Mới đây, tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra các biểu hiện và nghiêm khắc phê bình một số đơn vị báo cáo thiếu trung thực về thành tích tăng trưởng kinh tế. Tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII vừa diễn ra, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện báo cáo thiếu trung thực của không ít tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Bài học về căn bệnh thành tích, “làm đẹp” con số trong báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn thời gian qua vẫn luôn là đề tài thời sự trong môi trường kinh tế. Mặc dù làm ăn thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản, nhưng báo cáo tổng kết hằng năm của các đơn vị này vẫn luôn hiện hữu những con số thể hiện sự tăng trưởng. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thì sự thật mới được phơi bày.
Báo cáo thiếu trung thực là kiểu nói dối hết sức nguy hại. Nếu không kịp thời ngăn chặn, để nó lặp đi lặp lại sẽ là tác nhân gây hại khôn lường, hậu quả khó mà đong đếm, làm mất lòng tin của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ, việc giấu giếm khuyết điểm, bệnh thành tích, háo danh, phô trương, thổi phồng thành tích… là những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên, trực tiếp là người đứng đầu, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng các cấp và sinh hoạt đấu tranh phê bình, tự phê bình thường xuyên trong cấp ủy, tổ chức đảng là những "vũ khí" đẩy lùi tình trạng báo cáo thiếu trung thực.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã và đang đưa đời sống xã hội tiến những bước dài vào thế giới văn minh, nhưng bài học về tính trung thực thì thời nào cũng thế./.
Nguồn: qdnd.vn, ngày 8/12/20117