Thứ Ba, 24/12/2024
Tự phê bình thành khẩn, tự giác nhận khuyết điểm

Thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, không tự giác nhận kỷ luật, thực chất là sự yếu kém trong tự phê bình. Tự phê bình có thể hiểu khái quát là bản thân mỗi người, mỗi tổ chức đảng tự nhìn lại quá trình học tập, công tác, sinh hoạt của mình xem cái gì mạnh-cái gì yếu, cái gì đúng-cái gì sai, cái gì làm được và cái gì chưa làm được; cái gì là tích cực-cái gì là tiêu cực, mức độ đúng-sai, tốt-xấu cụ thể đến đâu, để từ đó tìm ra biện pháp phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm.

Như vậy có thể thấy đích đến của tự phê bình rất nhân văn, nhưng nếu mỗi người, mỗi tổ chức thiếu thành khẩn, không tự giác thì công việc này sẽ trở thành hình thức. Để tự phê bình được tốt thì trước tiên các tổ chức đảng và từng đảng viên phải thành khẩn nhận khuyết điểm, tự giác và dũng cảm nhận kỷ luật. Thế nhưng trên thực tế thời gian qua bên cạnh những mặt làm được, việc tự phê bình trong Đảng còn nhiều điều đáng bàn. Đề cập đến vấn đề này, Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIIvề tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đã kiểm điểm và chỉ rõ: Sau nhiều năm thực hiện các nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng suy thoái trong Đảng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có dấu hiệu cho thấy còn phức tạp hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó được Đảng ta nhấn mạnh là thực hiện không nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là tình trạng “có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật...”. Đảng ta coi đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.


 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Trong cuộc sống chúng ta thường nói với nhau “nhân vô thập toàn”, “ngọc còn có vết”. Điều này cũng có nghĩa con người ta không ai là hoàn hảo 100%. Trong mỗi người luôn tồn tại những mặt đối lập. Người tốt không phải hoàn toàn không có những mặt xấu, mặt hạn chế và ngược lại người xấu cũng không phải hoàn toàn xấu, không phải không có điểm gì tốt. Người tốt đừng bao giờ chủ quan tự cho mình là hoàn hảo, là tốt đẹp mà không phấn đấu. Chủ quan, thỏa mãn, không rèn luyện thường xuyên là cơ hội để những cái xấu vốn có trong mỗi con người trỗi dậy, khiến ta sa ngã, vi phạm kỷ luật, thậm chí rơi vào tội lỗi. Như vậy vấn đề là ở chỗ mỗi người chúng ta phải luôn biết chế ngự các mặt xấu, mặt tiêu cực và phát huy những mặt tốt, mặt tích cực để trở thành những người có ích cho tập thể, cho xã hội. Tự kiểm điểm, tự phê bình một cách thành khẩn, nghiêm túc là việc làm rất cần thiết, rất quan trọng để thực hiện điều đó.

Nói là vậy nhưng việc thực hiện công việc này không hề đơn giản. Biết là cần thiết, là quan trọng nhưng không phải ai cũng muốn làm và làm cho đến nơi đến chốn. Tâm lý của không ít người hiện nay là "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại", không "vạch áo cho người xem lưng"... Khi tự kiểm điểm, tự phê bình, cán bộ, đảng viên ta chủ yếu nói về kết quả, thành tích, phần khuyết điểm chỉ là thứ yếu, chung chung với một điệp khúc đã trở thành quen như: "Tính tình đôi khi còn nóng nảy", "tác phong làm việc đôi khi chưa khoa học", "đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế", "chưa chủ động trong công việc"... Và trên thực tế chưa ai thành khẩn, tự giác, dũng cảm kiểm điểm trước tập thể rằng "tôi đã tham nhũng", "tôi đã vi phạm nguyên tắc", "tôi làm trái quy định của Nhà nước"... Chỉ đến khi tổ chức kiểm tra, thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, mọi chuyện vỡ lở thì lúc ấy sự việc đã đi quá xa và trở thành chuyện đã rồi. Không ít người mặc dù lỗi lầm đã được chỉ ra nhưng vẫn không trung thực, không thành khẩn báo cáo trước tập thể, mà cố tình ngụy biện che đậy, lấp liếm, khi tổ chức phải áp dụng hình thức xử lý thì không dũng cảm nhận kỷ luật. Thậm chí có người khi ra hầu tòa, mặc dù sai phạm đã rõ ràng, với đầy đủ chứng cớ nhưng vẫn còn quanh co đổi lỗi cho người khác, cho tập thể.

Dũng cảm nhận lỗi, nhận kỷ luật là hành động thể hiện sự chịu trách nhiệm về những việc mà mình đã làm. Khi trung thực nhận lỗi, dũng cảm nhận kỷ luật chúng ta sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn bởi mọi chuyện đã rõ ràng, sáng tỏ. Những người thành khẩn nhận lỗi, dũng cảm nhận kỷ luật chắc chắn sẽ rút ra được bài học cho mình để sửa chữa tiến bộ, để không tái phạm những lỗi lầm đã mắc phải. Ngược lại, những người có khuyết điểm mà thiếu thành khẩn, không dũng cảm nhận kỷ luật thì thật khó rút ra bài học để sửa chữa và sớm muộn sẽ tái phạm.

Thường xuyên tự phê bình và phê bình nghiêm khắc là biện pháp hữu hiệu để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao khả năng “tự đề kháng”, phòng chống những biểu hiện thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả. Để làm tốt công việc này, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, người đứng đầu cần nhận thức rõ ràng về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng và sự cần thiết của việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Chỉ có trên cơ sở thống nhất về nhận thức chúng ta mới có sự đồng thuận và quyết tâm trong tổ chức thực hiện, duy trì chế độ tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc.

Môi trường sống, môi trường làm việc cũng là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc tự phê bình và phê bình, cụ thể hơn là ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển cái tốt, cái xấu trong mỗi con người. Vì thế nếu không có một môi trường dân chủ, mọi người chân thành, thẳng thắn thì thật khó để mỗi cán bộ, đảng viên thành khẩn tự phê bình, tự giác nhận kỷ luật. Do đó cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

Một trong những yêu cầu mà Ban Chấp hành Trung ương đặt ra trong thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW là các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thực sự gương mẫu để cho các cấp học tập, noi theo. Đây vừa là lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, vừa là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng. Các đảng viên và cán bộ cấp dưới sẽ không tự giác, không thành khẩn nếu cấp ủy, nhất là bí thư, ban thường vụ không gương mẫu đi đầu, tự phê bình một cách hình thức qua loa, chiếu lệ.

Tự phê bình, tự kiểm điểm một cách thành khẩn, dũng cảm trước tập thể là việc không thể thiếu trong nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Dẫu biết là khó khăn, đau đớn, nhưng nếu từng người không thành khẩn, không tự giác nhận rõ, nói ra những lỗi lầm, khuyết điểm của mình và tiếp thu góp ý của người khác một cách cầu thị mà cố tình lấp liếm, bao biện thì chắc chắn không thể sửa chữa tiến bộ được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví việc thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, thiếu tự giác nhận kỷ luật như "giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng"(1). Và, theo Người, thang thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa trị căn bệnh ấy chính là tự phê bình và phê bình. Nhưng muốn phê bình người khác thì trước hết mỗi đảng viên phải phê bình nghiêm túc mình trước đã.

Tự phê bình thành khẩn, tự giác nhận khuyết điểm là cơ sở để các đảng viên thẳng thắn, chân tình phê bình chỉ rõ cho nhau những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó có biện pháp phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu, phấn đấu chuyển biến tiến bộ. Tự phê bình và phê bình sẽ mất đi ý nghĩa và mục đích đầy tính nhân văn của nó nếu để xảy ra tình trạng làm qua loa đại khái, thiếu thành khẩn, thiếu tự giác, lợi dụng tự phê bình và phê bình để “bới lông tìm vết”, tranh công đổ lỗi, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để khích bác, miệt thị, nói xấu lẫn nhau, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết. Mục đích cao nhất của tự phê bình và phê bình không gì khác đó là vì sự tiến bộ của mỗi cá nhân và sự vững mạnh của tập thể. Chỉ có thành khẩn nhận khuyết điểm, tự giác nhận kỷ luật mới giúp từng đảng viên và toàn Đảng ta nâng cao được vai trò lãnh đạo, củng cố niềm tin trong nhân dân.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập-NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, tập 5. tr 233

Nguồn: qdnd.vn, ngày 18/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi