Chủ Nhật, 6/10/2024
Quay lưng với quá khứ là có tội với lịch sử

Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta-Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Nhân dân cả nước đồng tình và nhất trí cao với sự nhìn nhận, đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương. Một thực tế hết sức sinh động, thuyết phục, không thế lực nào có thể phủ nhận đó là từ khi ra đời đến nay, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và không ngừng lớn mạnh.


 Đại biểu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng các ban, ngành tham quan
Triển lãm về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Những thắng lợi vĩ đại, những kỳ tích lịch sử mà đất nước ta giành được trong hơn 70 năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chính trị đất nước ổn định; kinh tế-xã hội phát triển; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh; quốc phòng-an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ được củng cố... Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng, dân tộc ta, Quân đội ta.

Thế nhưng, có một thực tế đáng lưu ý là tình trạng: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước". Đây là một trong 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.

Đúng như phân tích, nhận định của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), thời gian qua trong xã hội đã xuất hiện những tư tưởng, quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc về thành quả của cách mạng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về sự hy sinh của thế hệ cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc... Những luận chứng khoa học, cùng với thực tiễn sinh động trong tiến trình lịch sử dân tộc đã khẳng định rất rõ những thắng lợi mà Việt Nam giành được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố bên trong, chủ quan là quyết định, đặc biệt là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, một bộ phận cán bộ, đảng viên do bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng; mơ hồ, ảo tưởng trước những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, với cái nhìn thiển cận đã cố tình "té nước theo mưa", phụ họa cho những giọng điệu phản động phủ nhận thành quả cách mạng. Họ nói rằng những thắng lợi mà Việt Nam giành được là sự “ăn may”, là “mượn gió bẻ măng”, là nhờ vào sự giúp đỡ của nước nọ, nước kia... chứ Đảng Cộng sản Việt Nam “chẳng tài cán gì”. Chưa dừng ở đó, họ còn cho rằng việc Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến là "sai lầm", sự hy sinh, đổ máu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta là "không cần thiết"... Nguy hiểm hơn, bằng những thủ đoạn "đánh tráo giá trị", làm cho "thật-giả, trắng-đen lẫn lộn", một số người còn cố tình xuyên tạc mục đích, ý nghĩa và tính chất của các cuộc kháng chiến mà nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất của chiêu trò ấy không gì khác là nhằm phủ nhận công lao, sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Không chỉ vậy, họ còn trắng trợn xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xúc phạm các lãnh tụ của Đảng và nhiều bậc tiền nhân. Đặc biệt, những ngày gần đây, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, trên mạng xuất hiện clip được cho là của một nhóm người nói về sự hy sinh của nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Nội dung thể hiện trong clip cho thấy nhóm người này đã cố tình xuyên tạc lịch sử và xúc phạm chị Võ Thị Sáu-người anh hùng đã xả thân vì nước, vì dân.

Đổi trắng thay đen, bóp méo, xuyên tạc lịch sử-đó không phải là chiêu trò gì mới. Trên thực tế không ít chiến thắng, sự kiện lịch sử của Đảng và nhân dân ta đã bị những phần tử cơ hội chính trị, phản động bẻ cong, bóp méo, xuyên tạc một cách trắng trợn. Đó là những hành vi thấp hèn của những kẻ vô ơn bạc nghĩa quay lưng với quá khứ, xúc phạm đến anh linh những người đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc.

Thời kỳ hội nhập, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong phát triển quan hệ ngoại giao với các nước là "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". Nhưng "khép lại quá khứ" không có nghĩa là "quên quá khứ đi" và càng không phải là xuyên tạc quá khứ, bóp méo lịch sử dân tộc. Quên tổ tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, không biết đến những năm tháng bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc, điều đó là vô cùng nguy hại! Sẽ là một bi kịch cho tương lai đất nước nếu thế hệ trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng với lịch sử dân tộc. Không ai mong đất nước có chiến tranh, nhưng giặc xâm lăng đã buộc chúng ta phải cầm súng để chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Thử hỏi nếu không có sự hy sinh xương máu của lớp lớp các anh hùng liệt sĩ, thì làm sao chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay? Sự thảm khốc của chiến tranh đời đời còn in dấu. Mặc cho mưa bom, bão đạn, lớp lớp thế hệ cha anh chúng ta đã bất chấp hiểm nguy để vượt lên, bởi họ hiểu rất rõ rằng, sự hy sinh ấy là hy sinh cao cả, thiêng liêng cho đất nước; là để giành lại, giữ gìn hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân. Thấu hiểu và tự hào về quá khứ hào hùng đó là điều hết sức cần thiết và là trách nhiệm của mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ.

Chúng ta không ai mong muốn con cháu mình tiếp tục phải chịu đựng gian khổ, tiếp tục phải đổ máu, hy sinh. Nhưng chúng ta luôn mong muốn thế hệ con cháu phải biết trân trọng quá khứ, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha. "Ôn cố tri tân", hiểu quá khứ để hướng tới tương lai, đó vừa là đạo lý vừa là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Quên quá khứ, không biết đến truyền thống ông cha là có tội với lịch sử. Quá khứ-hiện tại- tương lai là dòng chảy liên tục của lịch sử. Tương lai không thể tươi sáng, cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do và hạnh phúc không thể vững bền nếu như chúng ta quên quá khứ./.

Nguồn: qdnd.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi