Phiên họp lần này được dự đoán sẽ nóng với nhiều vấn đề mà người dân quan tâm thời gian qua. Chuẩn bị cho kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được trên 2.900 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Cử tri và nhân dân kiến nghị chủ yếu vào 6 nội dung gồm: sản xuất kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Báo cáo kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội là lòng dân. Cùng với bản báo cáo, những cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cũng cho thấy cử tri và nhân dân rất quan tâm tới vấn đề công tác cán bộ, về tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh; thủ tục hành chính chưa chuyển biến, tạo thuận lợi thực sự cho người dân và doanh nghiệp; người dân còn chưa hài lòng với thái độ phục vụ của công chức... Đây đều là những vấn đề mà cử tri mong Quốc hội bàn thảo để có những chính sách cụ thể. Đặc biệt, kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, ngay sau Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đây là hội nghị được người dân quan tâm theo dõi và rất phấn khởi khi Trung ương đã ra được những quyết định quan trọng với việc ban hành 3 nghị quyết đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xem xét xử lý cán bộ.
Cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử. Nhân dân phấn khởi nhưng cũng mong Đảng, Quốc hội tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, liên tục để hạn chế những sai phạm của cán bộ, xây dựng được những cán bộ có đủ tố chất, phong cách, đạo đức làm việc vì dân.
Nhân dân cũng đã nhìn thấy công tác phòng, chống tham nhũng gần đây có nhiều tiến bộ, nhất là từ năm 2016 tới nay, nhiều vụ việc được đưa ra xử. Nhiều vụ việc nghiêm trọng được công bố, trong đó đã kết luận điều tra 11 vụ, đã xét xử sơ thẩm nhiều bị cáo và tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã theo dõi, chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án lớn về kinh tế như vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt, vụ Hà Văn Thắm, gần đây là vụ việc Trịnh Xuân Thanh và nhiều vị trí tại ngành dầu khí cũng đang được làm rõ. Song song với đó, vừa qua, hàng loạt cán bộ cấp cao, nguyên là cán bộ cấp cao cũng đã bị xử lý, khiến cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự nghiêm minh của luật pháp, quyết tâm chống tham nhũng, làm sạch bộ máy của Đảng.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm, vì như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp này là: “cuộc đấu tranh gian khổ và phải kiên trì”. Đất nước còn khó khăn; nhiều nơi trẻ em chưa được học trong lớp học kiên cố; bà con vẫn phải trèo đèo, lội suối mưu sinh. Thế nhưng nhiều vụ tham nhũng, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, khiến nhân dân vô cùng phẫn nộ. Dân mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội khắc phục được tình trạng chậm chỉ đạo xử lý tình trạng thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng về vốn, tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và xử lý nghiêm minh các cá nhân liên quan.
Tham nhũng đi liền với sai phạm của cán bộ, để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Nhân dân và cử tri kỳ vọng Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cần thể hiện mạnh mẽ hơn tiếng nói của mình trong vấn đề này, góp phần vào việc xử lý các sai phạm kịp thời, nghiêm minh; giám sát tốt hơn đối với việc chống tham nhũng.
Nguồn: sggp.vn, 22/5/2017