|
Cảnh hỗn loạn xảy ra tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) khi hàng
trăm thanh niên lao vào tranh cướp hoa tre cầu may |
Nêu ý kiến về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa - Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng: Chúng ta không nên thực hiện nghi lễ mang tính chất tàn bạo như vậy mà nên có hình thức nào đó để dung hòa giữa tục lệ, nhận thức của người xưa và nhận thức của người nay để lễ hội không tồn tại bạo lực, không mang hình ảnh phản cảm. Ví dụ như, lễ hội chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh), sau khi báo chí lên tiếng, tại lễ hội năm nay, các bô lão đã thực hiện nghi lễ kín đáo hơn, được quây bằng vải bạt để dân chúng, du khách về lễ không còn phải chứng kiến cảnh tượng giết lợn dã man nữa.
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, hành vi đả thương, giết con vật đều là cổ tục nguyên bản. Nhưng trong xã hội văn minh và hiện đại ngày nay, việc đâm, chém, giết con vật đã không còn phù hợp nữa. Thế giới đang kêu gọi bảo vệ động vật, cho nên việc làm sống dậy các tục lễ đâm giết các con vật đã đi ngược lại với xu thế phát triển chung của văn minh con người...
Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng, việc phục dựng những hành vi hiến sinh thời trung cổ khiến con người ngày nay thấy rõ những hành vi này rất man rợ. Ở đây không chỉ nói đến thắt cổ trâu tại nghi lễ tế trâu tại đền Đông Cuông (Yên Bái). Ở tất cả các hành vi khác trong lễ hội hiện nay, như: cướp hoa tre tại lễ hội Đền Gióng, Sóc Sơn (Hà Nội); cướp phết tại lễ hội cướp phết ở Vĩnh Phúc; chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh)… đều mang tính bạo lực và là hành vi cổ tục có từ xa xưa. Chúng ta cần gạt bỏ cổ tục, những nghi lễ mang tính sát sinh, bạo lực này trong thời đại văn minh ngày nay.
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn chia sẻ: Sự biến tướng này bắt nguồn từ cơ chế thị trường khiến nhiều giá trị thay đổi, tính cá nhân được đề cao, tính cộng đồng giảm sút. Lễ hội là tấm gương phản ánh xã hội rõ nhất. Xã hội có chạy chức, chạy quyền, đua chen, giành giật nhau thì lễ hội cũng thế, đóng ấn tín rởm, tranh nhau cướp lộc, thậm chí đến nhà chùa cũng phát lộc để người ta tranh giành. Chính con người đã mang hành vi ngoài đời vào trong lễ hội, là sự biểu hiện mưu cầu lợi ích cho cá nhân.
Về trách nhiệm trước những hình ảnh không đẹp trong lễ hội, theo quan điểm của TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: Người chịu trách nhiệm cho việc này không ai khác là chính quyền sở tại, nơi các lễ hội diễn ra. Nhưng mặt khác, trách nhiệm cũng thuộc về người dân.
Giải thích tình trạng chen lấn, xô đẩy, đánh nhau để “cướp” lộc, thậm chí lấy cả đồ lễ trên bàn thờ trong đền mang về nhà mình coi như một thứ lộc của một số người dân, TS Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng, sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân và cả ở một bộ phận cán bộ đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận cả về khía cạnh tâm linh và xã hội. “Chúng ta tôn trọng niềm tin thần linh của mọi người nhưng cương quyết phê phán và lên án các hành vi lạm dụng, sai lệch và không còn phù hợp với bối cảnh mới” - TS Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Hòa thượng Thích Gia Quang (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) nhấn mạnh: Lễ hội phải phản ánh được những gì là nét đẹp văn hóa, mang lại những điều lành mạnh cho mọi người. Còn việc đi tranh cướp lộc như đã thể hiện ở nhiều lễ hội thời gian qua thì không còn là nét đẹp văn hóa nữa.
Bên cạnh giải pháp đến từ các cơ quan tổ chức lễ hội, phải không để lặp lại những hình ảnh xấu đó và nên tuyên truyền cho bà con, mọi người hiểu rằng, đến chùa là dịp để tưởng nhớ công ơn, công đức của Phật, còn đến với đền là tưởng nhớ những bậc thánh có công với nước, với dân. Nếu cả những người đứng ra tổ chức và người tham gia đều hiểu ý nghĩa của lễ hội thì sẽ làm cho lễ hội tốt hơn và tránh được những điều không lành mạnh. Nhưng làm sao để mọi người có thể tự nhận thức được điều đó là cả một quá trình mà cả xã hội phải chung tay, nhất là các cơ quan văn hóa.
Về những tiến bộ của mùa lễ hội năm nay, theo đánh giá của bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Một dấu hiệu đáng mừng là những lễ hội “nóng” ở một vài mùa trước thì năm nay đã chuyển biến rõ rệt. Làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không chém lợn ở giữa sân đình mà đưa vào nơi kín đáo; hội phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) cũng diễn ra vui vẻ, an toàn khi Ban Tổ chức quyết định không tổ chức cướp phết như mọi năm mà thay vào đó, chỉ thực hành trình diễn nghi lễ. Những thay đổi này đã tránh được các yếu tố phản cảm như sự hỗn loạn, lộn xộn, tranh cướp, thậm chí ẩu đả và bạo lực diễn ra trong lễ hội.
Còn ở mùa lễ hội Đông Cuông, Văn Yên (Yên Bái) năm nay, trên báo giới, cả đại điện lãnh đạo địa phương cũng như ngành văn hóa đều khẳng định yếu tố phản cảm trong lễ hội này sẽ không tái diễn.
Khi đến với lễ hội, đền, chùa mỗi dịp đầu xuân khởi đầu cho năm mới, hẳn trong suy nghĩ trong mỗi người là đến bằng cái tâm và lòng thành. Sự nhân văn bản thiện nơi cửa Phật, chùa chiền, lễ hội luôn dạy cho con người ta sống hướng thiện, đấu tranh với cái ác, tích cực hành thiện để tu nhân tích đức cho bản thân và con cháu đời sau.
Chúng ta đi chùa, đi hội đầu năm để cầu sức khỏe, bình an. Vì thế, khi đến với nơi ấy, trong mỗi người rất cần một tấm lòng nhân ái, và sự nhân ái mới là thứ qúy giá nhất, nó sẽ đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái phản cảm để tâm được thư thái. Và để làm được điều đó, cần có những thay đổi cơ bản từ tư duy nhận thức cho tới hành động của các nhà quản lý văn hóa, lễ hội; ý thức và hành vi của từng cá nhân trong cộng đồng cũng như quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, làm sao có thể tinh tế chọn lọc ra được những tinh hoa từ các lễ hội để quảng bá và giáo dục truyền thống cho hậu thế./.
Điều 4, khoản 3, Thông tư 15 về quy định tổ chức lễ hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 22/12/2015 quy định: “Không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam. Cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác…"
Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 9/2/2107