Thứ Hai, 4/11/2024
Năm mới nghĩ chuyện “vi hành” và gần dân
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (xuân Đinh Mùi, 9/2/1967)

Thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát ngôn, hành động, việc làm gương mẫu, hợp lòng dân. Chính phủ liêm khiết, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, “không chọn người nhà mà chọn người tài”. Thủ tướng đi bộ tham quan phố cổ Hội An, khi đoàn xe hộ tống đi vào phố cổ, Thủ tướng đã công khai xin lỗi người dân. Quy định địa phương khi đón Thủ tướng “không quá 3 xe ô tô”. Thủ tướng không đổi xe ô tô và đi máy bay thương mại. Hàng loạt chuyến “vi hành” chợ Long Biên, vùng rau ở Hà Nội, đi chợ, kiểm tra quán ăn, ăn phở, uống cà phê ở quán bình dân tại TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng yêu cầu trong dịp Tết, các tỉnh “không về Hà Nội chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành”.

Báo chí thời gian qua nhắc nhiều đến “vi hành”. Tra từ điển thì thấy định nghĩa có khác. Khi nói đến “vi hành” là từ dùng khi nói về nhà Vua cải trang, bí mật, chỉ có rất ít người thân cận được biết, đề đi ra khỏi nơi ở để xem xét tình hình thực tế, trong đó có đời sống của dân chúng. Vua Lê Thánh Tông là người nổi tiếng có những chuyến “vi hành” để hiểu dân, trừng trị bọn quan tham. Chợt nhớ, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã có vài lần vi hành, thậm chí ngay từ cái Tết đầu tiên Người về Thủ đô Hà Nội. Nếu tính thời khắc chuyển giao từ năm cũ Bính Tuất (1946) đến giao thừa Đinh Dậu năm nay (2016) là tròn 60 năm, Bác Hồ đón Tết Nguyên Đán ở Hà Nội đồng thời lại là chuyến “vi hành” đầu tiên của Người sau ngày đất nước độc lập.

Giao thừa năm ấy, Bác Hồ mặc áo the, quần trắng, mắt đeo kính trễ xuống, cải trang giống ông đồ nho. Đồng chí giúp việc thì mặc quần dài trắng, áo láng đen, chân đi dép da, như là người đi giúp ông đồ. Hai Bác cháu đi bộ vào Đền Ngọc Sơn, hòa vào dòng người đang chen chúc trên cầu Thê Húc để vào Đền du Xuân, hái lộc. Người đông, không còn chỗ len chân. Nhiều người phải đứng từ ngoài vái vọng vào. Bác Hồ cũng làm theo số người này rồi vòng ra xem người hái lộc. Giao thừa đến. Còi thành phố vang lên. Chiêng, trống từ các đình chùa và tiếng chuông từ Nhà thờ lớn đổ dồn, tiếng pháo nổ ran đỏ cả đất trời. Một không khí thiêng liêng như “hồn nước” đang dâng lên trong lòng mọi người. Thời gian cũng như dừng lại trong khoảnh khắc. Bác Hồ đứng lặng, nét mặt xúc động. Một giọt nước mắt long lanh bên khóe mắt Người. Đã bao nhiêu đêm trường tăm tối, đêm đó, Bác Hồ mới được hưởng cái Tết cổ truyền của dân tộc độc lập ngay giữa Thủ đô vừa thoát khỏi ách nô lệ. Dòng người xung quanh không ai biết rằng đêm giao thừa đầu tiên sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ đã cùng đồng bào Thủ đô đến giữa hồ Hoàn Kiếm lịch sử để hưởng trọn niềm vui trong cái Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc.

Một lần khác, Bác Hồ cũng “vi hành” vào dịp Tết Nguyên đán. Đó là sáng 30 Tết năm Quý Mão (1963), Bác Hồ cải trang thành ông lão. Đầu đội mũ cát màu trắng, đeo kính trắng, mắt kính tròn, gọng nhỏ, giống kính của các cụ đồ nho. Người mặc chiếc áo sô cũ đã phai màu, bên ngoài khoác thêm chiếc áo mưa vải đã sờn vai, chân đi dép cao su, khăn quàng cổ nhiều vòng vừa che kín bộ râu, vừa làm cho khuôn mặt khác đi nhiều. Hai đồng chí cảnh  vệ khác cải trang thành hai người cháu theo ông đi chợ Đồng Xuân ngày Tết. Ba ông cháu len lỏi vào chợ, mặc cả mặt hàng này, mặt hàng khác. Tuy không mua được gì nhưng đây là cách để người đứng đầu Đảng, Nhà nước nghe tận tai, nhìn tận mắt cảnh mua bán, không khí chợ Tết và giá cả các mặt hàng. Ngày Tết, tùy tình hình, Bác Hồ thường bất ngờ đến với nhiều đối tượng xã hội khác nhau, nhưng Người thường đến với những người nghèo khổ, khó khăn nhất. Rất nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ gần dân, nhưng có lẽ một số câu chuyện dưới đây làm chúng ta vô cùng cảm động về tình cảm chân thành, sự gần gũi, sâu sát của người đứng đầu đất nước đối với người dân của mình.

“Tết độc lập đầu tiên, năm 1946, đêm ba mươi Tết, trời rét và mưa lất phất. Ăn cơm tối xong, Bác Hồ đi đến chỗ đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính  TP Hà Nội Trần Duy Hưng. Bác bảo đưa Bác đi chúc Tết một số gia đình nghèo ở xóm lao động. Bảy giờ tối, Bác Hồ cùng đồng chí Chủ tịch Thành phố, đồng chí giúp việc và đồng chí bảo vệ lên ô tô đi đến đầu ngõ Hàng Đũa phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến). Xe tắt đèn, dừng lại. Bốn Bác cháu lần vào trong ngõ hẹp, đường mấp mô, có lúc phải bấm đèn pin để lấy ánh sáng mà đi. Vào một gia đình làm nghề kéo xe, chủ nhà bị ốm nằm trên chiếc chõng tre, đắp chiếc chiếu mỏng. Một người dịu dàng nói:

            - Cụ Hồ đến thăm gia đình đây.

Chủ nhà cựa mình ho sù sụ. Bác ra hiệu để cho chủ nhà nằm nghỉ và bảo chú bảo vệ kéo lại chiếc chiếu che kín người bệnh. Bác cháu im lặng kéo cửa đi ra. Dọc đường nghe tiếng Bác nói khẽ: Ba mươi Tết mà không thấy Tết.

...Bác lên xe đến phố Hàng Vải thăm một gia đình viên chức làm ngân hàng. Thấy khách đến, chủ nhà ra bật đèn. Những lọ bình, chậu cúc vàng, cành quất đỏ, bộ xa lông mặt đá, tủ thờ đình đồng… sáng bóng. Ông chủ nhà nhận ra Bác vừa sung sướng, vừa tỏ ra lo sợ quỳ xuống giữa nhà nói:

            - Lạy Cụ, con có tội gì xin Cụ rủ lòng thương, dạy bảo cho.

Bác lại đỡ chủ nhà dậy, ôn tồn nói:

            - Được biết ông là một viên chức thanh liêm tôi đến chúc Tết ông và gia đình. Bây giờ nước nhà đã độc lập rồi, làm việc cho Chính phủ là làm việc cho mình, cần phải thanh liêm hơn.

Ông chủ nhà thưa với Bác:

            - Thưa Cụ, con làm việc với Tây đã hơn 30 năm chưa được một ông “sếp” nào đến thăm nhà bao giờ, thế mà lại được Cụ Chủ tịch…”

“Vào cuối tháng giêng năm 1963 (sau Tết Nguyên đán Quý Mão), Bác Hồ về thăm Nghiêm Xuyên và tiếp xúc với nhân dân. Theo chương trình, đồng bào hai huyện Thường Tín và Phú Xuyên sẽ tập trung ở cánh đồng Nghiêm Xuyên để nghe Bác Hồ nói về chuyện chống hạn. Bác đến sớm hơn giờ hẹn và đi thẳng đến khu cầu Bầu xem tình hình chống hạn. Khi qua Bác rẽ vào một ngôi nhà. Bác hỏi các chủ nhà Tết vừa rồi, ăn Tết có vui không? Mọi người đều thưa với Bác là vui, riêng có một bà chừng 60 tuổi nói: “Thưa Bác, nhà cháu ăn Tết không vui!”. Bác hỏi: Vì sao? Bà liền báo cáo rằng, vốn gia đình đã nhiều năm có ngôi nhà ở gần đường, nay huyện có lệnh dời dân để mở rộng đường, không bồi thường, cũng không chỉ dẫn phương hướng cho gia đình chuyển đi đâu, vì thế gia đình ăn Tết không vui. Bác lắng nghe và chỉ thị cho cán bộ địa phương phải tìm cách giải quyết đất ở cho gia đình bà. Khi lên xe, Bác không vui và nói với các đồng chí đi cùng:

            - Đối xử với dân như thế là không tốt.”

Một tháng trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 1963, Bác Hồ gọi Phó Cục Trưởng Cục Cảnh vệ Phan Văn Xoàn lên giao một nhiệm vụ đặc biệt mà chỉ có hai Bác cháu biết: “Chú tìm cho bác một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội, Bác sẽ đi thăm họ lúc giao thừa!”. Tối giao thừa ấy, như thường lệ, Bác Hồ đi với đại diện Thành ủy Hà Nội thăm vài gia đình trong kế hoạch. Khoảng 11 giờ đêm, Bác nháy mắt với tôi ngụ ý: giờ đến chương trình của hai Bác cháu mình. Chúng tôi tách đoàn, gồm năm người: Bác, người thư ký, một cán bộ địa phương, tôi và một vệ sĩ khác - cùng hướng về phố Hàng Chĩnh. Bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su, đội mũ len đen và quấn khăn choàng cổ. Không hóa trang nhưng phải nhìn kỹ một tí mới nhận ra Bác được. Xe dừng ngoài ngõ cách 200 mét, cả đoàn phải đi bộ vào. Tôi đi trước, gần giờ giao thừa, hương đèn thắp sáng trên mọi bàn thờ. Con hẻm thật vắng và từ đằng xa, tôi thấy bóng chị Tín đang quảy đôi quang gánh đi ngược ra ngoài phố. Ngang mặt, tôi đứng lại và hỏi nhỏ: “Chị Tín phải không?”. “Vâng ạ!”. “Sắp giao thừa chị còn đi đâu?”. “Tôi tranh thủ gánh thêm vài gánh lấy ít tiền mua quà bánh Tết cho các cháu, anh ạ!”. “Chị về đi, có khách ghé thăm!”.

Người phụ nữ nghèo khổ xoay người lại nhìn những vị khách, rồi chị bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chạy bổ tới, quì xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!”. Mọi người im lặng. Tôi thêm một lần nữa, ngước nhìn vị lãnh tụ đất nước mình, thấy Người cao hơn tất cả.

Vào nhà, chúng tôi chia nhau thắp nhang đèn, bày quà bánh Bác dặn mang theo, chia một ít cho bốn đứa trẻ đang ngồi chờ mẹ trên chõng tre giữa nhà. Căn nhà bừng sáng, Bác quay sang hỏi về những đứa trẻ: Các cháu có đi học không? Chị Tín ngập ngừng: “Thưa, có ạ, nhưng thất thường lắm, ngày có ngày không. Chồng mất, cháu thất nghiệp, gánh nước thuê…”. Hỏi: Gánh nước thuê có đủ sống không? Ðến đây thì chị òa khóc: “Lo cái ăn từng ngày thôi, thưa Bác!”. “Giờ cháu có muốn làm việc không?”. “Thưa Bác, hoàn cảnh cháu thì không biết nói sao nữa, cháu muốn có chỗ làm để nuôi con, nhưng tứ cố vô thân, ai nhận cháu?”. Bác gật đầu không nói gì. 

...Bước lên xe, đó là năm đầu tiên tôi thấy đi chúc Tết người dân về mà Bác thật buồn. Người quay sang nói:

            - Các chú thấy chưa? Hôm nay mình đã đi đúng người thật việc thật rồi, nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải là nhà cô Tín rồi.

Về nơi Bác ở, Bộ Chính trị đã tập họp để chúc tết Bác và cùng đón giao thừa. Bác ngồi vào ghế, mọi người ngồi xung quanh. Bác im lặng một tý rồi nói từ từ:

            - Bữa nay tôi có một chuyến thăm một nhà nghèo nhất Thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại Thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân...”

Đọc đến đây, bất giác nhớ đến một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

    Ôm cả non sông, mọi kiếp người”./.

Vũ Lân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi