Thứ Sáu, 24/1/2025
“Sân sau”!

Ảnh minh họa

Không ít người cho rằng, một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, có nhiều "mối quan hệ" ngày càng có nhiều hình thức tác động, gây ảnh hưởng với đơn vị, tổ chức có những dự án kinh tế để người nhà, người thân hoặc doanh nghiệp “sân sau” của mình tiếp cận, "chi phối hiệu quả" các dự án kinh tế, gói thầu. Đây là một hình thức móc ngoặc giữa quan chức và doanh nghiệp để hợp thức hóa việc tham nhũng, bòn rút của công… Những nguồn lợi bất chính đã thôi thúc không ít cán bộ tha hóa biến chất tìm kiếm, tạo dựng cho mình những “sân sau” để chuộc lợi.

Có một thực tiễn không thể phủ nhận là trong xã hội đang tồn tại những quy ước, những ngầm định chỉ dành cho “nhóm lợi ích”, những người trong cuộc mới hiểu, nó được ngầm hiểu là luật bất thành văn hay “luật ngầm”, nhiều "sân sau” của quan chức được sinh ra từ đây. Cơ chế xin - cho từ lâu đã là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận không nhỏ quan chức tha hóa biến chất thao túng. Và doanh nghiệp muốn có được những dự án kinh tế, gói thầu lớn, nhỏ thì đều phải “chạy”. Đó là cái vòng luẩn quẩn giữa bên “có và cần”, tạo ra luật chơi đẩy họ đến chỗ cần nhau. Và tất yếu “sân sau” hình thành, tác động chi phối các quan  hệ kinh tế- lợi ích...

Câu chuyện chạy dự án, chạy nguồn, chạy vốn, chạy quan hệ không còn xa lạ với các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp xem việc có được mối quan hệ và trở thành “sân sau” của các quan chức có khi còn quan trọng hơn cả việc phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Tìm kiếm, kéo người nhà, người thân của quan chức vào cuộc chơi của các doanh nghiệp được xem như là một xu thế kinh doanh thời thượng, một kiểu cạnh tranh mới, cạnh tranh mối quan hệ của doanh nghiệp với quan chức, cho dù chỉ là hơi hướng.

“Luật ngầm” là gì? Nó có tác động và ảnh hưởng ra sao? Chúng ta chưa hẳn đã quên những câu chuyện ồn ào mà báo chí đề cập một số vụ việc liên quan đến “bổ nhiệm người nhà” ở một số cơ quan, địa phương vừa qua. Người đứng đầu ở những cơ quan, địa phương ấy họ đã lên tiếng rằng: Khi cơ quan làm công tác cán bộ liên quan đến người nhà, vợ, con,…họ, đều được thực hiện khách quan theo đúng qui trình của tổ chức. Họ không trực tiếp giới thiệu, không vận động, không dùng ảnh hưởng của mình để tác động có lợi cho người nhà mình… Có điều, đã ở cùng cơ quan thì không ai lại không biết các mối quan hệ “dây mơ rễ má” của cấp trên và dĩ nhiên người ta tự phải ngầm hiểu cần phải làm gì…, nhất là lại cùng “nhóm lợi ích” với cấp trên.

Đâu cần quan chức phải ra mặt, phải lên tiếng mà người nhà, người quen hay doanh nghiệp “sân sau” của họ mới có lợi thế, thứ lợi thế không có trong luật định, không có trong các tiêu chí năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nó ẩn kín nhưng lại có sức mạnh vô hình có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh. Thậm chí chỉ cần doanh nghiệp “sân sau” mang theo thư tay hoặc điện thoại giới thiệu hay có tín hiệu để lộ ra mối quan hệ với ông nọ, bà kia là người có chức, có quyền thì họ sẽ tiếp cận với các dự án kinh tế, gói thầu… thuận lợi và dễ dàng hơn. Và… như vậy, chống lưng cho các doanh nghiệp hay các doanh nghiệp là “sân sau” của một số quan chức ở nước ta không còn là chuyện hiếm, cũng như “nhóm lợi ích” được hình thành thông qua sự móc ngoặc giữa một số quan chức nhà nước với các doanh nghiệp để giành những dự án kinh tế, gói thầu,... ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

“Luật ngầm” có sức ảnh hưởng ghê gớm. Nó chi phối không ít hoạt động trong xã hội từ hoạt động kinh tế, thậm chí đến công tác cán bộ như một số vụ việc bổ nhiệm cán bộ ở một số cơ quan, địa phương vừa qua… Cũng vì lợi ích của nó đem lại mà nhiều doanh nghiệp, mặc dù năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh gần như không có gì nhưng vẫn thắng thầu ở những dự án kinh tế lớn. Điển hình là những dự án BOT, BT giao thông đã được báo chí phản ánh thời gian qua. Không ít câu hỏi đặt ra, làm thế nào để doanh nghiệp A, Công ty B lại có thể trúng thầu dự án A,N,Z. Họ đã biến hóa bằng những phép màu nào để hợp thức hóa, để đáp ứng những tiêu chí yêu cầu tối thiểu của các dự án, nhiều công ty có năng lực kinh nghiệm có khi lại chỉ là nhà thầu phụ, thầu lại hoặc làm thuê,..? Để trả lời câu hỏi này, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu!?

Có bao nhiêu doanh nghiệp “sân sau” đã thắng thầu ở các dự án kinh tế, ở các gói thầu…, bằng chứng đâu để nói các doanh nghiệp thắng thầu là “sân sau” hay có “mối quan hệ” với những người có chức, có quyền? Quả là quá khó để tìm được câu trả lời thỏa đáng, càng khó hơn khi phải đưa ra bằng chứng để chứng minh quan chức có liên quan với các “mối quan hệ” đã tác động như thế nào để có được lợi thế. Người nhà, người thân, người quen của họ có hoạt động kinh tế thì chắc gì đã liên quan đến họ (các quan chức). Hơn nữa, theo qui định của pháp luật thì người nhà, người thân, người quen của các quan chức có tham gia các hoạt động kinh tế cũng là chuyện bình thường, ngoại trừ những qui định của Luật phòng chống tham nhũng.

Thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế được phát hiện và đưa ra xét xử. Bóng dáng của các quan chức được đề cập ở các vụ án kinh tế ngày càng nhiều. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các vụ nổi cộm bị xử lý thời gian gần đây cũng mới chỉ là những tảng bằng nổi. Có lẽ còn không ít những tảng băng chìm chưa nổi lên do tính chất vô cùng phức tạp của một số vụ việc, vụ án có yếu tố từ các "sân  sau"!. Dư luận cũng cho rằng, không ít "doanh nghiệp ma" sống bằng "sân sau" sẽ dần bị chết yểu. Và hệ lụy, hậu quả của các sâu sau là các vụ án kinh tế là một tất yếu. Trong một cuộc khảo sát, Thanh tra Chính phủ cho biết có đến 40% doanh nghiệp khi được hỏi nói rằng đã từng sử dụng các mối quan hệ với các cán bộ có chức có quyền để có được điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dự án. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn, chi phí để xây dựng mối quan hệ với quan chức rất tốn kém, nhưng nếu không có mối quan hệ hoặc không được chống lưng của quan chức thì họ rất khó để tiếp cận được các dự án kinh tế, gói thầu…

Có thể thấy, ngoài thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế còn không ít hạn chế gây cản trở sự phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh thì còn một rào cản khác được dựng lên bởi những cán bộ tha hóa, biến chất, họ là những người có chức, có quyền, có ảnh hưởng trực tiếp đến những dự án kinh tế…

 Một môi trường kinh doanh lành mạnh là các doanh nghiệp phải được cạnh tranh một cách bình đẳng, không phải trông cậy vào các mối quan hệ hay các thế lực chống lưng để chiếm lợi thế. Sẽ là thụt lùi nếu các doanh nghiệp vẫn bị chi phối bởi lối tư duy cố hữu của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền.

Cần phải nghiêm trị và loại bỏ khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ tha hóa, biến chất đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời cần xử lý nghiêm khắc những quan chức, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, có những hành vi can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào các dự án kinh tế, gói thầu…

Cộng đồng doanh nghiệp đang nhận rõ sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, sự nỗ lực của Chính phủ tạo dựng quốc gia khởi nghiệp. Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, nhiều rào cản về cơ chế, chính sách kinh tế được tháo dỡ, nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ cụ thể hóa ở Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Tuy nhiên, để loại bỏ những rào cản vô hình mang tên “sân sau” và “luật ngầm” như đã đề cập ở trên thì đòi hỏi cần có sự chuyển động mạnh mẽ mang tính đột phá hơn nữa của cả bộ máy, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án kinh tế, dự án đầu tư công./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 11/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi