Thứ Sáu, 6/12/2024
Không để các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị

Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với những âm mưu, thủ đoạn mới, nhất là thông qua “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị từ bên trong nhằm xóa bỏ nền tảng lý luận-Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam; xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; truyền bá hệ tư tưởng tư sản phản động, xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận để đi tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, tiến tới làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, bên cạnh những thuận lợi sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường với những khó khăn, thách thức mới, nhất là khi chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, thì các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng để đẩy mạnh quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị từ bên trong để thực hiện mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chống phá cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận trong những năm tới, các thế lực thù địch sẽ tập trung chống phá trên các vấn đề chủ yếu sau đây: Xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin trên các nguyên lý cơ bản như: Lý luận về hình thái kinh tế-xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hạ thấp và đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Xuyên tạc, phá hoại Cuơng lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, nhất là các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách được thể hiện trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) và trong các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng và các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tăng cường xâm nhập vào đời sống văn hóa, vào đạo đức, lối sống, tập trung tấn công vào nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng cách làm phai mờ những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của chúng ta, kết hợp với việc gieo rắc những sản phẩm văn hóa phản động, tuyên truyền lối sống thực dụng trong xã hội ta, nhất là trong thế hệ trẻ, trong sinh viên, học sinh. Lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…, những vấn đề do lịch sử để lại, những “điểm nóng” về an ninh, trật tự, an toàn xã hội để kích động chống phá ta, nhất là trên các địa bàn chiến lược quan trọng, những vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đang có những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để gây áp lực, bôi nhọ, xuyên tạc, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đối với Quân đội ta, các thế lực thù địch sẽ tăng cường thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội, tìm cách tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng; từng bước làm suy yếu bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân. Tìm cách phá vỡ hệ tư tưởng của Đảng trong quân đội; làm xói mòn về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Trước sự chống phá ngày càng tinh vi, thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động đấu tranh phòng, chống, từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng đến xây dựng và triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống và đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa nói chung, lĩnh vực tư tưởng, lý luận nói riêng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, của ban chỉ đạo các cấp trong xác định kế hoạch và tổ chức lực lượng, triển khai các hoạt động đấu tranh phòng, chống; việc phối, kết hợp đấu tranh và điều kiện bảo đảm thông tin, tư liệu, kinh phí cho hoạt động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Để góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau đây:  

Tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức, xác định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Thông qua các hình thức, biện pháp, kết hợp giữa giáo dục với tự giáo dục để nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận về: Tính cấp thiết, vị trí, vai trò, tính chất, đặc điểm, nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ đạo, của ban chỉ đạo các cấp, của các lực lượng chuyên trách và của những lực lượng khác trong tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Vị trí, vai trò, trách nhiệm tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận phải gắn chặt với vị trí, vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trên các cương vị được giao.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Trong đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của ban chỉ đạo các cấp trong xác định chủ trương, biện pháp, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Xác định rõ nội dung, hình thức, biện pháp, tổ chức lực lượng và xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh phù hợp và có hiệu quả thiết thực. Xác định rõ nội dung đấu tranh, trong đó tập trung vào những nội dung mà các thế lực thù địch chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới những hình thức, biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nhằm đem lại hiệu quả cao. Nghiên cứu tổ chức lực lượng đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hợp lý, quan tâm xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt; thường xuyên quan tâm phối hợp, kết hợp tốt giữa các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Thường xuyên quan tâm nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Thông qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận để thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công để tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh có hiệu quả hơn. Trên cơ sở sơ kết, tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận để tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về những vấn đề liên quan đến đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Quan tâm đầu tư những điều kiện bảo đảm cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ngày càng hợp lý, có hiệu quả hơn. Quan tâm đầu tư bồi dưỡng lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận về phẩm chất chính trị, đạo đức, về tinh thần đoàn kết, về ý thức kỷ luật, về năng lực và phương pháp đấu tranh. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm về mặt thông tin, tư liệu cho các lực lượng tham gia đấu tranh kịp thời, cập nhật, chính xác. Có cơ chế, chính sách, chế độ cụ thể bảo đảm sự quan tâm đối với các lực lượng tham gia đấu tranh trên mặt trận khó khăn, phức tạp và quyết liệt này.

Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” với “chống”, lấy xây dựng cho ta mạnh lên là chính để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có nhận thức sâu sắc về bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng các tổ chức chính trị xã hội vững mạnh toàn diện, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương với những phong trào cách mạng rộng khắp tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng con người mới, chống sự xâm nhập và nảy sinh các quan điểm, tư tưởng phản động, phản văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội./.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 1/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi