Thứ Ba, 24/12/2024
“Tiền kiểm” và công khai!

 Ảnh minh họa

Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đã được thực hiện nhiều năm nay và ít nhiều đã có tác dụng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nói như thế không có nghĩa là việc kê khai tài sản, thu nhập (kê khai tài sản) đã đạt kết quả như mong muốn của nhân dân.

Tuy vậy, công bằng mà nói, mỗi lần cơ quan chức năng công bố việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, dư luận không thể không bất ngờ, thậm chí là “sốc”, vì... toàn thấy “màu hồng”. Năm 2015, hơn 1 triệu người kê khai tài sản nhưng không phát hiện trường hợp nào thiếu trung thực trong số 414 trường hợp bị xác minh. Năm 2016, hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện 3 người kê khai thiếu trung thực trong số 77 trường hợp bị xác minh !?

Số lượng người kê khai tài sản tính bằng đơn vị hàng triệu, nhưng số trường hợp phải xác minh tính bằng đơn vị hàng trăm. Còn số người kê khai thiếu trung thực lại tính bằng đơn vị “siêu nhỏ” (3 người)! Sự thật bất bình thường này có nguyên cớ từ khoảng trống pháp luật.

Chưa có quy định mọi trường hợp kê khai tài sản đều phải xác minh, kết luận trước khi công khai tại cơ quan, đơn vị, nên tính trung thực trong mỗi bản kê khai tài sản rất khó đoán định.

Chưa có quy định người kê khai tài sản phải công khai, minh bạch tài sản ở cả nơi cư trú, nên vô hình trung đã làm hạn chế vai trò giám sát của nhân dân. Thực ra, trừ tài sản chôn dưới đất, tiền mặt, đô la, vàng bạc..., còn lại nhà đất, ôtô và tài sản khác của cán bộ, công chức (kể cả nhờ người đứng tên) thì cũng không phải lúc nào cũng qua được “tai mắt nhân dân”. Trong nhiều trường hợp những khu đô thị mới, những dự án “đất vàng”, người dân có thể chỉ ra được nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng của không ít cán bộ trong diện phải kê khai.

Chống tham nhũng cần nhiều giải pháp, trong đó có việc kiểm soát, công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức.

Muốn kiểm soát được tài sản hiện có và tăng thêm, cần có quy định “tiền kiểm” việc kê khai tài sản. Việc “tiền kiểm” vừa nhằm mục đích làm rõ nguồn gốc tài sản, vừa nâng cao tính trung thực của người kê khai tài sản. Nếu kê khai nguồn gốc tài sản do gia đình kinh doanh mà có thì phải kiểm tra doanh số, doanh thu, đầu vào đầu ra và nhất là thuế đã đóng theo quy định. Nếu nói tài sản được tặng cho, thừa kế thì phải chứng minh bằng di chúc, hợp đồng tặng cho, thuế chuyển quyền sử dụng, sở hữu tài sản...

Qua “tiền kiểm”, nếu phát hiện kê khai sai, gian dối thì phải công khai kết quả xử lý, ngược lại thì cũng minh oan cho cán bộ, công chức vì luật pháp khuyến khích nhân dân, cán bộ, công chức phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp chính đáng.

Sau “tiền kiểm” là thực hiện cơ chế công khai, minh bạch tài sản của người kê khai tại cơ quan, đơn vị và nơi ở. Công khai, minh bạch chính là hình thức giám sát của nhân dân, dư luận, báo chí về sự liêm chính của “công bộc”. Bởi, "Tính công khai như thanh bảo kiếm, nó phanh phui cắt bỏ những ung nhọt, đồng thời làm lành vết thương của chúng ta”.

Khi luật pháp tường minh và không còn khoảng trống thì tham nhũng không còn đất sống, không còn những chuyện cười ra nước mắt - xây “biệt phủ” từ tiền buôn bán chổi đót, nuôi heo.../.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 15/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi