Thứ Năm, 31/10/2024
Mấy ý kiến nhỏ xin gửi về Bộ Tài chính

Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh dự thảo đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế tài sản mà cụ thể ở đây là loại nhà ở có trị giá trên 700 triệu đồng.

Với nhiều lý lẽ, đã có nhiều và rất nhiều ý kiến chưa đồng thuận với dự thảo này. Mong rằng Bộ Tài chính lắng nghe ý kiến của người dân một cách trung thực, khách quan và tránh áp đặt.

Nói tránh áp đặt là bởi cách đây ít lâu, khi Bộ Tài chính cho biết, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 4.000 đồng/lít đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Ngay sau đó, báo Dân trí đã mở cuộc thăm dò và kết quả chỉ có 2.08% là đồng ý và số không đồng ý là 97,92%. Không biết con số “đồng thuận cao” Bộ Tài chính được lấy từ nguồn nào?

Trở lại với việc đánh thuế nhà ở, trước hết, phải nói rằng thời gian gần đây, Bộ Tài chính rất tích cực trong việc thu thuế nhằm góp phần cân đối ngân sách..

Song, việc đưa những mặt hàng như xe bán tải, trà, phân bón, nước sạch... vào diện phải chịu thuế hoặc tăng thuế suất cùng hàng loạt các các mặt hàng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... với tần suất dày đặc có thể khiến không ít người dân có suy nghĩ, Bộ Tài chính chỉ chuyên tâm vào việc thu thuế của dân càng nhiều càng tốt?

Để tránh suy nghĩ không có lợi nói trên, người viết bài này có mấy ý kiến nhỏ, xin gửi về Bộ Tài chính và rất mong được quan tâm.

Thứ nhất, hiện nay Đảng, Nhà nước đang quyết liệt tinh giản biên chế bằng nhiều biện pháp, trong đó nổi bật gần đây là ý tưởng thay đổi phương thức điều hành, quản lý hoặc sáp nhập một số tổ chức chính trị xã hội để giảm bớt đầu mối do Ban Tố chức Trung ương đề xuất.

Đây là ý tưởng rất hay. Vì vậy, bằng những số liệu cũng như trách nhiệm của mình, Bộ nên tập trung ủng hộ bởi nếu việc tinh giản thực hiện tốt, sẽ tiết kiệm một nguồn ngân sách không nhỏ.

Thứ hai, Bộ cần xây dựng, đề xuất phương án giảm bớt tối đa dạng cán bộ, công chức trong số 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về…”. Trước mắt, Bộ nên xử lý 6.000 biên chế dư thừa ngay trong Bộ theo như kết luận của Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2016.

Thứ ba, Bộ cần có phương án giám sát chặt chẽ tài chính, không để tái diễn tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí… làm thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng như ở một số vụ án vừa qua. Công bằng, đây có lẽ cũng có phần trách nhiệm không nhỏ của Bộ Tài chính. Có lẽ chỉ riêng khoản thất thoát này cũng gấp nhiều lần số tiền thu được từ nhà ở.

Thứ tư, cần có những biện pháp quyết liệt để chống thất thu thuế một cách hiệu quả hơn nữa. Tình trạng trốn thuế, lậu thuế, thậm chí có cả sự bắt tay của cán bộ thuế trong việc ăn chia với doanh nghiệp không phải là hiếm. Hãy thu hết các khoản nợ thuế cũng sẽ có một khoản tiền không nhỏ.

Thứ năm, cần quản lý chặt chẽ lực lượng Hải quan để tránh tiêu cực. Vụ việc ở Hải Phòng vừa qua cho thấy, mức thu theo qui định chỉ có 20 ngàn đồng đã bị đẩy lên gấp 10 lần (200 ngàn đồng), vậy 180 ngàn đồng (90%) đi đâu? Vào túi ai?

Thứ sáu, Bộ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa trong việc thu hồi đất đai, nhà công vụ, sử dụng xe công… Đây cũng là những khoản tiền lớn.

Trên đây là những ý kiến chưa đầy đủ và theo người viết bài này, chỉ cần khắc phục được những khiếm khuyết nói trên, sẽ có một khoản ngân sách khổng lồ, đủ để trang trải và góp phần phát triển kinh tế đất nước mà chưa cần đến thu thuế, tăng thuế như hiện nay.

Thu thuế là cần thiết, song thu bao nhiêu, thu như thế nào, thời điểm nào… và chi tiêu ra sao là cả một nghệ thuật. Dân có giàu, nước mới mạnh. Trong khi dân ta còn nghèo, cuộc sống mới gọi là tùng tiệm, nếu tận thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế vĩ mô.

Vì thế, rất cần nghệ thuật thu - chi “hài hòa” của ngưới đứng đầu Bộ Tài chính quốc gia.

Có lẽ cũng nên nhắc lại, cách đây hơn 7 thế kỉ, trước khi lâm chung, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, một tấm lòng tận tụy, sáng ngời tinh thần yêu nước, thương dân đã dặn Đức vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc!”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Dẫu cách nhau 700 năm nhưng "những tư tưởng lớn luôn gặp nhau", phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất