Thứ Tư, 25/12/2024
Nếu quên xin được nhắc lại!

Chuyện thứ nhất là vụ việc bà Phó Chủ tịch Quận Thanh Xuân đi ăn trưa, đỗ xe dưới lòng đường, được dân nhắc nhở đã không nhìn nhận đúng sai, phải trái thế nào lại lớn tiếng đôi co, không những vậy lại tỏ thị uy quyền lực gọi điện thoại cho chủ tịch và công an phường ra giải quyết rồi thản nhiên đi ăn với bạn như không có điều gì xảy ra.

Chuyện thứ hai cũng là câu chuyện của bà Phó chủ tịch nhưng ở cấp cơ sở hơn thuộc phường Văn Miếu (Quận Đống Đa) người dân lên chứng nhận giấy chứng tử từ sáng sớm đến quá chiều mới được giải quyết sau hồi cãi vã đôi co, đúng sai phải nhờ đến thanh tra vào cuộc… Cả hai việc trên thực ra là những việc rất bình thường trong quan hệ ứng xử cũng như giải quyết công việc thường ngày. Nếu bình tĩnh, nhìn nhận, xử lí vấn đề một cách nhân văn, văn hóa đúng với chức phận của mình mọi việc sẽ ổn thỏa, tốt đẹp bao nhiêu.

Ở trường hợp thứ nhất chỉ cần lời nói nhã nhặn với người dân, như tôi không biết nơi này cấm đỗ xe; tôi xin lỗi sẽ đỗ lùi lại, hoặc hỏi họ có chỗ nào đỗ được? Chứ sao lại thích ra oai gọi nhắn tin điện thoại cho cán bộ phường xuống giải quyết, rất gây phản cảm.

Khác với trường hợp thứ nhất, trường hợp thứ hai thuộc về cung cách, chế độ trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với nhân dân. Dân ta vẫn thường có quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” trong trường hợp đó lẽ ra người tiếp nhận thủ tục  phải có sự cảm thông nói lời chia sẻ đồng thời phải mau chóng tìm gặp người có quyền kí giấy cho gia chủ càng nhanh càng tốt. Nếu người được phân công kí là bà Phó chủ tịch bận công việc không có mặt tại cơ quan thì báo cáo xin ý kiến của Chủ tịch phường giải quyết hoặc chủ động tìm tới nơi họp, nơi làm việc của bà Phó chủ tịch xin bằng được chữ kí, thời gian chỉ ít phút là xong. Đã thế khi xảy ra sự việc không thể hiện thái độ cầu thị mà lại tìm cách ngụy biện đúng quy định, quy trình…

Còn nhớ sau ngày Tuyên bố Độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời chỉ giáo hết sức nghiêm khắc và mang tính cảnh tỉnh: Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải cậy thế với dân. Cán bộ của chính quyền là công bộc của dân.Trong công cuộc đổi mới đất nước nhằm củng có và nâng cao bộ máy chính quyền của dân, do dân và vì dân nhất là chính quyền cấp cơ sở. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, nghị định nhấn mạnh đề cao và yêu cầu bắt buộc công chức trong bộ máy nhà nước nói chung, chính quyền cơ sở nói riêng phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành “ Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh… Nhà nước cũng đã ban hành Luật Cán bộ, công chức, Luật  Viên chức trong đó có nêu một nguyên tắc rất cơ bản: Cán bộ, công chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

Nhằm cụ thể hóa Luật và cuộc sống, Bộ Nội vụ đã Ban hành Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/2/2007 Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, trong đó Điều 10 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức không được trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi nhiệm vụ, công vụ do mình thực hiên gây ra hậu quả tới ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình hoặc của cơ quan, đơn vị tổ chức khác hoặc vi phạm tới quyền lợi chính đáng, danh dự, nhân phẩm công dân; Cán bộ công chức viên chức không được cố tình kéo dài thời gian hoặc từ chối sự phối hợp của những người trong cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan và của công dân khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Cán bộ, công chức viên chức không được che giấu bưng bít và làm sai lệch nội dung các phản ảnh của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị mình hoặc cơ quan, đơn vị tổ chức khác hoặc của công dân về những việc liên quan đến chức năng nhiệm vụ do mình được giao thực hiện không đúng quy định của pháp luật.

Điều 15 trong bộ Quy tắc ứng xử còn nêu rõ: Cán bộ, công chức viên chức không được vi phạm các quy định về nội quy, quy tắc ở nơi công cộng, không được vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mĩ tục tại nơi công cộng để đảm bảo sự văn minh tiến bộ của xã hội….

Muốn làm tròn bổn phận “công bộc” của dân,  trước hết phải ghi tâm và làm được những điều đó.

Quang Nguyễn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi