợi ích”

Tựu trung, tình trạng này đã và đang diễn ra trên hai phương diện:

- Một là, một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy,... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi...

Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù…

Hai là, một số tờ báo, trang tin phụ họa một số phần tử cơ hội chính trị tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực chính trị nước ngoài hòng tạo ra thực lực chính trị nhằm thay đổi chế độ trong tương lai. (Liệu có nên coi đây là loại hành vi hỗ trợ các thế lực thù địch thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình"?).

Trên thực tế, phát ngôn và hành động của một số người này cho thấy họ có khuynh hướng lợi dụng phản biện để phê phán, bôi đen chế độ xã hội. Họ phủ nhận con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Họ không thừa nhận các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội đất nước đạt được trong thời gian qua.

Dưới nhãn quan của họ, tất cả đều xấu, tất cả đều tiêu cực... chỉ có ý kiến của họ mới đúng đắn! Họ thường xuyên xuất hiện trên BBC, VOA, RFI, RFA... để đánh giá, bình luận với các ý kiến chưa bao giờ tỏ ra thiện chí; đồng thời, mỗi khi có sự kiện hệ trọng xảy ra trong nước, họ vẫn được một số tờ báo, trang tin ưu ái phỏng vấn, đề nghị viết bài trong đó chủ yếu là đánh giá tiêu cực. Và "tự diễn biến" trên báo chí, cũng bắt đầu từ những cách thức biểu hiện như vậy.

5. Xu hướng hư vô về chính trị, thiếu đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí trước hết bắt đầu từ người làm báo.

Nếu mỗi người làm báo nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với bạn đọc, ý nghĩa tích cực của báo chí với sự phát triển xã hội và con người,… thì sẽ tự ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.

Đáng tiếc một bộ phận người làm báo ít quan tâm vấn đề này, khi mà các sự vụ liên quan hành vi tiêu cực của người làm báo có xu hướng tăng lên? Lạm dụng vai trò báo chí, tự cấp tư cách “đứng trên luật pháp”, có người làm báo lấy nghề nghiệp làm công cụ trục lợi như: gây sức ép lên lãnh đạo đơn vị sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp để tống tiền, ký hợp đồng quảng cáo; hoặc chạy theo tin tức, sự kiện giật gân mà bất chấp sự thật, bất chấp pháp luật, bất chấp tính nhân văn của báo chí...

Phê phán cái xấu, chỉ rõ bản chất cái xấu là cần thiết, song một số người làm báo dường như có xu hướng khoét sâu, phóng đại hiện tượng tiêu cực; trong khi các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí tập trung công kích nhằm làm mất uy tín các cơ quan chức năng (công an, tòa án), một số người làm báo cũng lại hùa theo soi mói, công kích, thậm chí bịa đặt, “giăng bẫy” người thi hành công vụ...

Hư vô về chính trị, thiếu đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo đã vô tình (hay cố tình?) tác động xấu đến xã hội, làm người đọc hoang mang, suy giảm niềm tin vào chính quyền…

6. Sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí

Những năm gần đây, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản, tự coi “vô can” trước sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền đang khá phổ biến.

Không ít cơ quan chủ quản (nhất là một số tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp) buông lỏng vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý theo quy định đối với cơ quan báo chí thuộc quyền; có cơ quan chủ quản sau khi xin giấy phép thành lập cơ quan báo chí là “khoán trắng” cho cơ quan báo chí toàn quyền quyết định hoạt động; dẫn tới tình trạng có cơ quan báo chí không chịu sự chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản.

Một số cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn, thậm chí yêu cầu cơ quan báo chí thuộc quyền đóng góp kinh phí hoạt động, lệ thuộc vào kinh phí của cơ quan báo chí. Một số trường hợp, việc xử lý sai phạm, vụ việc tiêu cực trong cơ quan báo chí không nghiêm khắc, hoặc không giải quyết dứt điểm, thiếu kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tác động tiêu cực tới tư tưởng cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Có người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín, nhưng cơ quan chủ quản không có phương án thay thế, khiến nội bộ cơ quan mất đoàn kết kéo dài. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và phóng viên, biên tập viên của cơ quan thuộc quyền...

Trên đây là một số khái quát bước đầu để góp phần nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí. Trên thực tế, những sự kiện, hiện tượng liên quan diễn ra rất phức tạp, đan xen nhau, có thể là vô tình và có thể là cố tình, nên khó nhận diện, khó định tính, định lượng… Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh các giải pháp cơ bản để đối phó nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong xã hội nói chung, cần chú ý các giải pháp để lành mạnh hóa hoạt động báo chí:

1. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí cần đi đôi với tăng cường kỷ luật Đảng đối với đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí:

- Phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, không hề có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí. Các vấn đề này được bảo đảm bằng Hiến pháp và hệ thống luật pháp của Nhà nước.

- Trên cơ sở Luật Báo chí (năm 2016), cần rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan hoạt động báo chí để bổ sung, hoàn thiện kịp thời theo hướng: luật pháp bảo vệ việc hành nghề của người làm báo với tư cách là nghề nghiệp xã hội đặc thù, nhưng luật pháp không tạo ra đặc quyền cho người làm báo, người làm báo bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác.

- Đảng viên hoạt động trên lĩnh vực báo chí phải chấp hành Điều lệ Đảng, chấp hành các Nghị quyết của Đảng, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên theo hệ thống tổ chức của Đảng. Cần xác định việc chỉ đạo, định hướng của cơ quan, tổ chức Đảng cấp trên với tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên tại các cơ quan báo chí hoàn toàn không mâu thuẫn với quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, không để đảng viên có chức vụ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, kể cả người có chức vụ cao nhưng không được phân công lãnh đạo, quản lý báo chí và truyền thông, sử dụng chức vụ của mình can thiệp hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động báo chí. Bởi chính hành động can thiệp, gây ảnh hưởng rất vô nguyên tắc này là vi phạm quyền tự do báo chí, vi phạm nguyên tắc Đảng.

- Rà soát lại chất lượng đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí, kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí.

2. Rà soát lại toàn bộ danh mục các lĩnh vực thuộc bí mật Đảng và Nhà nước.Danh mục này nhất thiết phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng luật. Ngoài danh mục này, mọi vấn đề khác của quốc gia cần được bảo đảm để người làm báo và người dân tiếp cận dễ dàng.

Các thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được báo chí điều tra phát hiện, nếu không thuộc danh mục “Mật”, không ai được quyền ngăn cản đưa lên báo chí. Cơ quan báo chí và người làm báo chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố các thông tin đó, nếu xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy mức độ sai phạm đều phải bị xử lý và bồi thường đúng pháp luật.

Làm nghiêm túc việc này sẽ trực tiếp chống lại, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam bưng bít thông tin, xâm phạm quyền tự do báo chí.

3. Đổi mới việc đào tạo nghề báo trong nước, từ giáo trình, đội ngũ giảng viên đến phương pháp giảng dạy, bảo đảm cho người làm báo có đủ tri thức chuyên ngành và trình độ tác nghiệp báo chí hiện đại.

Người làm báo trước hết phải có trình độ chuyên môn (của một hoặc một số lĩnh vực họ tiếp cận), có bản lĩnh và trình độ chính trị; vì nếu chỉ có trình độ chuyên môn thì không thể có tác phẩm báo chí có giá trị. Do đó, cần khuyến khích tuyển sinh vào đại học báo chí những người đã có một bằng đại học trên lĩnh vực khác. Trừ giảng viên các môn học khác, giảng viên về nghiệp vụ báo chí tại trường đại học báo chí hoặc khoa báo chí thuộc trường đại học, nhất thiết phải là người đã thông qua hoạt động báo chí và đã có những tác phẩm báo chí có giá trị.

4. Cơ quan chủ quản báo chí cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí thuộc cơ quan, đơn vị, ngành theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả, để báo chí thật sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Cần kiên quyết xử lý, thu gọn báo, tạp chí, ấn phẩm phụ, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử,... hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, sai phạm kéo dài...

5. Điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Báo chí (năm 2016) khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, điều này cho thấy, đạo đức nghề nghiệp người làm báo là vấn đề luật định, không phân biệt người có Thẻ Nhà báo hay không. Do đó, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, hướng dẫn hội viên thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức cần thiết, với trường hợp cụ thể, vi phạm quy định này phải được xử lý trên cơ sở pháp luật.

6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan chủ quản với hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền; coi trọng xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh về mọi mặt, đề cao vai trò, trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, và chức năng, nhiệm vụ của người làm báo; chú trọng quy định tại Điều 15 Luật Báo chí: “Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động; tổ chức nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí”, “Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí… liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc”.

Trương Minh Tuấn

(Theo Nhân Dân)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi