Nhà cửa ở đô thị xây cất không phép, trái phép, hỏi người có trách nhiệm cấp phường, cấp quận, rằng có biết không, thường được trả lời, “Không biết”.
Từ ngày Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng rừng tự nhiên tiếp tục bị khai thác, chặt phá. Nhiều vụ lâm tặc đưa phương tiện vào những khu rừng không xa trụ sở chính quyền, trạm kiểm lâm đốn hạ, cưa xẻ, vận chuyển gỗ rừng, không hề lén lút, nhưng kiểm lâm, chính quyền vẫn “không hề biết gì”.
Gần đây, khi các vụ “đại án”liên quan đến tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế được đưa ra xét xử, khi toà hỏi về việc chia chác tiền bạc, trách nhiệm công vụ, trách nhiệm cá nhân trong từng hành vi, nhiều bị cáo và người có liên quan “thủ” sẵn câu trả lời: “không biết”.
|
Nhà cửa ở đô thị xây cất không phép, trái phép, hỏi người có trách nhiệm cấp phường, cấp quận,
rằng có biết không, thường được trả lời, “Không biết”. |
Ngoài biển, tàu bè hút cát đem ra nước ngoài bán hoặc bán cho các công trình san lấp mặt bằng trong nước, ầm ĩ suốt ngày đêm, nhưng chính quyền và lực lượng chức năng, thường lại vẫn “không biết”.
Nhiều vụ việc, mười mươi, người có trách nhiệm phải biết, rất biết, nhưng khi dư luận ồn ào, chuyện vỡ lở, người đứng đầu địa phương mặc nhiên trả lời báo chí “không biết”, hoặc “chưa có thông tin”, hoặc “chưa được báo cáo”…
Một sở, giám đốc cho lập nhiều đơn vị trái quy định, bổ nhiệm thừa hàng chục cán bộ cấp phòng, bổ nhiệm “thần tốc” cán bộ không đủ tiêu chuẩn, dư luận ồn ào, nhưng vị giám đốc sở vẫn được thăng tiến lên vị trí cao hơn, vì các cơ quan liên quan và người có trách nhiệm cao nhất của địa phương này...không biết.
Có vị chủ tịch tỉnh, ký quyết định bổ nhiệm một trường hợp giám đốc sở, là em trai. Người này kê khai tài sản không trung thực, nhưng vẫn được ký bổ nhiệm, vì chị gái không biết em trai có nhiều tài sản, không biết em trai kê khai không trung thực?
Gần đây, vụ Khaisilk, gần 30 năm đại gia lụa tơ tằm nhập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt, lừa dối khách hàng. Khi bị phát giác, ông chủ làm như vô can, không biết, đổ lỗi cho nhân viên bán hàng. Vụ làm ăn gian dối kéo dài nhiều chục năm, nhưng hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý thị trường, hải quan, không hay biết.
“Không biết” đang như là chiêu trò của những vị quan chức thừa lòng tham mà thiếu trung thực, lừa dối dư luận, né tránh trách nhiệm. Họ rất biết đòi quyền lợi, thu gom bổng lộc nhưng luôn thường trực ý thức trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm.
“Không biết” đang thành thứ hội chứng, làm méo mó hình ảnh người cán bộ cách mạng, làm khó cơ quan chức năng, khiến người dân e dè khi đặt niềm tin vào họ.
Trước mỗi sự vụ, khi quan chức cất lời “không biết”, dân biết họ nói thật hay nói dối và tức thì bày tỏ thái độ tôn trọng hoặc coi thường. Có nơi, mỗi khi cán bộ lãnh đạo thuộc hội chứng “không biết” xuất hiện trên truyền hình, người dân liền tắt ti vi. Người dân bày tỏ thái độ bằng cách “không buồn nhìn mặt lãnh đạo”.
Phải có cách để buộc những quan chức nhiễm hội chứng “không biết”, phải biết.
Khi họ nói “không biết”, tức là họ tự nhận thiếu trách nhiệm, yếu kém năng lực, không xứng đáng với vị trí mà họ đang giữ. Vậy thì có nên để họ giữ mãi cái ghế ấy nữa không?
Một nền công vụ minh bạch, thượng tôn kỷ cương, phép nước, đề cao trách nhiệm giải trình, rất cần, để dần dần triệt tiêu hội chứng “không biết” ở một phận công chức, quan chức. Nhưng bên cạnh đó, không thể xem nhẹ hay lơi lỏng yếu tố kiểm tra, giám sát.
Xây dựng chuẩn mực văn hóa nền cho đội ngũ công chức, quan chức, là công việc cấp thiết. Thứ gọi là văn hóa, nhưng là văn hóa xấu xí, với những biểu hiện ham hố quyền lực, chạy ghế và giữ ghế để thu lợi lộc trong một bộ phận công chức, quan chức, nguy cơ vượt trội, khiến yếu tố văn hóa tử tế ở những người nhân danh công bộc của dân trở nên rất mảnh yểu. Họ không thực thi hết chức phận cho xứng với đồng tiền bát gạo của dân và sự tin cậy của đảng. Đã thế, khi có sự cố, họ né tránh trách nhiệm, không dũng cảm nhận lỗi. “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”- quan chức thời xưa đã nghĩ thế, hành xử thế./.
Nguồn: vietnamnet.vn, ngày 2/11/2017