Tháng Giêng âm lịch - mùa lễ hội diễn ra sôi động trên khắp cả nước. Có những lễ hội là sự thể hiện nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với tiến bộ văn minh, văn hóa nhân loại, nhưng cũng có rất nhiều lễ hội đã bị biến tướng đến mức phản cảm.
Báo chí, dư luận đã bàn luận, chỉ trích rất nhiều về chuyện lễ hội biến tướng. Đã có sự can thiệp, uốn nắn, chấn chỉnh, mang lại những chuyển động đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa thật tích cực, chưa đủ để khẳng định rằng các lễ hội sẽ lành mạnh hơn. Điều đáng lo ngại là hiện tượng mê tín ngày càng tràn lan đến mức tha hóa tại các lễ hội.
Những ngày đầu xuân, hàng triệu người dân và cả không ít cán bộ đã và đang bỏ thời gian, công việc, tiền của, tất tả xuôi ngược vào Nam ra Bắc, chen chúc tham gia các lễ hội. Nhưng một bộ phận không nhỏ trong số đó đến với lễ hội không phải để tham dự một hoạt động văn hóa, mà là với nhu cầu thực dụng: cầu tài, cầu lộc, cầu quan - như một cách “đầu tư” dựa dẫm thánh thần để mong được phù hộ cho mình nhanh chóng làm giàu, thành đạt. Do thiếu hiểu biết về tín ngưỡng văn hóa dân gian, thiếu am hiểu giáo lý Phật giáo, nhiều người đi hành hương đã đốt nhiều vàng mã, dâng cúng nhiều lễ vật, thậm chí nhét tiền lẻ vào tay và rải đầy dưới chân tượng.
Nhiều cán bộ, công chức, trí thức cũng bê xôi gà, heo quay, vàng mã, đèn nhang đến các đền miếu cầu tài, cầu lộc, cầu quan, xin xăm, coi bói, giải hạn. Họ mê tín, tin mù quáng vào sức mạnh của các thế lực siêu nhiên, lộ rõ sự bất tài, thiếu tự tin và thiếu nghị lực phấn đấu. Ngay trong thế kỷ 21, khi cả thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, thì ở nước ta, nhiều người vẫn dễ dàng có niềm tin mù quáng vào những lời đồn thổi xuất phát từ những kẻ bày trò trục lợi về những chuyện huyền bí như cá thần, rắn thần, thần thánh hiển linh ban ân phước cho những người cúng bái. Người ta giẫm đạp nhau tranh cướp vật phẩm thờ cúng, chen nhau thỉnh ấn, nhúng tiền vào máu của con vật bị giết hiến tế... để cầu vận may cho mình. Khi đồng tiền thâm nhập đời sống tín ngưỡng, có những cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư đã không ngần ngại buôn thần bán thánh, bịa đặt những chuyện thần bí, dựng tượng thần thánh, xây đền miếu trái phép, bày ra những lễ hội phản cảm, lợi dụng niềm tin để thu lợi.
Dù trước mùa lễ hội năm nào cũng có những khuyến cáo, quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức trưng dụng xe công và giờ công, bỏ việc để đi lễ hội, thế nhưng hành vi sai phạm này vẫn diễn ra. Khi cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sẽ là gương xấu về sự tha hóa niềm tin. Người dân nhìn vào những cán bộ, đảng viên như vậy sẽ dễ dao động, dễ lâm vào căn bệnh mê tín, dựa dẫm thánh thần.
Vấn đề hiện nay là xem xét lễ hội nào nên giữ, nên phát huy, và lễ hội nào là hủ lậu, lịch sử vượt qua rồi, thực tiễn vượt qua rồi thì loại bỏ. Cần ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan; thực thi nghiêm chỉnh pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong hoạt động lễ hội. “Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên hiện nay được biểu hiện ở cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin, ý chí và quyết tâm hành động. Do vậy, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải là những người có nhận thức đúng, có thái độ đúng và hành xử đúng, trong đó có việc phải gương mẫu trong việc xây dựng đời sống văn hóa, chống mê tín dị đoan, để quần chúng noi theo.
Để lễ hội không trở thành dịp cổ vũ cho hoạt động mê tín, dựa dẫm thánh thần, hãy trả lễ hội trở về trong khuôn khổ sinh hoạt tín ngưỡng dân gian; không vì chạy theo nguồn thu từ lễ hội mà cả hệ thống chính trị địa phương trực tiếp đứng ra tổ chức, tuyên truyền, cổ vũ, huy động cán bộ và nhân dân tham gia. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đồng thời ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, đẩy lùi hủ tục bằng cách chăm chút chọn lọc, vun bồi những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nguồn: Báo SGGP