Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghĩ về chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội

Từ ngày13-15/6, Quốc hội sẽ tiến hành các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  sẽ trực tiếp trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề. Ngoài ra, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn vào kỳ họp cuối năm, nhưng tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có).

Bốn nhóm vấn đề được Quốc hội tổng hợp để đại biểu Quốc hội chất vấn kỳ này đều là những vấn đề “nóng”, là mối quan tâm thường trực của cử tri và nhân dân cả nước 6 tháng đầu năm 2017 và trước đó.  

Với ngành nông nghiệp, những vấn đề “nóng” được cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; thịt lợn và nhiều loại nông sản dư thừa, rớt giá; sự cố tàu vỏ sắt của ngư dân Bình Định chất lượng kém...

Với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, điều mà cử tri dễ nhận ra là những sự cố khó hiểu như cấm một số bài hát rồi rút lại lệnh cấm; cấp phép cho Quốc ca; và mới đây nhất là chỉ đạo yêu cầu người tham gia tọa đàm về bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) phải giải trình…

Với ngành y tế, cử tri cũng nhận diện được không ít vấn đề “nóng”  tồn tại nhiều năm mà chưa được giải quyết triệt để. Đó là giá thuốc; quá tải bệnh viện tuyến trên; chất lượng khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế, điển hình là sự cố y khoa gây tử vong 8 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình mới đây.

Với ngành kế hoạch và đầu tư, đó là vấn đề đội vốn bất thường trong các dự án đầu tư công; những dự án dang dở do thiếu kinh phí; vai trò quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công…

Dù hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày càng đổi mới, nhưng cử tri và nhân dân vẫn mong muốn tính tranh luận, phản biện cần được tăng cường hơn nữa, trên tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm cao. Nếu câu hỏi nêu ra chỉ để nêu vấn đề, trả lời cũng chỉ cho “đúng qui trình” thì phiên chất vấn khó đạt hiệu quả cao, nếu không muốn nói là ít nhiều còn nặng hình thức, thiếu thực chất. Tranh luận, phản biện trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung sẽ khắc phục tình trạng này để mang đến một phiên chất vấn có hiệu quả cao.

Muốn làm được như vậy, thì chính các đại biểu Quốc hội phải chuẩn bị thật kỹ vấn đề mình quan tâm, sâu sát với thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri để đặt câu hỏi trúng và đúng. Với những câu hỏi chất vấn như thế thì người trả lời chất vấn cũng phải trả lời trúng và đúng, nếu không sẽ bị tái chất vấn hoặc "truy" đến cùng. Cử tri và nhân dân theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ giám sát các thành viên Chính phủ mà giám sát cả đại biểu Quốc hội.

Mục đích của chất vấn làm rõ những vấn đề còn hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách và trách nhiệm của cơ quan hành pháp, để từ đó tìm ra những giải pháp, hướng khắc phục sớm nhất và hiệu quả nhất. Hậu chất vấn là việc Quốc hội thực hiện giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nhóm vấn đề đã được Chính phủ, các thành viên Chính phủ hứa và cam kết trước Quốc hội khi trả lời chất vấn./.

Nguồn: dangcongsan.vn, 12/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất