Thứ Sáu, 13/9/2024
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

 Ảnh minh họa

Ngày 25/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” với tinh thần chung là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Trước đó, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư đã nêu rõ: Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Vấn đề này lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi tại diễn đàn Quốc hội mấy ngày qua, vấn đề này tiếp tục được các đại biểu Quốc hội bàn luận và trở nên rất “nóng”. Ai cũng nhìn thấy rất rõ: Bộ máy các cơ quan nhà nước hiện nay rất cồng kềnh, còn nhiều tầng nấc trung gian, mô hình “bộ nhỏ trong bộ to” mà người dân hay gọi là “siêu bộ”. Rồi tình trạng khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không thu hẹp mà còn “phình” to, trong đó không ít người làm việc kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp về” mà ngân sách phải nuôi từ lương bổng, trụ sở, xe cộ…

Hàng loạt ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất sắc sảo, thẳng thắn. Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa: Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị nêu cơ bản không tổ chức phòng trong vụ. Tuy nhiên hiện nay chỉ có 2/22 bộ không tổ chức phòng/vụ. Hiện, số phòng/vụ tuy đã giảm nhưng vẫn còn tới 681 phòng. Như vậy 1 vụ có 4 phòng, thậm chí có vụ tới 7 - 8 phòng, rõ ràng chúng ta đã biến cái “cá biệt” đặc thù thành “phổ biến”. Bên cạnh đó, có bộ đã giải thể số phòng trong tổng cục, nhưng một số phòng trong tổng cục lại được nâng cấp lên thành cục, thậm chí với số lượng nhiều hơn. “Phải chăng đây là cách lách luật gây khó khăn trong phối hợp công tác, quá nhiều tầng nấc trung gian, khó điều hành, giảm hiệu quả, hiệu lực công việc. Việc thành lập phòng trong vụ cũng góp phần gây lên số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức”- bà Hoa đặt vấn đề.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ, cứ tinh giản bộ máy lại phình ra, tăng thứ trưởng quá quy định... khiến cho đề án cải cách tiền lương không thể cải thiện. Nhiều nơi thiếu nghiêm túc trong đề bạt bổ nhiệm cán bộ, hình thành một số chức danh không đúng quy định như cấp hàm, có bộ có đến 9 thứ trưởng. “Trung ương làm được thì bộ ngành, tỉnh xã cũng làm theo. Cấp phó tăng nhanh có nơi phòng nhiều lãnh đạo mà không bị nhắc nhở, phê bình. Không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp giữa Trung ương và địa phương nên tạo ra số lượng cán bộ “sáng cắp ô đi tối cắp về” nhiều. Cung vượt quá cầu nên nhiều người cố tăng biên chế để có chỗ cho con em mình dẫn đến tình trạng chạy biên chế, chạy chức quyền”- ông Phương chỉ rõ.


 Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất hưởng lương
đã lên tới 11 triệu người. 
(Ảnh minh họa)

Một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cứ nói cải cách bộ máy hành chính mà xóa cục, vụ, lại “đẻ ra” tổng cục. Cứ nói cải cách xóa phòng trong vụ, trong cục, nhưng lại “đẻ ra” phòng, ban ở tổng cục. Cũng là cách “lách luật”, biến báo ngay trong tổ chức bộ máy của chính các bộ, ngành. Thế nên, 5 năm tinh giản, mà vẫn chưa gọn nhẹ, bộ máy hành chính lại như phình to hơn….

Có thể nói một nền hành chính quốc gia hiện đại không thể ôm mãi bộ máy cồng kềnh và đội ngũ công chức đang lộ ra quá nhiều yếu kém. Không có quốc gia nào mà 40 người dân phải nuôi một công chức? Lại càng không thể tổ chức bộ máy, từ vĩ mô đến vi mô, mà còn nhiều cơ quan chồng chéo, lấn sân nhau. Quản lý một quả trứng, trái cây, cân thịt mà vài ba bộ, ngành cùng xúm tay vào. Không thể quản lý cái túi ngân sách quốc gia mà ngành này đi vay, bộ kia rót vốn, bộ này lo trả nợ.

Tuy nhiên, nói thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm là cả một núi việc, mà lại toàn việc khó, việc lớn, việc hệ trọng, không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào, triển khai ra làm sao? Nhưng với những việc mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm và đang triển khai, đặc biệt lại nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân thì chúng ta có quyền hi vọng vào một sức mạnh tổng hợp để có thể dời non lấp biển.

Quyết tâm rõ nhất của Đảng thể hiện qua hành động thực tế là đi tiên phong khi quyết định giải thể 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ cũng như mạnh dạn tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.

Cùng với đó, thời gian qua một số địa phương đã thí điểm mô hình tinh gọn như Trung ương đề ra. Chẳng hạn, Nghệ An, Đồng Tháp với mô hình bí thư kiêm trưởng thôn; hay như Thanh Hóa, Hòa Bình ban hành khung cấp phó các phòng ban thuộc sở; Quảng Ninh với việc hợp nhất các văn phòng giúp việc vào một văn phòng... Vấn đề là các mô hình trên đã đem lại những hiệu quả nhất định. Rồi đây, những địa phương này sẽ tiếp tục việc thí điểm và các mô hình này rất có thể sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Mà cũng rất cần được nhân rộng để có bước tổng kết quan trọng cho quá trình sắp xếp lại bộ máy một cách tổng thể.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, việc cần làm ngay hiện nay là rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc. Các giải pháp mang tính đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính được đề xuất là phải thực hiện nhất quán nguyên tắc: Giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.

Đặc biệt, tinh giản biên chế là đụng đến con người cho nên phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chủ trương tinh giản biên chế, đồng thời ban hành các bộ tiêu chí đánh giá cán bộ một cách cụ thể minh bạch. Trong quá trình thực hiện phải giao quyền và có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh tình trạng cục bộ. Phải có giải pháp khắc phục triệt để những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Trong mỗi cơ quan, đơn vị, phải nghiêm túc kiểm tra lại vị trí, việc làm của từng người, xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không, xác định cần bao nhiêu vị trí làm việc để từ đó sắp xếp cán bộ, công chức chính xác, hiệu quả…

Hiện nay, số người hưởng lương và mang tính chất hưởng lương đã lên tới khoảng 11 triệu người. Không có ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Do đó, rõ ràng phải có tư duy mới, cách nhìn mới trong sắp xếp lại bộ máy và đội ngũ công chức hiện nay. Hãy mạnh dạn khoán quỹ lương, chọn đúng người tài thực chất, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, loại nhanh những công chức yếu kém ra khỏi các cơ quan nhà nước, sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau…thì mới mong có được đội ngũ “công bộc” chuyên nghiệp, tài năng như người dân cả nước mong đợi./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 2/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất