Thứ Sáu, 13/9/2024
Lịch sử không cho phép có chữ “nếu”…

Ảnh minh họa

Vì thế, một cuộc “cách mạng” về công tác này có lẽ là điều khó tránh khỏi bởi không thể duy trì mãi tình trạng nói như ĐB Trần Du Lịch “Nhiều quan thế, dân nuôi sao nổi” còn như lời dân gian thì “đa quan, tàn dân”.

Tuy nhiên, làm thế nào để tinh giản một bộ máy khổng lồ được xây dựng qua hàng loạt các phương cách tuyển dụng cả minh bạch, công khai lẫn “qui trình mềm mại” với đầy đủ các mối quan hệ “4 Ệ”, “5C” đến “tổ đổi công”, anh lo con tôi, tôi lo cháu anh… không phải dễ.

Thực tế cũng cho thấy, tuy chủ trương tinh giản đã có từ lâu nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả, lý do là bởi các biện pháp đưa ra chưa đủ mạnh.

Và lần này thì không thể không sử dụng những “biện pháp mạnh” và ý tưởng sáp nhập các tỉnh có diện tích nhỏ, dân số ít vào với nhau hình như đang được coi là khâu đột phá.

Trao đổi với báo chí, ĐB Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nên sáp nhập để giảm khoảng 10 tỉnh, từ 63 hiện nay xuống còn 53 đối với các tỉnh có số dân thấp như Bắc Kạn (hơn 300.000 dân) hay một số tỉnh có dân số từ 700.000 - 800.000 dân.

Từ kinh nghiệm sáp nhập giữa Hà Tây với Hà Nội gần 10 năm trước, nhưng bộ máy hành chính vẫn hoạt động hiệu quả, đại biểu Hòa cho rằng, các tỉnh thành khác hoàn toàn có thể thực hiện được như vậy. “Lúc đầu có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp. Cốt lõi quan trọng là hiệu quả tinh giản số lượng, giảm biên chế khủng”.

Đây là ý tương không mới bởi cách đây khoảng gần nửa thế kỉ, miền Bắc Việt Nam đã làm việc này một cách rát qui mô. Hàng loạt các tỉnh sát nhau được ghép lại như Bắc Ninh + Bắc Giang = Hà Bắc, Vĩnh Phúc + Phú Thọ = Vĩnh Phú, Hà Nam + Nam Định + Ninh Bình = Hà Nam Ninh, Nghệ An + Hà Tĩnh = Nghệ Tĩnh…

Song, các “cuộc hôn nhân” này đã thất bại và hậu quả, xảy ra hàng loạt các vụ “ly hôn” và cho đến nay, hình như không “cuộc tình” nào trong vụ “ghép duyên” đó tồn tại.

Có một điều chưa lý giải được, đó là theo quan sát của người viết bài này thì những tỉnh khi sáp nhập nằm ở “phận dưới” thì sau khi “ly hôn”, họ lại có những bước phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Tĩnh… sau “ly hôn” đều có sự tặng trưởng mạnh mẽ.

Trở lại với đề xuất của ĐB Hòa, việc sáp nhập trước đây thất bại không có nghĩa đó là một chủ trương sai về ý tưởng mà chưa thích hợp về thời điểm.

Ngày đó hệ thống thông tin và phương tiện giao thông còn rất lạc hậu. Việc đi lại khó khăn đến mức có khi đi từ trung tâm xã xuống đến bản mất cả ngày trời chưa xong, một bức thư gửi từ huyện xuống xã có khi cả tuần chưa tới…

Việc sáp nhập nếu có xảy ra, sẽ còn phải bàn bạc rất nhiều bởi sáp nhập không phải là cuộc “cưỡng hôn” về địa lý (diện tích, dân số, tiếp giáp….) mà còn hàng loạt các vấn đề cần quan tâm như sự tương đồng về văn hóa, tương đồng về kinh tế… để vừa giữ được bản sắc văn hóa, vừa phát triển.

Tức là cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố, không để xảy ra tình trạng thích thì hô “khắc nhập”, chán thì hô “khắc xuất” như trog truyện “Cây tre trăm đốt” bởi mỗi lần nhập – tách là một lần vô cùng tốn kém, xáo trộn.

Thực lòng, người viết bài này cho rằng việc sáp nhập quan trọng, song còn có một điều quan trọng hơn lại rất đáng lo ngại, đó là tư tưởng cục bộ, cát cứ vùng miền chia bè, kéo cánh.

Về tư tưởng này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cảnh báo: “Cát cứ bộ máy, nếu có thì giữ địa bàn nhỏ sẽ cát cứ nhỏ còn nhập thành địa bàn lớn thì cát cứ lớn hơn chứ sao. Cát cứ hay không thì phải xem trong nền kinh tế thị trường, nếu kinh thế thị trường phát triển mạnh thì cái đó không thành vấn đề quá lớn vì thị trường sẽ tự vượt qua yếu tố cản trở đó thôi, và người giữ tư tưởng cát cứ sẽ thua.

Tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ tinh giản, sự sáp nhập này có thể sẽ giảm hàng chục ngàn cán bộ, công chức nhưng tỉ lệ vẫn còn quá bé nhỏ so với con số khổng lồ khoảng gần 3 triệu hiện nay.

Tiếc rằng cách đây hơn 30 năm, Hội nghị Trung ương VI của Đảng đã nhận thấy vấn đề này và đề ra một phương cách rất hữu hiệu, đó là tăng tỉ lệ xã hội hóa y tế, giáo dục.

Nếu như năm 2017, chúng ta thực hiện xã hội hóa y tế và giáo dục (đến năm 2020 là 40%) theo lộ trình như Nghị quyết Đại hội 6 đề ra từ năm 1986 thì giờ đây con số công chức, viên chức sẽ giảm cả triệu người.

Song, lịch sử không cho phép có chữ “nếu”…/.

Nguồn: dantri.com.vn, ngày 6/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất